Thưởng lãm nghệ thuật điêu khắc ánh sáng
(QNO) - Những chiếc bóng đầy nghệ thuật xuất hiện phía sau vật thể. Ý nghĩa hơn, khi những chiếc bóng mang đến câu chuyện về hành trình dựng nước, giữ nước thông qua các danh nhân lịch sử.
"Thắp đèn soi niên sử"
Tại Bảo tàng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), hay còn gọi là Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, ngoài những vật phẩm từ gốm, du khách còn được thưởng thức sự ảo diệu của nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Với chủ đề "Thắp đèn soi niên sử" - nghệ nhân trẻ 9X Bùi Văn Tự cùng cảm hứng sáng tạo từ lịch sử và tài năng riêng có, đã mang đến nhiều hào hứng cho người thưởng lãm.
Bắt đầu tạo hình bằng gỗ lũa và gốm, thoạt nhìn, chúng chỉ là những hình khối bất động, dù được sắp đặt theo chủ ý... Thế nhưng khi ánh sáng chiếu vào, trên tấm phông phía sau, những tác phẩm chân dung hiện lên.
Đó là hình ảnh của các nhân vật lịch sử danh nhân Việt Nam. Từ vua Hùng cho đến các vị vua nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, anh hùng Nguyễn Trãi... Mỗi chân dung gắn với một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Đặc sắc hơn, mỗi giai đoạn lại gắn liền với thời kỳ phát triển của gốm sứ Việt Nam.
Cạnh đó, những tác phẩm mang tinh thần hòa hợp, tôn trọng mẹ thiên nhiên được chuyển tải thành công. Nghệ nhân sử dụng chất liệu từ những mảnh gốm vỡ, dây thép gai, nhựa... kết hợp cùng ánh sáng để có những tác phẩm nghệ thuật từ các vật liệu bỏ đi.
Bùi Văn Tự là nghệ sĩ nghiên cứu và phát triển nghệ thuật điêu khắc ánh sáng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm này. Được biết đến trên sân khấu của chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt Nam" năm 2014, từ đó, Bùi Văn Tự dấn thân mạnh mẽ cùng loại hình nghệ thuật đặc biệt này.
Kết hợp bảo tàng và du lịch
Kết hợp cùng chủ nhân Bảo tàng gốm Bát Tràng - cũng là một nghệ nhân làng nghề gốm bên sông Hồng, Bùi Văn Tự cùng không gian triển lãm nghệ thuật ánh sáng làm nên trải nghiệm đặc biệt để thu hút du khách. Hiện Bùi Văn Tự là chủ nhân công ty "Điêu khắc ánh sáng Đại Việt" với hàng loạt chương trình, sản phẩm nghệ thuật tại các địa phương trên cả nước.
"Mỗi tác phẩm của chúng tôi được ra đời bởi sự kết tinh nghệ thuật thủ công bậc thầy với sự sáng tạo bật phá của nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Qua đó mỗi tác phẩm là một câu chuyện được diễn đạt bởi ngôn ngữ tạo hình độc đáo bao hàm sự rung động chiều sâu tâm hồn và tư duy sáng tạo" - thông điệp đưa ra từ chủ nhân công ty Điêu khắc ánh sáng Đại Việt.
Và không chỉ có câu chuyện của ánh sáng, tại Bảo tàng gốm Bát Tràng, những vật phẩm gốm độc đáo cùng hành trình của làng nghề gốm ngàn năm được kể bằng những phương thức đặc biệt. Những sản phẩm gốm sứ từ thế kỷ thứ 10 đến 19 được trưng bày trong không gian mở, giới thiệu đến công chúng về sự quan trọng của nghệ thuật gốm sứ trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Kiến trúc Bảo tàng Gốm Bát Tràng được lấy cảm hứng từ bàn xoay - dụng cụ làm gốm của người dân làng Bát Tràng. Đây cũng là công trình được bình chọn giải vàng Giải thưởng kiến trúc quốc gia năm 2023.
Du lịch bảo tàng đang được nhiều địa phương chú trọng, trong đó có Hà Nội. Ngoài hệ thống bảo tàng tư nhân, một số bảo tàng công lập đang thay đổi để tạo điểm nhấn với du khách. Gắn kết hoạt động bảo tàng và phát triển du lịch là xu hướng hiện nay.
Tại Quảng Nam, dù sở hữu nhiều bảo tàng với hàng nghìn hiện vật có giá trị độc đáo, tuy nhiên "du lịch bảo tàng" vẫn chưa thật sự phát triển đúng với tiềm năng đang có. Các bảo tàng địa phương, phòng trưng bày chuyên đề thiếu thông tin quảng bá hoặc hoạt động đơn điệu chưa thể thu hút du khách, dù vị trí các bảo tàng đều nằm trên cung đường du lịch di sản xứ Quảng. Đây có lẽ là điều đáng suy ngẫm trong câu chuyện kích cầu du lịch xứ Quảng thời gian tới.