Văn hóa - Văn nghệ

"Hồn ngói" Hội An

CẨM HY 09/12/2024 20:35

(QNO) - Phố cổ Hội An nằm êm đềm bên dòng sông Hoài, nhánh rẽ cuối sông Thu Bồn, mang hơi thở tâm hồn của vùng đất đầy trầm tích lịch sử, văn hóa xứ Quảng. Những mái ngói âm dương trên các ngôi nhà cổ nơi đây như những nhân chứng của thời gian, giao hòa giá trị từ quá khứ đến hiện tại, giữa những tinh hoa truyền thống và hơi thở của cuộc sống hôm nay.

img_8997.jpg
Ngói âm dương ở Hội An. Ảnh: CẨM HY

Ngói âm dương hay còn gọi là ngói lưu ly, gồm hai loại ngói: ngói lát âm hình cong lồng xuống và ngói lát dương hình vòm cong lên. Khi được sắp xen kẽ, chồng lớp lên nhau, chúng tạo thành những dãy ngói uốn lượn nhịp nhàng như những làn sóng nhỏ.

Theo triết lý âm dương, mỗi vật trong vũ trụ đều tồn tại dưới hai yếu tố tương phản và bổ trợ lẫn nhau, tương khắc mà tương sinh: âm và dương, trời và đất, ngày và đêm. Mái ngói âm dương, với hai hình dạng đối ngược nhưng hòa quyện trên mỗi mái nhà, chính là minh chứng cho sự cân bằng và hài hòa trong tự nhiên.

Ở Trung Quốc, ngói âm dương thường được làm từ gốm men với màu sắc tươi sáng như xanh, vàng hoặc đen, chủ yếu xuất hiện trong các công trình kiến trúc cao cấp, mang tính chất tôn vinh quyền lực và sự uy nghiêm của triều đình. Trong khi đó, ở Việt Nam lại có sự thay đổi đáng kể về chất liệu và hình dáng, mang trong mình những nét đẹp riêng, chính là nhờ sự sáng tạo miệt mài của người Việt.

Người Việt sử dụng ngói âm dương với màu sắc nhẹ nhàng hơn, thường là xanh lam hoặc màu đất nung, được làm từ đất sét nung và có lớp men mờ, mang đến vẻ đẹp gần gũi, tự nhiên. Ngói âm dương ở Việt Nam thường được sử dụng cho các công trình dân gian như đình, chùa, và nhà cổ, không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn gắn liền với tín ngưỡng và văn hóa phong thủy.

img_9001.jpg
Ngói âm dương ở Việt Nam thường được sử dụng cho các công trình dân gian như đình, chùa. Ảnh: CẨM HY

Những mái ngói âm dương trên các ngôi nhà cổ Hội An còn là những nhân chứng âm thầm trước dòng chảy của thời gian đi qua làng nghề Gốm Thanh Hà, là sản phẩm được nung từ đất sét của dòng sông Thu huyền thoại. Mỗi viên ngói dường như mang trong mình câu chuyện lặng lẽ kể lại những thăng trầm của lịch sử.

Qua năm tháng, lớp rêu phong phủ lên ngói tô điểm thêm nét cổ kính của những ngôi nhà cổ Hội An. Dưới ánh nắng chiều, những đường nét ngói âm dương ánh lên sắc màu trầm mặc, đưa ta trở về một thời quá vãng, nơi mà con người sống chan hòa với thiên nhiên. Trên những mái ngói rêu phong ấy, ta thấy được sự kiên trì của những bàn tay lao động, nghe được những âm vang của đời sống và buôn bán nhộn nhịp trong quá khứ, tất cả tạo nên linh hồn sâu thẳm của Hội An, là bản sắc độc đáo của Hội An.

bqn.1cdn.vn-2024-07-31-_1.jpg
Ngói âm dương qua đôi tay người làng gốm Thanh Hà. Ảnh: M.H

Mái ngói trên những ngôi nhà cổ hàng trăm năm đã che chở bao thế hệ người Hội An qua hành trình thời gian, an lành qua mưa bão dữ dội đến nắng hè gay gắt. Chúng không chỉ là vật liệu kiến trúc, mà còn mang theo những ý nghĩa sâu sắc, không chỉ về tình cảm mà còn phản ánh tính cách con người nơi đây. Những mái ngói được kết dính chắc chắn, sắp xếp đan xen tỉ mỉ, tựa như tính cách của người Hội An, Quảng Nam: mộc mạc mà bền bỉ, giản dị nhưng chan hòa.

Dưới những mái ngói ấy, ta cảm nhận được không chỉ sự ấm áp của truyền thống mà còn là nét đẹp trường tồn của một tâm hồn Việt gắn bó với quê hương và thiên nhiên. Bởi vậy chính cái “tính hiền” của con người phả lên hồn mái nhà ngói như câu ca xưa mẹ thường dặn con gái “Chẳng tham nhà ngói ba tòa/ tham vì một nỗi mẹ cha anh hiền”.

Người con gái của phố Hội xưa cũng nổi tiếng với sự thủy chung, tình nghĩa và “biệt nhãn liên tài”:

Nhác trông nhà ngói năm gian
Thấy chàng lịch sự, khôn ngoan, có tài
Cho nên em chẳng lấy ai
Em quyết chờ đợi một vài ba đông
Yêu anh em chẳng lấy chồng
Em dốc một lòng chờ đợi lấy anh.

bqn.1cdn.vn-2024-07-31-_goc-pho-.jpg
Mái ngói âm dương là dấu ấn đặc trưng của Hội An. Ảnh: L.T.K

Con người có một mái nhà là có nơi để ở, mỗi khi xa nhà, mái nhà quê hương hiện lên trong tâm trí như một lời nhắc nhở về sự ấm áp và bao dung. Đó là nơi mà người ta luôn muốn trở về, không phải chỉ vì để tìm một chỗ trú chân, mà vì nơi ấy còn có tình yêu thương, có những người thân yêu luôn đón đợi và sẵn sàng dang rộng vòng tay bảo vệ, che chở cho những đứa con. Âm dương giao hòa qua mái ngói, mái nhà cổ phố Hội luôn gợi nhắc bao niềm yêu!

CẨM HY