Chính quyền - đoàn thể

Lan tỏa phong trào "Dân vận khéo" ở Thăng Bình

MINH TÂN 11/12/2024 09:13

(QNO) - Những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Thăng Bình đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể quan tâm triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả.

z6116804006145_a639f9caf69fed7d2febe63ada4c7a4c.jpg
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN huyện Thăng Bình thực hiện đã giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Ảnh: M.T

Điểm sáng mô hình của phụ nữ

Bà Trần Thị Thu Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình cho biết, xác định công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng, phù hợp với đặc trưng của giới và chức năng hoạt động của Hội; vì vậy, Hội LHPN huyện Thăng Bình đã xây dựng và thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” có địa chỉ, cách làm cụ thể và thiết thực.

Là mô hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, chương trình “Mẹ đỡ đầu” được các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện Thăng Bình hưởng ứng tham gia; cán bộ, hội viên phụ nữ và các nhà hảo tâm ủng hộ. Đến nay, Hội LHPN huyện Thăng Bình đã vận động, kết nối nhận đỡ đầu 320 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền hỗ trợ từ 300 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/trẻ/tháng.

Ngoài ra, nhân dịp năm học mới Hội LHPN huyện tổ chức chương trình “Tiếp sức cho em đến trường” tặng xe đạp, áo dài, khen thưởng các em có thành tích học tập xuất sắc và thăm hỏi, tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn vào dịp lễ, tết... Qua đó giúp các em học sinh có điều kiện tiếp tục đến trường.

455721136_995925908990588_7794203761917732007_n.jpg
Chương trình “Tiếp sức cho em đến trường” tặng xe đạp cho học sinh đầu năm học mới. Ảnh: M.T

Cùng với chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế cũng được Hội LHPN huyện Thăng Bình phát động và nhân rộng tiêu biểu như mô hình "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế", "Nhóm dịch vụ trang điểm makeup Việt" (ở xã Bình Dương), "Hỗ trợ phụ nữ tìm kiếm việc làm" (xã Bình Nam), "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế cây dược liệu cà gai leo" (xã Bình Định Nam), "Liên kết với hộ dân trông cây Tràm gió" (xã Bình Sa)... Tham gia mô hình, hội viên phụ nữ được trang bị kiến thức trong sản xuất, kinh doanh và tiếp cận các nguồn lực phát triển kinh tế. Hằng năm, qua các mô hình đã giúp 44 hộ thoát nghèo, cận nghèo bền vững.

untitled5.jpg
Mô hình "Liên kết với hộ dân trông cây Tràm gió" (xã Bình Sa) đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên phụ nữ. Ảnh: M.T

“Với nhiều cách làm sáng tạo, các mô hình “Dân vận khéo” do Hội LHPN huyện xây dựng đã đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc giúp các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường; tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo. Qua đó khẳng định vai trò của người phụ nữ không chỉ dừng lại ở việc chăm lo hạnh phúc gia đình mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng và xã hội” - bà Trần Thị Thu Nguyệt nói.

Nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”

Ông Phan Thanh Vân - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thăng Bình cho biết, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được huyện triển khai dưới nhiều hình thức như: tổ chức hội thi, hội diễn, tọa đàm... Nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Ban Dân vận Huyện ủy lồng ghép vào bài giảng các lớp tập huấn về công tác dân vận để triển khai cho cán bộ ở các cơ quan, ban ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở. Qua đó, nhận thức vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận được nâng lên; trách nhiệm các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có chuyển biến tích cực, góp phần làm cho phong trào đi vào cuộc sống và ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng.

untitled4.jpg
Huyện Thăng Bình hiện có 297 mô hình “Dân vận khéo” hoạt động có hiệu quả trên các lĩnh vực. Ảnh: M.T

Đến nay, huyện Thăng Bình có 297 mô hình “Dân vận khéo” hoạt động có hiệu quả trên các lĩnh vực. Trong đó, trên lĩnh vực kinh tế có 61 mô hình, lĩnh vực văn hóa - xã hội có 154 mô hình, lĩnh vực quốc phòng - an ninh có 67 mô hình và lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 15 mô hình. Nhiều mô hình đi vào đời sống xã hội và trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Theo đó, trên lĩnh vực kinh tế có các mô hình như: “Phụ nữ làng Hương làm kinh tế giỏi” (thị trấn Hà Lam), “Chăn nuôi chồn và lươn” (xã Bình Quế), “Chăn nuôi dê” (xã Bình Phú); lĩnh vực văn hóa - xã hội có mô hình: “Thu gom ve chai gây quỹ giúp phụ nữ và trẻ em nghèo, khó khăn” (xã Bình Dương), “Lớp học tình thương” (xã Bình Minh); lĩnh vực quốc phòng, an ninh có mô hình: “Con nuôi đồn Biên phòng” (xã Bình Minh), “Tiếng loa an ninh” (xã Bình Đào)…

z5894804184989_6190d9f6ccd3bb5ca98d6a058dd4947b.jpg
Lãnh đạo huyện Thăng Bình khen thưởng cho các tập thể có mô hình "Dân vận khéo" phát huy hiệu quả. Ảnh: M.T

“Thời gian đến, Ban Dân vận Huyện ủy Thăng Bình tiếp tục phát động đăng ký xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, mục đích, vai trò tác dụng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân để cùng tham gia thực hiện phong trào” - ông Phan Thanh Vân nói.

MINH TÂN