Giảm nghèo - An sinh

Bắc Trà My: Hiệu quả từ việc chuyển đổi cây keo

LÊ MỸ - AN NHIÊN 09/12/2024 14:37

(QNO) - Việc người dân chủ động thay thế những diện tích trồng keo sang trồng cây ăn quả, trồng rừng gỗ lớn, trồng sắn xen canh với cau, tiêu… đang tạo bước chuyển biến trong thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn huyện Bắc Trà My.

BTM 2
Trồng xen quế và cau cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Q.V

Thành quả từ sự chủ động

Hơn 2 năm nay, ông Huỳnh Văn Mân ở thôn 2, xã Trà Kót, Bắc Trà My chủ động chuyển đổi 5.000m2 đất của gia đình sang trồng sắn xen canh với cây cau. Ông Mân nói, gia đình có 4ha đất lâm nghiệp, trước đây chủ yếu trồng keo. Dù keo không tốn công chăm sóc, song hiệu quả kinh tế thấp, thời gian thu hoạch lâu nên ông chuyển đổi thử nghiệm 5.000m2 sang trồng 300 cây cau. Tuy nhiên chờ cau cho thu hoạch cũng tốn nhiều thời gian nên ông nghĩ đến việc trồng sắn để lấy ngắn, nuôi dài. Nhờ bà con trong làng luôn gìn giữ truyền thống đổi công lao động cho nhau nên trồng sắn không quá vất vả.

“Sắn chỉ trồng 9 tháng là cho thu hoạch rồi. Tổng 2 vụ vừa rồi, gia đình thu khoảng 10 tấn sắn, thu nhập gần 20 triệu đồng. So với trồng keo trước đây, 1 sào chỉ thu khoảng 10 triệu đồng nhưng mất 4-5 năm. Trong khi đó 1 sào sắn thì cho thu hoạch 5 tấn, giá thành lại cao, năm được mùa thì lên đến 2.500 đồng/kg, thương lái thu mua tận nơi. Hiệu quả kinh tế tăng rất rõ rệt. Vài năm nữa, cau cho thu hoạch thì thu nhập sẽ cao hơn nữa” – ông Mân cho biết.

[VIDEO] - Ông Huỳnh Văn Mân – thôn 2, xã Trà Kót, Bắc Trà My chia sẻ về việc chuyển đổi từ keo sang trồng sắn xen canh cây cau:

Theo thống kê của UBND xã Trà Kót, hiện có khoảng 100ha đất trồng keo đã được người dân chuyển đổi sang trồng sắn, cây ăn quả, quế, tiêu, cau… Riêng diện tích chuyển đổi trồng quế Trà My là 13ha, sắn là 10ha. Đáng chú ý, việc trồng xen sắn với các loại cây như keo, cau, tiêu,… theo phương pháp lấy ngắn nuôi dài đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt.

BTM 3
Người dân chỉ 9 tháng là cho thu hoạch và giá thành khá cao. Ảnh: Q.V

“Địa phương đang tích cực vận động bà con tích cực chuyển đổi diện tích keo sang trồng rừng gỗ lớn và các loại cây có giá trị cao để nâng cao thu nhập, giảm rủi ro sạt lở. Tuy nhiên, lo ngại về đầu ra sản phẩm, nhiều bà con chưa thực sự mặn mà nên cây keo vẫn là cây trồng chính trên các diện tích đất rừng sản xuất.

Về lâu dài, việc chuyển đổi sẽ là tất yếu, do đó xã sẽ tích cực trong công tác tuyên truyền để bà con thay đổi tư duy sản xuất, làm kinh tế hiệu quả trên mảnh đất của gia đình” - ông Trần Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Kót cho biết.

[VIDEO] - Trồng sắn trên đất rẫy phát huy hiệu quả ở Bắc Trà My:

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thống kê của Phòng NN&PTNT Bắc Trà My, chủ trương cơ cấu lại các loại cây trồng đang nhận được hưởng ứng, đồng thuận cao của người dân, nhất là chuyển đổi diện tích trồng keo sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn. Đến nay chuyển đổi 469ha keo sang trồng rừng gỗ lớn, 60ha chuyển đổi trồng sắn, 35ha chuyển đổi trồng các loại cây ăn quả, 60ha chuyển đổi trồng quế,…

Ông Nguyễn Đình Tiên - Phó Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, có một thời gian, cây keo là sinh kế, mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào vùng cao. Song hiện nay, cây keo lại không phát huy hiệu quả kinh tế. Do đó, huyện khuyến khích người dân chuyển đổi một số diện tích đất gần nhà để trồng các loại cây có giá trị cao như sắn, tiêu, quế, cây ăn quả,…

BTM 4
Bà con vùng cao chủ động chuyển đổi cây trồng. Ảnh: Q.V

Đáng chú ý, việc chuyển đổi này giúp người dân có cơ hội tiếp cận cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết 35 HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2021 – 2025; và các chính sách hỗ trợ từ các dự án sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia… Đáng chú ý, một số người dân đang phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt.

“Một thời gian dài, chúng tôi vận động, tuyên truyền rất nhiều nhưng không thành công. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, người dân thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng nên đã thay đổi tư duy sản xuất, chủ động thực hiện. Một số loại cây sau chuyển đổi phải chờ thời gian thu hoạch khá lâu, có khi lên đến 7-8 năm, song người dân vẫn tích cực triển khai, thực hiện. Nhiều hộ còn đầu tư hệ thống tưới tiêu, tích cực học tập, nghiên cứu các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm. Họ chủ động trồng xen các loại cây ngắn, phát triển chăn nuôi ngày để nâng cao hiệu quả kinh tế” – ông Tiên cho biết.

[VIDEO] - Ông Nguyễn Đình Tiên – Phó Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My:

Một số người dân rất muốn chuyển đổi cây trồng để hưởng cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết 35 HĐND tỉnh, song lại lo lắng vướng đất lâm nghiệp. Ông Tiên cho biết thêm, chỉ cần đất không nằm trong quy hoạch 3 loại rừng vẫn đảm bảo điều kiện. Qua rà soát, diện tích trồng cây ăn quả, cây tiêu mong muốn chuyển đổi cây trồng phần lớn nằm gần nhà nên việc chồng lấn quy hoạch sẽ thấp. Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương sẽ tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nếu người dân có nguyện vọng phát triển kinh tế vườn, trang trại và chuyển đổi cây trồng.

LÊ MỸ - AN NHIÊN