Nhà nước và cử tri

Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa X: Thảo luận nhiều vấn đề liên quan cơ chế, chính sách

N.ĐOAN - H.QUÂN 05/12/2024 08:44

(QNO) – Thảo luận tại tổ vào chiều 4/12, các đại biểu HĐND tỉnh đều bày tỏ phấn khởi về những chuyển biến rất ngoạn mục của bức tranh tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam. Tuy nhiên, các ý kiến cũng phân tích để có cái nhìn toàn diện hơn về các điểm nghẽn, đưa ra các giải pháp để thực hiện đạt chỉ tiêu tăng trưởng từ 9,5 – 10% đề ra ở năm 2025.

anh thap luan 3
Chiều nay 4/12, đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ. Ảnh:Q.Đ

Hiệu quả từ công tác lãnh đạo, điều hành

Từ đầu năm 2024, Quảng Nam tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, nhưng nhiều lĩnh vực chuyển biến ngoạn mục. Từ tăng trưởng âm 8,4% của năm 2023, đến cuối năm 2024 tỉnh đã đạt mức tăng trưởng 7,1%. Hay thu ngân sách trong điều kiện khó khăn nhưng đến cuối năm 2024 cũng thu đạt được trên 27 nghìn tỷ đồng.

Để đạt được kết quả này, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Lan – Bí thư Thành ủy Tam Kỳ, từ công tác dự báo tình hình và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Gắn với đó nhận diện được những nút thắt trong quá trình lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh đã thành lập các tổ công tác, với hoạt động đối thoại tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp, tìm hiểu các công trình, dự án trọng điểm để có hướng xử lý các vướng mắc.

[VIDEO] - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Nguyễn Thị Thu Lan phát biểu thảo luận tại tổ chiều 4/12:

Qua theo dõi ý kiến cử tri, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã bố trí nguồn lực và ban hành một số chủ trương trên lĩnh vực an sinh xã hội đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rất cao của nhân dân. Đặc biệt là tập trung thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát; miễn học phí năm 2024 – 2025…

“Qua báo cáo của UBND tỉnh, cũng như theo dõi tình hình chung, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong tăng trưởng kinh tế. Đó là việc chưa bền vững trong thu ngân sách, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn thu trên 60% từ ô tô.

Những vướng mắc, khó khăn trong nguồn thu từ đất, như Tam Kỳ phải điều chỉnh dự toán thu chi, kể cả đầu tư công. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 31 ngày 25/10/2024 của UBND tỉnh (thay cho Quyết định 42) về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh là cố gắng lớn, để tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, Quyết định 31 vẫn chưa đáp ứng được những khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư đã ảnh hưởng trực tiếp vào điều hành của các địa phương” – bà Lan phát biểu.

thao luan 2
Ông Thái Viết Tường phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Q.Đ

Nêu ra những khó khăn mà ngành giáo dục đang đối mặt, ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD-ĐT đề nghị, trong giải pháp thực hiện thời gian tới, cần nêu rõ toàn tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tăng cường đầu tư cho giáo dục.

Cụ thể là ban hành chính sách chuẩn hóa cơ sở vật chất của các trường THPT; ban hành chính sách thu hút giáo viên ở các huyện miền núi cao; cấp đủ kinh phí để thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về GD-ĐT.

Cũng như các ý kiến thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Lan cho rằng, dự báo tình hình năm 2025 nguồn thu sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là từ ô tô, cho nên những giải pháp tăng thu, chống thất thu là quan trọng. UBND tỉnh hết sức quan tâm trong thời gian sắp tới.

“Tỉnh tiếp tục nghiên cứu để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong cơ chế liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Chế độ chính sách quy định trực tiếp cho đội ngũ làm công tác đền bù chậm ban hành, phải chờ kéo dài, làm ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm, kể cả trong điều hành, trực tiếp làm khối lượng công việc rất nhiều của lực lượng này. Tỉnh cần sớm có cơ chế chính sách trên lĩnh vực này” – bà Lan kiến nghị.

Thay đổi cách làm

Liên quan đến lĩnh vực ngân sách, bà Phan Thị Thanh Thảo – Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, việc cân đối ngân sách tỉnh có hụt một phần chi năm 2023, mặc dù còn khó khăn như các địa phương nêu, nhưng tỉnh chưa thực hiện giảm chi. Bởi một trong những nguyên tắc là giảm thu thì phải giảm chi. Nhìn vào chỉ tiêu năm 2025 - năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách, năm cuối nhiệm kỳ 2020 – 2025, đòi hỏi tập trung rất cao trong công tác lãnh chỉ đạo để đạt được tỷ lệ tăng trưởng 9,5 - 10%.

“Năm 2025, tỉnh cần đánh giá lại tính hiệu quả của các nghị quyết đã ban hành, để xem nghị quyết nào đã đi vào thực tiễn đời sống. Nghị quyết nào chưa phù hợp, nhằm cân đối ngân sách sát hơn tránh tình trạng có những nghị quyết ra đời nhưng nguồn lực bố trí chưa đầy đủ như các địa phương phản ánh” – bà Thảo nói.

Theo ông Nguyễn Đình Tiên – Phó Trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh, vừa rồi, UBND tỉnh đã có trình đề án đầu tư cơ sở vật chất đối với khối THPT; nhưng qua làm việc thì nguồn lực chưa rõ.

Vì vậy, tỉnh thống nhất chuyển sang trình kỳ họp tháng 3/2025 của HĐND tỉnh - khi có kế hoạch đầu tư công của Trung ương thì đưa vào xây dựng cơ chế thực hiện. Các khối mầm non, tiểu học, THCS còn lại cũng sẽ có cơ chế ưu tiên tập trung đầu tư nhằm nâng cao cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục.

“Hiện nay, các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành trên các lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là giáo dục có một số nghị quyết chưa bố trí kinh phí thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh bố trí đủ kinh phí cho các nghị quyết đã ban hành trên lĩnh vực giáo dục” – ông Tiên kiến nghị.

[VIDEO] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025:

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho biết, năm 2025 nếu không thay đổi cách làm, không thay đổi phương pháp chỉ đạo thì sẽ không thành công. Vì vậy, UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo bằng nhiều biện pháp cụ thể, nếu không làm tốt thì mất cơ hội đầu tư phát triển.

N.ĐOAN - H.QUÂN