Kết nghĩa Kinh - Thượng: Thầm lặng "người trung gian"
(VHQN) - Nhắc đến câu chuyện kết nghĩa Kinh – Thượng, không gì “trực quan” cho bằng mạng lưới trao đổi hàng hóa miền xuôi – miền ngược. Trong mạng lưới ấy, có những bạn hàng thân thiết/kết nghĩa (pr’đì noh) hay người trung gian (ador lướt dơl) thầm lặng làm mắt xích để gắn kết hai đầu…
Quý của, tin người
“…Nhà anh rộng lớn và đầy những ché,/ Anh là thợ săn giỏi nhất xứ/ Và các rẫy của anh là những rẫy đẹp nhất/ Gà trống sẽ thỏa thuận cho chúng ta/Và anh sẽ đưa em vào trong rừng/Bất cứ ai muốn ngăn cản anh/Sẽ bị mũi giáo của anh đánh hai mươi lần”.
Bài hát ca ngợi ché (jớ/chớ) của đồng bào Cơ Tu được nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương dẫn theo tài liệu của Le Pichon (tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hué đăng từ năm 1938) đã hé lộ gia sản “đầy những ché” của họ. Nhưng cung đường mà ché phải “đi” qua, từ miền xuôi lên miền ngược, trước khi được xếp ngay ngắn và trang trọng bên trong ngôi nhà của người Cơ Tu thì đang “ẩn giấu”. Sau này, ché và các mặt hàng gốm sứ còn hiện diện nhiều hơn trong sinh hoạt động cộng đồng của đồng bào thiểu số vùng cao.
Để có được ché đẹp, người Cơ Tu phải xuống các chợ vùng xuôi trao đổi với những bạn hàng thân thiết/kết nghĩa (pr’đì noh) người Kinh. Trong công trình “Nghệ thuật Champa – Nghiên cứu kiến trúc và điêu khắc đền - tháp” (NXB Thế giới 2021), nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho rằng mỗi gia đình Cơ Tu đều có nhu cầu sưu tập nhiều ché, cho nên họ có những mối buôn bán thân quen riêng được xem như bạn bè/anh em để thường xuyên trao đổi sản vật này.
Cộng đồng ở vùng cao khác cũng có nhu cầu tương tự. Nhưng trước hết, họ phải có sản vật tương đương để đổi chác, hoặc có tiền. Trong câu hát ru của bà mẹ Ca Dong ở Quảng Nam do nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ) sưu tầm được, thấy có công đoạn kiếm tiền để mua hàng, mua quà:
“…Con đừng khóc nhiều lắm/ Đau miệng của con/ Con đừng khóc nhiều/ Cha của con đi chặt quế/ Đi bán ở Trà My Mua đồ về cho con”. (Nguyễn Văn Bổn, Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng, tập 3).
Khảo tả của nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương về mạng lưới trao đổi hàng hóa miền xuôi – miền ngược, trong quá khứ, người Cơ Tu gùi hàng xuống các chợ lớn như Hà Tân, Ái Nghĩa, Túy Loan… để đổi các loại ché, chiêng. Ngược lại, các bạn người Kinh cũng thường mang hàng lên tận các làng xa để bán, đổi. Thông thường, việc tiếp thị mặt hàng cao cấp như ché quý được các “mối lái” trung gian giới thiệu.
Tất nhiên, họ là người được tin cậy. “Vì ché là mặt hàng cao cấp, cho nên muốn trao đổi ché, thông thường phải qua người trung gian. Họ là những người có thể giao tiếp bằng tiếng Cơ Tu hoặc tiếng Kinh. Người Cơ Tu gọi người trung gian là “ador lướt dơl”, nghĩa là người đi bán hàng. Người trung gian có thể là người Kinh hoặc người Cơ Tu. Khi biết tin có người cần mua ché thì họ sẽ trực tiếp hướng dẫn người cần mua đến gặp người cần bán để xem ché, sau đó hai người thảo luận việc trao đổi với nhau” (Trần Kỳ Phương, Sđd).
"Người vận chuyển" ở đại ngàn
Trên sông Cái thượng nguồn của sông Vu Gia, cách Bến Giằng khoảng 30km có bãi cát lớn mang tên “Bãi Trầu” - từng là chợ phiên sôi động, nay thuộc địa phận xã Đại Đồng (Đại Lộc). Có nhân chứng cho hay người miền xuôi mang lên đây các mặt hàng thông dụng như mắm muối, chiếu, vải… để đổi lấy trầu nguồn, mật ong, vỏ cây chay (để ăn trầu). Còn với người Cơ Tu, nếu muốn có được mặt hàng giá trị hơn như ché, chiêng, nồi đồng, mâm đồng… họ phải gùi hàng xuống tận các chợ trung du Hà Tân, Hà Nha, Ái Nghĩa để đổi hoặc mua.
Theo thời gian, mối quan hệ Kinh – Thượng càng gắn kết, nhất là qua con đường giao thương. Cũng chính vì vậy, từ đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp lập đồn An Điềm (khu vực giáp ranh giữa vùng trung du Đại Lộc với vùng cao Hiên – Giằng) để đưa ra chiêu bài nới rộng tự do giao lưu buôn bán, âm mưu dụ dỗ đồng bào thiểu số miền núi. Sâu xa hơn, kẻ địch muốn giảm thiểu tầm ảnh hưởng của giới thương lái người Kinh tại các ngõ nguồn sông Bung, sông Cái.
Đến giữa những năm 1950, một số thương lái Kinh được người Cơ Tu tôn xưng “cha” hay “bác” do có mối quan hệ mật thiết. Như “cha Lạc”, “cha Bốn” ở chợ Ái Nghĩa; “cha Sương”, “cha Lâu”, “cha Trường” ở chợ Hà Tân và Hà Nha; “bác Đề” ở chợ Túy Loan. Cũng theo công trình nghiên cứu của tác giả Trần Kỳ Phương (đã đề cập), người được gọi “bác Đề” ở chợ Túy Loan có tên đầy đủ là Mai Đề, sinh năm 1913.
Tháng 4/1975, khi biết tin ông bị triệu tập làm việc với chính quyền cách mạng (vì từng là nhân viên an ninh của chế độ cũ), nhóm người Cơ Tu ở vùng Trung Man kéo xuống xin. Họ lập luận rằng, trong thời kỳ chống Mỹ, nếu không có sự trợ giúp của “bác Đề” thì họ không thể mua được thực phẩm, thuốc men để tiếp tế cho cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng… Sau lần thỉnh nguyện đó, “bác Đề” được trả tự do, thậm chí làm việc cho một hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp ở Hòa Vang và tiếp tục mua bán lâm sản với người Cơ Tu ở Trung Man cho đến khi mất (năm 1988).
Đôi khi, “người vận chuyển” cũng gặp chút ít rủi ro do có mâu thuẫn về quyền lợi, chủ yếu vì giá cả trao đổi hàng hóa không sòng phẳng. Từng có vụ trả thù xảy ra vào khoảng những năm đầu 1920 (theo lời kể của cụ Quách Xân, một cán bộ lão thành cách mạng) đối với một thương lái tên là “mụ Tâm” ở chợ Hà Nha. Nhưng mâu thuẫn kiểu này không nhiều, mà phần lớn “người trung gian” luôn được tôn vinh, tin cậy, gửi gắm. Họ xứng đáng được nhắc tên trong tổng hòa các mối quan hệ kết nghĩa Kinh – Thượng ở xứ Quảng.