Văn hóa

Đông Giang nỗ lực bảo tồn văn hóa Cơ Tu

CÔNG TÚ 11/12/2024 09:23

Bằng giải pháp cụ thể, huyện Đông Giang nỗ lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của người Cơ Tu và đã đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

ẢNH 1
Người dân thôn A Xờ (xã Mà Cooih) biểu diễn nghệ thuật nói lý - hát lý tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc vừa qua. Ảnh: C.T

Hành động thực tế

Trước thực trạng hạ tầng của 2 làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) Bhơhôồng (xã Sông Kôn) và Đhrôồng (xã Tà Lu) còn nhiều hạn chế, huyện Đông Giang đã bố trí nguồn lực để đầu tư cải tạo hạng mục xuống cấp, xây dựng mới một số hạng mục.

Ghi nhận thực tế, đường đi bộ vào làng DLCĐ Đhrôồng đã được nâng cấp; nhà đón tiếp, trưng bày và sản xuất dệt thổ cẩm ven quốc lộ 14G sắp hoàn thiện công đoạn cuối cùng. Tại làng DLCĐ Bhơhôồng, huyện đang cải tạo, trồng hoa ven tuyến đường đi bộ, trồng cỏ sân bóng gần nhà văn hóa, trang trí cầu treo dẫn vào thôn để tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách. Các công trình này sẽ hoàn thành, khai trương đúng vào dịp lễ mừng lúa mới.

Theo ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều quyết sách để cụ thể hóa việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu phù hợp với địa bàn miền núi và tình hình của địa phương.

Đặc biệt, huyện quán triệt quan điểm xuyên suốt phải giữ gìn và phát huy 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ VH-TT&DL công nhận gồm “Múa tân tung da dá”, “Dệt thổ cẩm”, “Nói lý - hát lý”. Phát huy văn hóa truyền thống như ẩm thực, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, điêu khắc, làm gươl, moong...

Việc bảo tồn phải gắn với phát triển du lịch, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm khai phá tiềm năng cảnh quan thiên nhiên cùng nét đặc sắc về văn hóa bản địa để tạo sinh kế bền vững, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

ẢNH 3
Nhà đón tiếp, trưng bày và sản xuất dệt thổ cẩm Đhrôồng thi công gần hoàn thiện. Ảnh: C.T

Những năm gần đây, huyện miền núi Đông Giang huy động đội ngũ già làng, người có uy tín, nghệ nhân dân gian người Cơ Tu thành lập các câu lạc bộ hát lý - nói lý; mở các lớp dạy nói lý - hát lý cho thanh niên, học sinh.

Các trường học cũng tổ chức các khóa truyền dạy nghệ thuật đánh trống, chiêng kết hợp múa tân tung da dá, nói lý - hát lý, hát giao duyên, dệt thổ cẩm, thi gói bánh sừng trâu, bắn nỏ, trình diễn trang phục truyền thống. Nhân dịp lễ tết hay các sự kiện đều lồng ghép biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trưng bày sản phẩm, vật dụng lao động đặc trưng của người Cơ Tu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Đỗ Hữu Tùng cho biết, riêng năm nay, huyện tổ chức thành công 3 lớp tập huấn truyền dạy nghệ thuật nói lý - hát lý tại 3 xã Mà Cooih, A Rooi và Sông Kôn.

Mỗi lớp gồm 65 học viên, được các nghệ nhân người Cơ Tu có kinh nghiệm truyền đạt kiến thức, kỹ năng thực hành, kỹ năng biểu diễn. Các học viên đều bày tỏ sự thích thú, ấn tượng và đề xuất nên mở thêm nhiều lớp học, kéo dài thời gian tập huấn hơn nữa.

Phát huy tinh hoa bản địa

Ngày 23/10/2023, Huyện ủy Đông Giang đã ban hành Nghị quyết số 35 về tiếp tục lãnh đạo công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

ẢNH 2
Nghi lễ của Lễ kết nghĩa “Prơngooch” đồng bào Cơ Tu Đông Giang. Ảnh: C.T

Đến ngày 25/10/2023, HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 28 thông qua “Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

“Đây là tiền đề rất quan trọng để UBND huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Huyện sẽ lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh từ các chương trình mục tiêu quốc gia; tranh thủ sự hỗ trợ thêm từ các dự án của Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) để phát triển nghề thủ công truyền thống. Xúc tiến kêu gọi đầu tư, tạo thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào du lịch sinh thái” - ông A Vô Tô Phương nói.

Thực hiện đề án, ông Đỗ Hữu Tùng cho biết, huyện sẽ hoàn tất các thủ tục khởi công dự án Công viên văn hóa Cơ Tu Đông Giang vào đầu năm 2025. Công viên này khi hình thành sẽ là nơi tổ chức các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa Cơ Tu. UBND huyện cũng đã chỉ đạo ngành chức năng sưu tầm, biên soạn sách liên quan đến 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được công nhận.

Vào dịp cuối tuần của cuối tháng 12 này, huyện sẽ tổ chức chương trình Lễ kết nghĩa “Prơngooch” của dân tộc Cơ Tu huyện Đông Giang năm 2024. Đây là hoạt động nhằm hiện thực hóa Kế hoạch số 214 ngày 21/6/2024 của UBND huyện về triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

CÔNG TÚ