Ca dao, dân ca - nhìn từ giao thoa vùng Nam Ngãi
(VHQN) - Nam Ngãi là cụm từ quen thuộc người dân miền Trung gọi Quảng Nam - Quảng Ngãi. Có thể gọi hai địa phương này cùng chung một vùng văn hóa, đặc biệt là những trùng khít trong ca dao dân ca, nếp sinh hoạt truyền thống...
Từ phương ngữ...
Theo chiều dài lịch sử dân tộc, dễ thấy sự giao thoa văn hóa - ngôn ngữ các địa phương thường diễn ra theo chiều từ Bắc vào Nam. Nhưng với Quảng Nam và Quảng Ngãi, chúng tôi có cảm giác, văn hóa - ngôn ngữ lại giao thoa theo hai chiều xuôi ngược Bắc - Nam.
Một cách tương đối, từ quốc lộ 1A trở xuống miệt biển thì giao thoa theo chiều Bắc - Nam thông thường (từ Quảng Nam vào Bắc Quảng Ngãi). Nhưng cư dân sống trên quốc lộ 1A, thì lại giao thoa theo chiều ngược lại: từ Nam ra Bắc (từ Quảng Ngãi ra Nam Quảng Nam)
Bằng chứng là huyện Núi Thành (Quảng Nam) giáp với Bình Sơn (Quảng Ngãi), tiếng nói người dân ở đây chia ra làm hai khu vực chính.
Từ đường ray xe lửa trở lên phía núi thì không hề nói: ta, mi, mô, tê, răng, rứa, chừ… mà giọng nói rất giống với người Kinh vùng đồng bằng và phía Tây Quảng Ngãi, đặc biệt là giống tiếng Mộ Đức, Đức Phổ (tận cực Nam của tỉnh Quảng Ngãi): tao, mầy, đâu, kia, sao, vậy, giờ...
Trong khi đó, từ đường ray xe lửa chạy xuống miệt biển thì nói rặt giọng Quảng Nam: ta, mi, chi, mô, tê, răng, rứa, ni, nớ… và chạy xuyên vào cả vùng Đông Bình Sơn (Quảng Ngãi). Cư dân các xã ven biển vùng Bắc Quảng Ngãi nói: ta, mi, chi, mô, tê, răng rứa, ni, nớ… mà không nói: tao, mầy, gì, đâu, kia, sao vậy, nầy, kia… như hầu hết người Quảng Ngãi.
Gặp nhau ở... địa danh
Có rất nhiều câu, bài ca dao, dân ca của Quảng Ngãi trùng khít với ca dao, dân ca vùng Nam Quảng Nam. Tất nhiên đây cũng là một hiện tượng phổ biến đối với ca dao, dân ca Việt Nam. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai vùng đất, sự đan xen, chồng khít văn hóa ở đây rất rõ, nhất là Nam Quảng Nam và Bắc Quảng Ngãi.
Thử đọc bài ca dao này, ta sẽ thấy ở đây mối quan hệ giữa các địa danh giữa huyện Núi Thành (Quảng Nam) và huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi): Đưa anh về Quảng em lo/ Ao Vuông là một, Ba Gò là hai/ Kiêng gì trong buổi sớm mai/ Đàng Trong kẻ cướp, Đàng Ngoài hang beo.
Ngay câu đầu tiên của bài ca dao này, ta chỉ thấy nói đến một địa danh chung là “Quảng”. Câu 2 có hai địa danh thì “Ao Vuông” hiện thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam; còn Ba Gò lại thuộc xã Bình Long, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ở hai câu cuối của bài, ta nhận ra: “Đàng trong kẻ cướp” chính là chỉ Truông Ba Gò, “đàng ngoài hang beo” chính là vùng núi có Ao Vuông. Như vậy, có thể nói giữa hai vùng đất này, ranh giới địa lý đã có sự gần gũi chồng khít lên nhau.
Không chỉ đến Bình Sơn mà thậm chí từ Núi Thành lại kéo tuốt vào thành phố Quảng Ngãi:
Hỏi thăm qua chú bán quynh (*)
Thấy ngoài Bến Ván, Trì Bình gặt chưa?
Bến Ván bán tới Quán Cơm
Gặt chưa không biết thấy hai cây rơm ú ù!.
Thậm chí Cầu Bến Ván (cầu An Tân hiện nay) và địa danh “Ao Vuông” của huyện Núi Thành được nối rất sâu về phía Nam Quảng Ngãi:
Kể từ Cầu Ván, Ao Vuông
Bước qua Quán Ốc lòng buồn lụy sa
Quán Cơm nào quán nào nhà
Ngóng ra Trà Khúc trời đà rạng đông
Buồn lòng đứng dựa ngồi trông
Ngó vô Hàng Rượu mà không thấy chàng.
Từ “Bến Ván”, “Ao Vuông” (Núi Thành, Quảng Nam) vào “Quán Ốc” (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đến “Quán Cơm”, “chợ “Hàng Rượu” là địa danh nằm ngay phía Bắc đầu cầu Trà Khúc, nay thuộc phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi.
Những bài hát ru
Ngoài chuyện địa danh, giữa ca dao, dân ca Quảng Nam và Quảng Ngãi còn rất nhiều bài trùng hợp đến không thể phân biệt. Chính sự giao thoa, chồng khít này phản ánh tâm tư, tình cảm trong quá trình lao động và đấu tranh của mình đã thể hiện được sự giao thoa văn hóa rất rõ nét thông qua nội dung các bài ca dao, dân ca: Anh đi em mới trồng hoa/ Anh về hoa nở được ba trăm nhành/ Một nhành là chín búp xanh/ Bán ba đồng một để dành một nơi/ Tiếng anh ăn học cả đời/ Cậy anh tính thử vốn lời bao nhiêu?
Thậm chí, từ thuở nhỏ, ở Quảng Nam, tôi đã nghe và thuộc bài ru con của các mẹ, các chị - “Con bóng ác đã chen về góc núi/ Phận lão tiều còn than củi ở đầu non/ Bước gập ghềnh đường đá nổi từng hòn/ Vợ chồng lão dắt dìu lòn dưới hố/ Vợ than thở “úy than ôi,quá khổ”/ Kiếp chi này xấu hổ với phường đinh...”.
Cứ tưởng đây là ca dao, dân ca quê mình, nhưng sau này, khi cùng sưu tầm, nghiên cứu văn học ở Quảng Ngãi, tôi mới biết đó là bài “Tiều phu thán” hay còn gọi là “Tiều phu hóa phụ” (Tiều phu dạy vợ) của tác giả Học Soạn (Phạm Soạn 1890 -1936?), người xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi (nơi trường tôi đang dạy học).
Ca dao, dân ca được xem như sự biểu hiện rõ nét nhất văn hóa của một vùng đất, như vậy, mối quan hệ văn hóa giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi đã khá sâu đậm. Chưa kể, mối gắn kết này còn thể hiện ở phong tục, tập quán, nhất là phong tục tang ma và hôn nhân của vùng Nam Quảng Nam và Quảng Ngãi rất giống nhau...
(*) quynh - là cái cót để quây lại đựng lúa ngày xưa.