Giáo dục - Việc làm

Cải thiện công tác đào tạo nghề, Quảng Nam nâng chất lượng nguồn lao động

NHẬT LINH - QUANG SƠN 06/12/2024 11:33

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác đào tạo nghề trên địa bàn Quảng Nam trong thời gian qua chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động.

dscn65355.jpg
Lao động nông thôn của TP.Tam Kỳ học nghề làm bánh.

Đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, TP.Tam Kỳ đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT). Thành phố chú trọng tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức.

Đồng thời tổ chức rà soát về số lượng lao động, nhu cầu học nghề của từng đối tượng để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Việc đào tạo nghề cho LĐNT gắn với nhu cầu việc làm của thị trường LĐ nhằm tạo điều kiện để người lao động có việc làm ổn định, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) với đặc thù địa phương ven biển, lao động phần lớn làm nghề đánh bắt hải sản nên công việc không ổn định. Để khai thác các sản phẩm dịch vụ du lịch, UBND xã tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho LĐNT.

Trong đó tập trung các ngành nghề dịch vụ, du lịch như nấu ăn, pha chế, kinh doanh dịch vụ homestay và phát triển các sản phẩm nghề truyền thống của địa phương như nước mắm, chế biến cá khô, mực khô.

Ông Võ Quang Hân - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho hay: “Nhờ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền gắn với giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn xã đạt 85,83%. Cơ cấu lao động theo từng ngành có sự chuyển dịch rõ nét, từ nông - lâm - thủy sản sang thương mại - dịch vụ”.

Cuối tuần qua, tại phường An Sơn, UBND TP.Tam Kỳ tổ chức phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và 12 doanh nghiệp tuyển dụng LĐ, nhu cầu tuyển dụng hơn 5.000 vị trí việc làm trong nước. Bên cạnh đó cần tuyển số lượng lớn LĐ đi làm việc tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Chị Nguyễn Ngọc Hương Lan (28 tuổi, phường An Phú) sau thời gian nghỉ sinh con đã đến phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm cho mình công việc phù hợp. Chị Lan chia sẻ: “Trước kia tôi làm kế toán tại một công ty ở TP.Hồ Chí Minh nhưng sinh con nhỏ nên về quê. Tôi mong với kinh nghiệm sẵn có sẽ tìm được một công việc đúng chuyên ngành và mức lương theo nguyện vọng”.

Nâng chất lượng nhân lực

Nâng chất lượng nhân lực có vai trò lớn trong phục vụ cho sự phát triển của mỗi địa phương. Với TP.Tam Kỳ, hiện có 232 doanh nghiệp, 14 hợp tác xã, 1.295 hộ kinh doanh cá thể, đã giải quyết việc làm cho hơn 25.000 LĐ.

dscn543452.jpg
Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động tại các sàn giao dịch việc làm.

Ông Đỗ Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, để giải quyết việc làm thì trước tiên LĐ phải có tay nghề, nên địa phương khuyến khích LĐ học nghề để có việc làm tốt hơn. Tam Kỳ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm mới, giải quyết vấn đề về thiếu hụt việc làm cho người LĐ tại địa phương.

Ông Minh cho biết, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức hoạt động tư vấn, tuyển dụng, định hướng học nghề cho người LĐ, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của gần 30 doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tham gia tuyển dụng, thu hút hơn 700 lượt lao động đến đăng ký tư vấn, tìm việc làm.

Qua đó đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người sử dụng LĐ và người LĐ gặp nhau, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người LĐ, ưu tiên người LĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn thành phố. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo trên địa bàn thành phố đạt 84,51%.

Theo Sở LĐ-TB&XH, Quảng Nam đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị, địa phương tổ chức các diễn đàn đối thoại giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và người lao động, nhiều hội nghị có mời doanh nghiệp tham dự để biết được nhu cầu tuyển dụng, hoặc trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn LĐ để có kế hoạch đào tạo cung ứng kịp thời...

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn gắn đào tạo với giải quyết việc làm. Ngay từ khâu tư vấn, tuyển sinh, đã kết hợp doanh nghiệp, phối hợp với địa phương thông tin cụ thể người LĐ sau học nghề sẽ làm việc tại doanh nghiệp nào, thu nhập bao nhiêu, điều kiện làm việc ra sao...

Trước khi khai giảng, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức cho người LĐ là đồng bào dân tộc thiểu số đi tham quan một số doanh nghiệp để tìm hiểu, nắm bắt thực tế để có sự lựa chọn. Việc đào tạo được tổ chức theo mô hình khép kín, vừa đào tạo ở nhà trường, vừa đào tạo tại doanh nghiệp để người LĐ quen dần với môi trường làm việc và đáp ứng ngay yêu cầu công nghệ của doanh nghiệp. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hợp tác quốc tế, phối hợp tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ LĐ sang làm việc ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Lào...

Thực hiện Chỉ thị số 37, ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” trên địa bàn tỉnh, 10 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho 48.509 người, trong đó, nghề phi nông nghiệp 24.709 người, nghề nông nghiệp 23.800 người; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được 253.624 người. Kết quả, tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 72,2% vào năm 2023, dự kiến năm 2024 đạt 74%.

NHẬT LINH - QUANG SƠN