Khởi nghiệp - OCOP

Hội An "tiếp sức" chủ thể sản phẩm OCOP

HÀ SẤU - PHAN SƠN 11/12/2024 07:44

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP trên địa bàn TP.Hội An tiếp tục ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực trong năm 2024. Trong đó, nổi bật là chính quyền địa phương nỗ lực hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

z6111761998053_f3f1d556734e477707e67ded5dde9528.jpg
Trung tâm OCOP Hội An đi vào hoạt động từ tháng 10/2024, giúp lan tỏa rộng rãi hơn nữa sản phẩm OCOP của Hội An và Quảng Nam. Ảnh: S.S

Dấu ấn bản địa trong sản phẩm

Năm 2024, trên địa bàn Hội An có 7 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Trong số này có đến 5 sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP gồm: chả nấm Long Hoa, ngũ cốc ăn sáng Granola, bộ sản phẩm 12 con giáp, tô lá bồ đề và túi cói Kim Bồng. Hai sản phẩm được đánh giá lại là mực 1 nắng Cù Lao Chàm và nấm mối Uyên Khang.

Trong số các sản phẩm mới công nhận lần đầu, túi cói Kim Bồng là sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương và cũng là sản phẩm đặc trưng của nghề chiếu cói xã Cẩm Kim.

Theo bà Phạm Thị Công - chủ cơ sở sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ cói Kim Bồng, đây không chỉ là một sản phẩm thời trang thân thiện môi trường mà còn là một món quà ý nghĩa về giá trị văn hóa truyền thống.

Chả nấm Long Hoa (phường Cẩm Nam) là sản phẩm thuần chay, đầy đủ dinh dưỡng, có quy trình chế biến sâu. Thành phần của chả nấm là nông sản tự nhiên được thu mua tại địa phương, thể hiện được thế mạnh vùng nguyên liệu bản địa, có tiềm năng phát triển thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng được chế biến sâu từ nông sản trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, bộ sản phẩm 12 con giáp (phường Thanh Hà) là sự hòa quyện giữa yếu tố truyền thống và hiện đại thể hiện qua sự tinh xảo của sản phẩm gốm truyền thống tại làng nghề Thanh Hà.

Sản phẩm được nhận định có tiềm năng trở thành quà tặng du lịch đặc trưng của TP.Hội An bởi không đơn thuần là một sản phẩm trang trí từ gốm mà còn là món quà ý nghĩa về tài lộc và giá trị văn hóa truyền thống

Với 2 sản phẩm được công nhận lại, nấm mối đen Uyên Khang (phường Cẩm Nam) có thể chế biến được nhiều món khác nhau cho bữa cơm gia đình như nấm xào, nấm nướng, canh nấm hầm xương, lẩu nấm… với thành phần dinh dưỡng cao.

Đây cũng là sản phẩm tương đối mới mẻ trên địa bàn tỉnh, kể cả trong khu vực miền Trung nên thị trường tiêu thụ khá rộng mở. Còn sản phẩm mực 1 nắng Cù Lao Chàm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao từ năm 2021.

Từ đó đến nay, ở nhiều thời điểm, sản phẩm không đủ nguồn cung để cung ứng cho thị trường, đặc biệt là du khách đến Cù Lao Chàm và các nhà hàng trên đảo bởi sự tươi ngon và hương vị riêng.

Tiếp sức bằng nhiều hình thức

Tháng 4/2024, UBND TP.Hội An phối hợp Ban điều hành khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam tổ chức tập huấn về phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo và nghệ thuật truyền thông, thương mại.

z6111493268638_a91c2a9349dd94569ce9e79f8420f3ef.jpg
Túi cói Kim Bồng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao trong năm 2024. Ảnh: S.S

Tham gia tập huấn có các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh có ý tưởng, dự án khởi nghiệp; chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

Nội dung tập huấn tập trung vào giải pháp phát triển sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, tư duy đổi mới sáng tạo; vai trò của truyền thông và marketing trong khởi nghiệp, kỹ năng truyền thông và marketing trên các nền tảng mạng xã hội.

“Tham gia lớp tập huấn này mình thấy rất bổ ích vì giúp nhận diện được những hạn chế cũng như có thêm nhiều kiến thức và giải pháp hay để đưa sản phẩm tiếp cận khách hàng tốt hơn” - bà Phạm Thị Minh Thủy, đại diện Cơ sở sản xuất nấm mối Uyên Khang (phường Cẩm Nam) chia sẻ.

Cũng trong năm nay, TP.Hội An tiếp tục hỗ trợ tích cực cho các chủ thể trong xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Tháng 6/2024, TP.Hội An tổ chức “Phiên chợ khởi nghiệp - tiêu dùng xanh lần 2” tại Trung tâm làng nghề Kim Bồng (xã Cẩm Kim) với nhiều sản phẩm OCOP được bày bán, giới thiệu.

Chính quyền địa phương cũng tổ chức giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP tại các sự kiện lễ hội trong và ngoài thành phố như Ngày hội quật cảnh Cẩm Hà, Ngày hội làng nghề Kim Bồng, Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại Đà Nẵng; các hội chợ được tổ chức tại huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Nông Sơn; kết nối đoàn xúc tiến thương mại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) với cửa hàng thực phẩm sạch Xanh Xanh shop, cửa hàng đặc sản Hội An OCOP House nhằm thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ sản phẩm…

Mới đây, Trung tâm OCOP Hội An tại số 72 đường Nguyễn Thái Học (khu phố cổ Hội An) với sự hỗ trợ tích cực của thành phố đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động.

Qua đó, góp phần giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP của Hội An, Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, nhất là du khách.

“Trong thời gian qua, thành phố đã hỗ trợ hình thành các điểm giới thiệu, quảng bá, bày bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Ngoài Trung tâm OCOP Hội An, thành phố sẽ duy trì tổ chức các chợ phiên của Hội An cũng như từng bước hình thành các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại chợ Hội An và các địa điểm khác với hình thức phù hợp” - ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.

HÀ SẤU - PHAN SƠN