Giáo dục nghề nghiệp ở Quảng Nam hướng đến việc làm cho người học
Thời gian qua, chất lượng giáo dục nghề nghiệp của tỉnh được chú trọng đầu tư, góp phần nâng tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo ngày càng cao.
Nhằm tinh gọn đầu mối cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo tinh thần Nghị quyết số 19, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Quảng Nam đã sáp nhập 6 cơ sở GDNN trong toàn tỉnh thành Trường Cao đẳng Quảng Nam.
Từ năm 2021 đến nay, Trường Cao đẳng Quảng Nam đi vào hoạt động, vượt nhiều khó khăn thời điểm ban đầu, nâng chất lượng đào tạo theo định hướng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu. Từ đó, tỉnh có 24 cơ sở GDNN cùng tham gia vào công cuộc đào tạo nhân lực cho tỉnh và khu vực.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có 1.513 nhà giáo GDNN, được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ thường xuyên, góp phần nâng cao hơn chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN của tỉnh.
Các hội thi, hội giảng của tỉnh và của Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, các nhà giáo GDNN của các cơ sở trong tỉnh tham gia năm nào cũng đạt nhiều thành tích, khẳng định chất lượng của đội ngũ nhà giáo trong hệ thống GDNN quốc gia.
Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thi hành Luật GDNN, tỉnh có thêm nhiều điều kiện, chính sách hỗ trợ người LĐ học nghề, khuyến khích tinh thần học nghề của LĐ, đặc biệt là LĐ khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa của tỉnh.
Ông Quý cho biết: “Trung ương có nhiều chính sách hỗ trợ cho LĐ như miễn giảm học phí, chính sách nội trú, tín dụng, cấp học bổng khuyến khích học tập. Tỉnh còn có các chính sách riêng cho từng giai đoạn như hỗ trợ học sinh, sinh viên học chính quy tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh thuộc hộ đăng ký và đã thoát khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp bù 100% học phí và thực hiện cho đến khi hoàn thành khóa học.
Hay hiện nay là hỗ trợ học phí, tiền đi lại, tiền ăn, học bổng cho người học nghề chính quy với các mức khác nhau tùy đối tượng... Các doanh nghiệp tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhờ vậy mà sự gắn kết giữa đào tạo và việc làm càng hiệu quả hơn”.
Các cơ sở GDNN đã xây dựng, ban hành 393 chương trình đào tạo ở các cấp trình độ và đào tạo dưới 3 tháng, theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo trực tuyến... Hàng năm, các cơ sở GDNN thực hiện tự đánh giá công tác kiểm định chất lượng đào tạo; xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra cho các ngành học làm tiêu chí đánh giá công nhận tốt nghiệp cho người học.
“Điều quan trọng các cơ sở GDNN hướng tới chính là việc làm cho người học. Tỷ lệ học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng có việc làm ngay sau tốt nghiệp chiếm tỷ lệ hơn 70%, một số ngành có tỷ lệ đạt 100% (như công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ ô tô, chăn nuôi, thú y, nhà hàng, khách sạn…). Trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng tỷ lệ này đạt khoảng 80%” - ông Quý thông tin.