Làng, với Nguyễn Nhật Ánh
(VHQN) - “Làng tôi có một cái chợ tên là chợ Đo Đo. Từ lâu, tên chợ đã thành tên làng. Lớn lên, tôi đi đâu xa, xưng là người làng Đo Đo, ai cũng biết... Chợ Đo Đo chỉ họp ban đêm. Ban ngày chợ vắng ngắt chỉ còn trơ trọi lại cây bàng già giữa chợ và những căn lều trống trải, ọp ẹp nơi bọn trẻ con thường tụ tập chia phe đánh nhau” (Mắt biếc – Nguyễn Nhật Ánh).
1. Cái chợ Đo Đo ấy là chứng nhân của một mối tình dằng dặc đẹp và buồn như qua nhiều kiếp người. Còn hơn thế, Đo Đo đã trở thành một nhân vật đặc biệt, mang chứa tâm trạng, cảm xúc thay đổi theo thời gian và đời người.
Là cái chợ quê như vốn dĩ, khi cậu bé Ngạn mới cắp sách đi học. Ngạn lớn lên, đi học xa rồi về làng làm anh giáo trẻ, Đo Đo cũng vẫn vậy, không có gì thay đổi.
Hà Lan bỏ làng lên phố, Đo Đo buồn, chỏng chơ... Trà Long về, Đo Đo “tươi tắn hẳn ra. Trên ngọn bàng già giữa chợ, trời xanh vời vợi và trong suốt như pha lê. Hoa dâm bụt chói chang..., cây thị vườn nhà ông Cửu Hoành nhiều trái chín hơn xưa...” (Mắt biếc).
Tôi thấy thời gian trong cả đời lẫn văn của Nguyễn Nhật Ánh thật kỳ lạ. Nó như đã trôi xuôi thăm thẳm rồi lại chảy ngược trở về. Như sự phục sinh giữa hai mẹ con Hà Lan và Trà Long, khiến nhà văn của chúng ta mắc kẹt ở giữa, trong “giấc mơ đẹp đẽ và không ngừng lặp lại”, vui và buồn - thất vọng và hy vọng.
Có lẽ vậy nên ông cứ trẻ mãi trong văn chương và đời thực. Với con người này, ngòi bút này, thời gian không bao giờ vĩnh viễn trôi đi. Tất cả dù là ánh hồi quang phản chiếu nhưng không hề siêu thực.
Đo Đo và Trà Long là hai tên làng có thật ở miền quê Thăng Bình xứ Quảng: một là quê nội nơi chôn nhau cắt rốn, một là thiên đường tuổi thơ của nhà văn. Hai địa danh ấy được Nguyễn Nhật Ánh đặt tên cho hai nhân vật nữ mà mình yêu nhất trong suốt một đời văn, như ông từng tâm sự trong tản văn “Thương nhớ Trà Long”.
Bối cảnh của truyện dài “Hạ đỏ” (xuất bản năm 1991, sau “Mắt biếc” 1 năm) với Chương và Út Thêm, với Nhạn và Dế cũng chính là làng Trà Long ngoài đời. Ngõ trúc Trà Long trong văn Nguyễn Nhật Ánh hiện lên như một thiên đường tuổi thơ, và vẫn luôn sống mãi cho dù ngoài đời thực đã đổi thay mất mát quá nhiều.
“Dẫn vào làng là một ngõ trúc quanh co, sâu hút... Trưa đứng bóng, luồn qua ngõ trúc vẫn mát rượi. Nắng bị chặn lại trên những ngọn tre trúc cong cong, chỉ rụng xuống con đường làng đầy lá khô và phân bò những giọt vàng lốm đốm. Không có nắng, nhưng ngõ trúc đầy tiếng chim”...
2. Tôi ngồi với Nguyễn Nhật Ánh, thời điểm bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” dựa theo cuốn truyện dài của ông chuẩn bị ra rạp. Gần cả buổi sáng, chúng tôi nói về bao nhiêu thứ, nhưng cứ nhói lên là những địa danh đẹp mê hồn trong văn chương ngày càng nhạt phai, mất mát giữa đời thực.
Như bộ phim vừa nhắc ở trên, bối cảnh là cái thị trấn Hà Lam đơn sơ những năm 80 của thế kỷ trước. Với vườn ổi, bến xe cũ, trường trung học quét vôi vàng... Nhưng rồi khi quay phim lại phải tìm về một huyện lỵ xa xôi ở Phú Yên mới tái hiện được không gian của hoài niệm. Cũng như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc” trước đó.
“Địa danh văn chương là quan trọng lắm đấy!”, tôi vẫn nhớ câu mà Nguyễn Nhật Ánh thốt lên hôm ấy, khi chúng tôi nói về những vùng quê của các nhà văn đã trở nên thẳm sâu và sống mãi trong thi ca, văn chương.
Như vùng đồi núi và thảo nguyên Dagestan của Rasul Gamzatov, vùng đất Cao Mật heo hút và nghèo khó của Mạc Ngôn. Nguyễn Nhật Ánh say mê kể về những địa danh trong bài thơ Tây tiến của Quang Dũng, làng Nghĩa Đô của Tô Hoài, rồi nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo, dòng sông Mississippi của Mark Twain, của Laura Ingalls Wilder, William Faulkner,...
