Xã hội

Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển: Trách nhiệm không của riêng ai

NGỌC BÍCH 11/12/2024 12:30

(QNO) - Đẩy mạnh tuyên truyền để thấy được việc tăng cường phối hợp, nâng cao nhận thức về vai trò trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường và xã hội thực hiện quy định “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” là điều cần thiết nên làm.

1(1).jpg
Xe máy của học sinh được hộ dân tại thôn Phong Thử 1 (xã Điện Thọ) nhận trông giữ được xếp 2 hàng dài ven đường. Ảnh: N.B

Lỗi ai?

Gần giờ tan học của buổi sáng, PV Báo Quảng Nam tiếp cận khu vực trước cổng Trường THPT Hoàng Diệu (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) để ghi nhận thực tế việc chấp hành quy định không được điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh từ 50cm3 (50 phân khối) trở lên của học sinh. Một cảnh tượng bất ngờ đập vào mắt là 2 hàng dài xe máy, xen lẫn số ít xe đạp điện được xếp sát ven đường vào, cách bên trái mạn cầu Phong Thử chưa đầy 10m. Đi sâu vào gần khu vực cổng trường, nhà dân nhận trông giữ xe của học sinh đã đầy ắp phương tiện, thế nên người trông coi đưa những xe đến sau xếp hàng ven đường.

Nhìn lướt qua những phương tiện được học sinh gửi trông giữ, dễ dàng nhận ra có nhiều xe máy 50 phân khối trở lên. Đến giờ tan học, nhiều em không đội mũ bảo hiểm vẫn điều khiển, hoặc ngồi trên xe máy, xe đạp điện tiềm ẩn mất an toàn giao thông (ATGT). Rõ ràng, các em đã thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm, cụ thể là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong khi đó, hộ dân nhận trông giữ xe “tiếp tay” cho hành vi vi phạm của học sinh. Nếu có lời bào chữa, cô cậu học trò sẽ cho rằng mình không nắm bắt được quy định. Hộ nhận trông giữ xe nói không nhận thức được mức độ nghiêm trọng; còn nhà trường sẽ nêu lý do chính đáng là vì nằm ngoài phạm vi phụ trách.

[VIDEO] - Học sinh đi xe máy phân khối lớn, nhiều em không đội mũ bảo hiểm:

Không riêng gì ở Điện Bàn, tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh đều có tình trạng học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, nhất là học sinh cấp 3. Trước giờ vào lớp và sau khi tan học, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh này tại các trường nằm ven quốc lộ 1 qua Thăng Bình, Quế Sơn.

Ông Võ Cảm - một người dân ở xã Quế Hiệp (Quế Sơn) thẳng thắn nhìn nhận, qua thực tế có nhiều phụ huynh chưa đồng hành trong giám sát, quản lý con em; dễ dãi, hời hợt giao phương tiện cho con em sử dụng. Nếu quy trách nhiệm, nhà trường, gia đình và xã hội lại “đổ dồn” lên vai lực lượng cảnh sát giao thông.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Có thể thấy, học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện tham gia giao thông làm gia tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông. Để ngăn chặn tình trạng này, không thể đổ lên vai trách nhiệm cho nhà trường, cho xã hội, hay đẩy hết về phía lực lượng chức năng. Ngược lại, gia đình đóng vai trò cốt yếu do chiều chuộng giao xe cho con điều khiển, dù chưa đảm bảo theo quy định. Vậy nhưng, một mình phụ huynh cũng không thể quán xuyến hết nếu con em ra đường mượn xe của bạn, hoặc người khác để chạy.

2.jpg
Vì an toàn của con em, vì chính hạnh phúc của gia đình và toàn xã hội, phụ huynh không giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ điều kiện quy định. Ảnh: N.B

“Thực tế đó cho thấy, việc triển khai thực hiện quy định “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” cần có sự phối hợp chặt chẽ, đầy tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết, quan trọng, quyết định để ngăn chặn hiệu quả học sinh vi phạm pháp luật về giao thông” - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, ông Phan Đức Tiễn chia sẻ.

Phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh phải làm từ gốc. Mà ở đó, cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần chung tay phối hợp để có thêm nhiều cách làm sáng tạo, thực chất hơn.

Nhiều phụ huynh có trách nhiệm cho rằng, công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT nói chung, quy định không giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông không chỉ tuyên truyền riêng cho học sinh. Chương trình này cần có sự tham gia của từng phụ huynh của học sinh, bởi lẽ không ít phụ huynh còn chưa nắm rõ quy định của pháp luật. Nhiều phụ huynh “ngã ngửa” khi biết con mình gây hậu quả tai nạn giao thông nghiêm trọng cho người khác phải đối mặt với bản án tù; cá nhân người giao xe cũng phải chịu sự trừng phạt của công lý.

Có thể khẳng định, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tăng cường phối hợp, nâng cao nhận thức về vai trò trách nhiệm trong phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội thực hiện quy định “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” là rất cần thiết. Qua đó, từng bước ngăn chặn tình trạng giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông (nhất là đối tượng là cha mẹ, người giám hộ và học sinh)…

Kế hoạch số 155, ngày 24/10/2024 của Ban ATGT tỉnh Quảng Nam nêu rõ, Sở GD-ĐT chỉ đạo các Phòng GD-ĐT, các phòng chức năng yêu cầu các đơn vị, trường học khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông báo về học sinh vi phạm phải mời phụ huynh đến làm việc thông báo rõ vi phạm và đề nghị phối hợp quản lý, giáo dục con em; cam kết không tái phạm. Chủ trì, phối hợp tổ chức mô hình thí điểm: “Gia đình - nhà trường - xã hội nói “Không” với việc giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông”.

NGỌC BÍCH