Đâu hồn xưa phố cũ Hội An?
(VHQN) - Từ khi nào Hội An đã trở nên nghèo nàn đối với những du khách muốn đi tìm linh hồn văn hóa phố Hội?
Món quà Việt Nam
Sau khi tốt nghiệp, tôi được mời ở lại trường làm việc cho văn phòng sinh viên quốc tế - nơi tôi kiểm soát và điều hành những dự án trao đổi ngắn lẫn dài hạn từ Mỹ sang các nước khác. Cũng vì cơ hội này, tôi được tiếp xúc với một giáo sư dạy Giáo dục trong trường.
Cô bày tỏ rằng cô muốn sang thăm Việt Nam và thiết kế một khóa học trao đổi ở đây. Sau khi trao đổi với cô, chúng tôi sắp xếp lịch trình để cô thăm Hà Nội, Ninh Bình và cuối cùng là Hội An. Cô và tôi hẹn gặp nhau sau khi cô trở về Mỹ để chuyện trò về lần đầu tiên cô đặt chân tới Việt Nam. Bên cạnh đó, cô sẽ giữ liên lạc với tôi trong suốt hành trình.
Gần hai tuần ở Việt Nam của cô trôi qua rất nhanh. Chúng tôi hẹn gặp nhau trong một quán ăn Việt Nam gần trường giữa tháng Một lạnh giá ở Minnesota.
Cô mang cho tôi vài thỏi bánh đậu xanh, một bịch hạt hướng dương hương dừa, đặc biệt rất nhiều bánh dừa và một cuốn sổ tay có hình cà phê Việt Nam trên bìa. Xa nhà 5 năm, lần đầu tiên được một người nước ngoài mang tặng đặc sản quê mình, tôi bồi hồi xúc động.
Ở Minnesota không thiếu đồ ăn châu Á, càng không thiếu đồ ăn xứ mình, nhưng thức quà Quảng Nam là điều không phải ở đâu cũng kiếm được. Lần cuối cùng tôi được ăn bánh dừa là 5 năm về trước - khi tôi mới chân ướt chân ráo đến xứ sở cờ hoa. Lúc đó tôi nào biết rằng 5 năm sau, có một phụ nữ da trắng tóc vàng lặn lội mang bánh dừa từ Việt Nam sang cho tôi. Một sự oái oăm lạ lùng!
Vẻ đẹp ẩn giấu
Tôi hỏi cô về Việt Nam và trải nghiệm của cô. Cô nói, cô thích sự phồn hoa nhưng cũ kỹ của Hà Nội, cô cũng rất yêu non nước Hoa Lư - Ninh Bình. Nhưng với Hội An, cô bảo cô yêu nó theo một cách riêng.
Phố cổ Hội An với cô đẹp thật, nhưng cái đẹp đó đã bị thương mại và du lịch hóa. Cái cô muốn đi tìm là hồn cốt phố Hội, là văn hóa Hội An xưa được lưu lại trong những căn nhà cổ. Một thời đã qua của Hội An lưu lại trên biết bao chuyến tàu chuyên chở thương dân tứ xứ, từ Trung Quốc, Nhật Bản đến xa nhất là Ai Cập. Vang bóng một thời phố Hội nằm ở những cuộc giao lưu văn hóa, để lại cho mảnh đất này sự màu mỡ phì nhiêu không chỉ trong kinh tế mà còn trong hồn cốt con người - hào sảng, thân thiện và dễ gần.
Vì lý do này nên với cô, những quán cà phê mọc lên như nấm, những cửa hàng lưu niệm cứ vài bước chân là có, nằm cạnh nhau san sát không thu hút cô. Sự thương mại hóa của Hội An có thể dễ dàng đáp ứng các du khách muốn có bộ ảnh đẹp, nhưng không thể làm hài lòng người muốn đi tìm vẻ đẹp ẩn giấu của hạt ngọc An Nam một thời.
Cô quyết định đi ra khỏi phố cổ để hiểu về Hội An hơn - như cái cách cô đã đi tìm cà phê trứng ở một quán vỉa hè để hiểu về Hà Nội. Điều làm tôi bất ngờ là cô đã tìm thấy sự yêu thích Hội An trong những điều bình dị nhất!
Cô thuê chiếc xe đạp và ra khỏi thành phố, băng qua những phố phường sầm uất để tới ngoại ô Hội An. Gọi ly cà phê sữa đá, cô ngồi ở một quán cóc ven đường, ngắm nhìn những đứa trẻ quần cộc chân trần chạy theo cánh diều trên đồng cỏ rộng lớn. Cô thích thú với công việc chăn trâu của người dân xứ tôi, và yêu hơn hết chiếc nón lá đã sờn rách vì gió sương.
Cô bảo với tôi rằng, hình như có đi ra khỏi phố cổ, cô mới tìm lại được một Việt Nam đúng nghĩa - Việt Nam dịu dàng và yên ả với đồng ruộng cò lả mà cô thường hình dung trong trí tưởng khi đọc về đất nước của tôi.
Mong manh ký ức Hội An
Phố cổ đã... Tây phương đi nhiều. Với một người phương Tây như cô, điều này đã quá quen thuộc và nhàm chán. Hội An với cô có bóng hình cũ của một bến cảng giao du văn hóa, nhộn nhịp và vui tươi nhưng không hề mất đi chất mộc mạc vốn có của miền Trung Việt Nam.
Cô bảo với tôi rằng, cô đồng ý nhà cổ Hội An, chợ Hội An, lẫn miếu mạo đền thờ còn lưu lại ký ức rêu phong của Faifo - tên cũ của Hội An xưa. Nhưng câu chuyện văn hóa của phố Hội phải được kể nhiều hơn thay vì chỉ nhắc đến những quán cà phê cho bạn trẻ hay khách du lịch check-in và hàng quán lưu niệm cứ dày đặc mỗi ngày.
Văn hóa Hội An nằm ở những người nông dân vẫn miệt mài với ruộng đồng, ở những đứa trẻ vẫn chân trần chạy theo cánh diều trong một chiều lộng gió. Nó khiến người ta tạm quên đi phố cổ đầy khách du lịch và hoạt động thương mại không ngừng nghỉ ngày đêm.
Nghe cô nói, tôi tự hỏi mình rằng, từ khi nào Hội An đã trở nên nghèo nàn đối với những du khách muốn đi tìm linh hồn văn hóa phố Hội?
Giữa cơ man nào là quán cà phê, nhà hàng, khách sạn... thì nhà cổ Hội An trở nên lọt thỏm. Hồn cốt Hội An lưu giữ trong những ngôi nhà cổ, hội quán chìm nghỉm khi người ta xây lên quầy hàng lưu niệm quá đỗi bắt mắt. Đi về đâu ký ức Hội An xưa khi thương mại và du lịch lấn sân, chèn ép bước chân cũ kỹ về một thời đã qua?
Tôi ôm ấp câu hỏi đó mãi đến ngày trở về nước. Bước chân dọc phố cổ Hội An, hoài niệm về những năm tháng thế kỷ 17, 18 của mảnh đất hội nhân hội thủy này. Rồi nán lâu hơn bên một mắt cửa nhà cổ, để lòng mình lặng im...