Ông bảo mình chỉ viết về ký ức. Và việc đưa các địa danh vào bối cảnh hay tên người là đòi hỏi tự nhiên của chủ đề đó. Nhưng càng về sau, ông lại càng thấm thía, rằng những tên làng tên xã, tên lớp tên trường, tên từng ngọn đồi cánh ruộng sẽ được sống tiếp đời sống thứ hai cùng vẻ đẹp trong veo và huyền hoặc của ký ức trải tràn lên các trang văn.
Rồi ông chợt ngơ ngác, khi thốt lên rằng chúng ta đã để mất quá nhiều thế giới thần tiên ấy trong đời thực. Dẫu biết đời sống không thể mãi mãi là “ngày xưa”. Nhưng còn những ký ức đẹp đẽ lẫn ám ảnh mà chúng ta, nhất là những người trẻ muốn được biết, muốn trải nghiệm, thì sao?
Nhiều lần đối diện với các đạo diễn, họ hỏi và tha thiết tìm được những bối cảnh ở ngay chính Quảng Nam theo khung cảnh gốc trong truyện, Nguyễn Nhật Ánh nói, ông cũng loay hoay thử kiếm tìm rồi đành bất lực.
Ông hỏi tôi, có thấy chỗ nào của “ngày xưa” không, tôi cũng bối rối. Tìm lại những cái chợ quê tranh tre nứa lá có bán con tò he, cục kẹo đường, những trò chơi của trẻ con ngày xưa... Mình có phải cứ chạy theo để “sánh vai” với các đô thị lớn không, hay chỉ cần bảo tồn, phát huy nét văn hóa bản địa nguyên sơ, độc đáo riêng có của quê hương xứ sở mình?
3. Nguyễn Nhật Ánh là vậy. Cái kính vạn hoa thời cũ dùng tay lắc lắc để xem, sau này khi được cải tiến sang vặn nút cũng khiến ông buồn, viết hẳn một tản văn có tên là “Buồn gì đâu!”. Nhưng bây giờ thì cái kính vạn hoa vặn nút cũng đã phải nhường chỗ cho biết bao thứ đồ chơi điện tử siêu đẳng, còn đâu!
Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng nói:“Nếu sinh ra ở thành phố, chắc gì tui đã... viết văn. Ở đó cuộc sống sôi động lắm, làm sao tui cô độc đến nỗi phải viết để khỏi phải nói chuyện một mình!”.
Còn Nguyễn Nhật Ánh, hình như trừ bộ Kính vạn hoa mang không khí Sài Gòn, còn lại hơn trăm cuốn truyện của ông đều lấy bối cảnh những làng quê thôn xóm ở Thăng Bình, rồi Điện Bàn, Tam Kỳ, Đà Nẵng. Ngay cuốn truyện mới nhất ông đang viết mà chưa “bật mí” tên sách, cũng mang khung cảnh thị trấn Hà Lam. Ông đùa, nói theo kiểu Đỗ Phấn, là “Kính tặng ngày xưa”.
Phải chăng là “những trang văn đẹp không dành cho thành phố”? Từ 30 năm trước Nguyễn Nhật Ánh đã nhận ra điều đó. Giờ đây, chiêm nghiệm một chút, tôi thấy vẫn đúng. Tốc độ đô thị hóa, xô bồ chật chội, rồi triều cường ngập lụt...
Trong “Ngổn ngang phố xá” (in trong tập tản văn “Người Quảng đi ăn mì Quảng”, NXB Trẻ, 2018), Nguyễn Nhật Ánh đã nhận ra “sự quan tâm của nhà văn đối với cảnh vật xung quanh dường như mỗi ngày một nhạt nhẽo dần... Độc giả vẫn có thể tìm thấy những trang văn tuyệt đẹp miêu tả cảnh vật. Chỉ khổ một nỗi, những trang văn hiếm hoi này lại không dành cho thành phố... Thành phố như một cô gái, giàu lên nhưng đã kém duyên”.
Với Nguyễn Nhật Ánh, Sài Gòn buổi sáng mưa bay đẹp lắm. Nhưng rồi chợt nghĩ đến quê nhà, thế là hết đẹp. Như câu thơ của ông “Sài Gòn sáng sớm mưa bay/ ngồi lo Đà Nẵng mùa này bão dông”.
Trong truyện “Tôi là Bêtô” có nhân vật là ba chị Ni, một người đàn ông xa quê, luôn coi món nước mắm quê nhà là điều vĩ đại nhất chỉ sau tình yêu. Ông còn trồng cả đám tre trên sân thượng để hồi ức về khu vườn tuổi thơ. “Giữ mùa, cất tháng, giấu chiêm bao/Đôi mắt tôi cay hạt bụi nào/Khóc trong trí nhớ bờ tre nhỏ/Chuồn chuồn còn tắm ở cầu ao/... Ở đây áo ấm, trời lên Tết/Con dế giang hồ đang nhớ quê…”.
“Con dế giang hồ đang nhớ quê” ấy, chính là Nguyễn Nhật Ánh!