Giáo dục - Việc làm

Để lịch sử không còn là môn học nhàm chán

THÚY HIỀN 11/12/2024 15:10

(QNO) - Với nhiều phương pháp truyền đạt khác nhau, giáo dục phổ thông ngày càng nỗ lực giúp học sinh tiếp cận môn lịch sử hiệu quả.

Hội Cựu chiến binh phối hợp với Đoàn Thanh niên địa phương
Nhà trường tạo điều kiện để thế hệ cha anh "Nói chuyện truyền thống giáo dục thế hệ trẻ".

Gieo mầm yêu lịch sử

Cô giáo trẻ Phạm Hoàng Lan Chi (Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, thị xã Điện Bàn) hào hứng chia sẻ: “Mình từng thấy khối lượng kiến thức lịch sử quá lớn, khó nhớ được các dấu mốc quan trọng, nhọc nhằn trong việc tiếp cận các phạm trù lý luận phức tạp. Vậy nên khi làm giáo viên sử, mình luôn cố gắng đặt vào tâm thế của các em, tìm nhiều phương pháp truyền đạt. Đồng thời linh hoạt chuyển tải kiến thức phù hợp với học sinh chuyên sử, không chuyên hoặc không thích môn học này".

[VIDEO] - Cô Chi chia sẻ phương pháp dạy lịch sử

Cũng theo cô Chi, lịch sử mang hiệu quả “thẩm thấu”. Nếu giáo viên truyền được đam mê sử học thì sẽ giúp các em phát huy khả năng tự tìm tòi nghiên cứu, tư duy sáng tạo. Từ đó phát hiện lịch sử theo chiều dài - chiều sâu và tiếp cận môn học này khách quan, đa chiều hơn.

a6.jpg
Học sinh thích thú trong tiết lịch sử của cô Lan Chi. Ảnh: THÚY HIỀN

Là học sinh giỏi tự nhiên, Phạm Hoàng Long (lớp 11/5, Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu) năm qua lại đạt giải Nhất môn lịch sử cấp trường. Long chia sẻ: “Ban đầu em không hứng thú với môn học khô khan, khó nhớ này. Nhưng từ khi đến với những tiết học sử của cô Chi, tụi em vừa được tham gia trò chơi, thoải mái tranh luận mà vẫn đảm bảo dung nạp kiến thức. Em dần yêu thích những số liệu, dấu mốc lịch sử được ghi nhớ qua hình ảnh, âm nhạc hoặc khi chơi chữ trên sự kiện quan trọng”.

a2.jpg
Một số sản phẩm lịch sử của học trò cô Chi. Ảnh: THÚY HIỀN

Bằng phương pháp dạy - học hấp dẫn, cô Chi đã biến những lớp học thụ động trong việc tiếp nhận lịch sử dân tộc thành những tiết sử phát biểu, tranh luận sôi nổi. Đáng nói là hơn 70% khối lượng kiến thức đã được học sinh ghi nhớ ngay trên lớp, các bài kiểm tra tăng dần đều số điểm. Chuyện thi sử cũng không còn là vấn đề quá áp lực với mỗi học sinh.

[VIDEO] - Mở màn giờ học sử với chủ đề “Âm vang Điện Biên” năm học 2023 - 2024 giành giải Nhất của cô Lan Chi:

Nhiều năm qua điểm tốt nghiệp cũng như kết quả kỳ thi học sinh giỏi môn lịch sử của trường đạt thành tích cao. Đó là nhờ đội ngũ giáo viên có chuyên môn tốt, tiếp cận công nghệ thông tin hiệu quả và không ngừng sáng tạo phương pháp dạy sử thú vị, như cô Chi. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục phát huy chất lượng môn học, để học sinh đến với lịch sử bằng niềm đam mê, sự hứng thú”.

Thầy Phạm Lê Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu

Khám phá địa chỉ đỏ

a.jpeg
Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu trải nghiệm lịch sử tại các địa chỉ đỏ. Ảnh: THÚY HIỀN

Cũng nhằm giúp học sinh tiếp nhận lịch sử một cách trực quan, sinh động và hiệu quả hơn, Trường TH Võ Thị Sáu (TP.Tam Kỳ) hằng năm đều tổ chức hoạt động trải nghiệm. Vào các ngày kỷ niệm, nhà trường thường cho các em tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh, Bảo tàng quân khu 5...

[VIDEO] - Cô Nguyễn Thị Thanh Hữu - Hiệu trưởng Trường TH Võ Thị Sáu.

Thích thú khi đến với các địa chỉ đỏ, em Thái Nguyễn Ngọc Ánh (lớp 5, Trường TH Võ Thị Sáu) chia sẻ: “Em được học lịch sử trong một không gian mở, một môi trường trực tiếp nhìn thấy, nghe kể. Từ đó em hiểu hơn về chiến tranh, về các anh hùng dân tộc và càng hứng thú với môn sử. Em hỏi các thầy cô và lên thư viện tìm tòi thêm những tư liệu sử sách hào hùng”.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu trải nghiệm lịch sử tại các địa chỉ đỏ. Ảnh: THÚY HIỀN.
Học sinh chăm chú nghe kể chuyện lịch sử. Ảnh: THÚY HIỀN

Cô Hữu cho biết, các chương trình ngoài giờ lên lớp khác cũng gắn theo chủ điểm từng tháng. Học sinh được tham gia diễn văn nghệ, dựng hoạt cảnh, thuyết trình, đọc sách… về lịch sử để các em biết sử, hiểu sử và yêu sử. Qua đó giáo dục học sinh lòng yêu nước, phấn đấu học tập cống hiến cho Tổ quốc.

Lan tỏa lòng yêu nước

Bên cạnh các tiết học trên lớp, Trường THCS Phan Tây Hồ (huyện Phú Ninh) thường tổ chức các cuộc thi để chính học sinh tự tìm hiểu lịch sử.

a(1).jpg
Học sinh Trường THCS Phan Tây Hồ thi vẽ tranh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thông qua hướng dẫn của giáo viên, nghiên cứu sách báo, phim tài liệu, internet, các em sẽ thiết kế những tác phẩm lịch sử dưới dạng video, tranh vẽ, thuyết trình về các anh hùng, về truyền thống dân tộc, lịch sử đất nước... Sau đó đăng tải lên fanpage của nhà trường, tuyên truyền về “Người anh hùng trong trái tim em”, “Em yêu biển đảo Việt Nam”, “Tự hào một dải non sông” vào các dịp 3/2, 30/4, 7/5, 19/5, 22/12…

[VIDEO] - Em Bùi Thanh Tuyền giành giải Nhất cuộc thi tuyên truyền "Người anh hùng dân tộc trong trái tim em"

Chia sẻ về hiệu quả của phương pháp giáo dục mới mẻ này, thầy Hồ Thức Tiến, Tổng phụ trách Trường THCS Phan Tây Hồ cho biết: “Các cuộc thi nhằm giúp học sinh tự khám phá, hiểu rõ hơn lịch sử dân tộc mà không bị nhàm chán, thụ động. Thực tế, phương pháp này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía phụ huynh và học sinh trong - ngoài nhà trường, chia sẻ rộng rãi trên địa bàn xã, huyện.”

THÚY HIỀN