Thế giới

Thương mại toàn cầu đạt kỷ lục năm 2024

KIM OANH 09/12/2024 15:17

(QNO) - Thương mại thế giới đang trên đà đạt kỷ lục 33 nghìn tỷ USD vào năm 2024, song rủi ro xung đột thương mại và căng thẳng địa chính trị gây ra sự không chắc chắn về triển vọng cho năm 2025.

Một nhà máy sản xuất ô tô ở thành phố Kragujevac của Serbia. Ảnh: Shutterstock
Nhà máy sản xuất ô tô ở thành phố Kragujevac của Serbia. Ảnh: Shutterstock

Cơ hội giữa bất ổn

Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) ngày 5/12 vừa qua cho biết, tổng giá trị giao dịch hàng hóa và dịch vụ toàn cầu dự kiến đạt mức kỷ lục 33 nghìn tỷ USD trong năm 2024 so với 30,7 nghìn tỷ USD của năm ngoái và 32,2 nghìn tỷ USD của năm 2022.

Các nền kinh tế đang phát triển vốn là động lực mạnh mẽ của thương mại toàn cầu đối mặt với tốc độ tăng trưởng thương mại chậm hơn vào năm 2024 với lượng nhập khẩu giảm 1% và thương mại Nam - Nam (các nước đang phát triển trong bán cầu nam) giảm cùng biên độ trong quý III năm nay.

Tuy nhiên, các ngành tăng trưởng cao như công nghệ thông tin và truyền thông, may mặc mang lại cơ hội đa dạng hóa và phục hồi cho các nước đang phát triển với mức tăng lần lượt 13% và 14% trong quý III/2024, thể hiện tiềm năng đa dạng hóa và gia nhập các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng.

Dự báo tăng trưởng toàn cầu ổn định và lạm phát giảm cũng mang đến cơ hội xây dựng khả năng phục hồi vào năm 2025.

Ngược lại, các nền kinh tế phát triển dẫn đầu tăng trưởng trong quý III năm nay với nhu cầu ổn định thúc đẩy lượng nhập khẩu tăng 3% và lượng xuất khẩu tăng 2%.

Tăng trưởng toàn cầu ổn định và lạm phát giảm tạo ra cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển củng cố vị thế thương mại trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng.

Năm 2024, thế giới chứng kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong thương mại dịch vụ - tăng 7%, chiếm một nửa mức tăng trưởng trong khi thương mại hàng hóa tăng 2% nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh năm 2022.

Tăng trưởng không đồng đều

Trong khi công nghệ thông tin và truyền thông, may mặc cho thấy động lực mạnh mẽ, một số ngành truyền thống quan trọng đối với nền kinh tế đang phát triển lại phải đối mặt suy giảm.

Ví như, thương mại năng lượng giảm 7% trong năm trong khi thương mại kim loại giảm 3%. Thương mại ô tô giảm 3% trong quý III/2024 nhưng dự kiến ​​sẽ kết thúc năm với mức tăng trưởng khiêm tốn 4% trong năm 2024.

tau.jpg
Cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Ảnh: AFP

UNCTAD kêu gọi các nền kinh tế đang phát triển áp dụng chính sách có mục tiêu nhằm tăng cường đa dạng hóa thương mại và đầu tư vào các ngành có giá trị cao để giảm thiểu rủi ro.

Thương mại là nền tảng của phát triển bền vững. Để tận dụng các cơ hội vào năm 2025, nền kinh tế đang phát triển cần có sự hỗ trợ phối hợp để vượt qua sự không chắc chắn, giảm sự phụ thuộc và củng cố các liên kết thị trường toàn cầu.

KIM OANH