Nông nghiệp - Nông thôn

Trả rừng xanh cho núi, mang lúa nước cho dân

THÚY HIỀN 12/12/2024 10:00

(QNO) - Thực hiện mô hình dân vận khéo, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My đã vận động nhân dân thôn 3B (xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My) khôi phục, mở rộng diện tích đất canh tác lúa nước. Từ đó sản lượng lương thực của người dân tăng cao, rừng tự nhiên được bảo vệ.

44.jpg
Theo chân BQL rừng vào thôn 3B xã Trà Giác. Ảnh: THÚY HIỀN

Con đường dài khúc khuỷu lên khu Nà Mít (thôn 3B, xã Trà Giác) lắm sỏi đá chông chênh, mùa mưa đến lầy lội trắc trở. Đây cũng chính là con đường duy nhất giúp "những anh hùng" của rừng núi hằng ngày đến với đồng bào Ca Dong tại thôn 3B.

Ý tưởng bảo vệ rừng

Trước đây, tại khu Nà Mít, nơi 26 hộ dân sinh sống, đất rừng tự nhiên liên tục bị “nuốt chửng”. Bởi người dân mang tập quán phá rừng, phát rẫy để canh tác, sản xuất lúa rẫy.

Ban quản lý rừng được giao quản lý bảo vệ 24.913ha đất, rừng trên địa bàn 9 xã, thị trấn thuộc huyện Bắc Trà My. Dù BQL thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ đất, rừng nhưng một số hộ dân chưa thực sự tiếp thu, chấp hành. Trường hợp xâm phạm rừng xảy ra thường xuyên như khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, trồng keo. Từ đó gây cháy rừng, đất rừng bị lấn chiếm, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp…"

Ông Nguyễn Tấn Tình - Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My

Trăn trở làm sao bảo vệ được “lá phổi xanh của trái đất” vẫn bảo đảm cung cấp đủ nguồn lương thực tại chỗ cho người dân, BQL rừng đã vận động nhân dân khôi phục lại diện tích đất trồng lúa nước.

BQL rừng cùng người dân khai hoang làm lúa nước.
BQL rừng cùng dân khai hoang làm lúa nước. Ảnh: THÚY HIỀN

Nhưng để dân biết, dân làm thì những người cán bộ phải đi trước để làng nước theo sau học hỏi và thực hiện. Giữa năm 2023, những người "lính gác rừng” bắt tay khai hoang, dọn dẹp hệ thống kênh mương xuống cấp, phục hóa, mở rộng hơn 1ha đất trồng lúa nước tại thôn 3B.

BQL rừng theo dõi sát sao hành trình lúa nước phát triển.
BQL rừng theo dõi sát sao hành trình trồng lúa nước của người dân. Ảnh: THÚY HIỀN

[VIDEO] - Canh tác lúa nước tại thôn 3B

Hiệu quả từ lúa nước

Từ ngày mạ non lên đến khi lúa chín cúi đầu, những hộ dân thôn 3B dần có những chuyển biến rõ rệt. Thu hoạch gần 20 bao lúa trên thửa ruộng rộng 2 sào bên cạnh nhà, ông Nguyễn Trọng Phước hớn hở khoe với cán bộ BQL rừng về một mùa bội thu.

“Làm lúa rẫy chưa bao giờ gia đình tôi thu được 17 - 18 bao lúa. Chuyển sang trồng lúa nước mới vụ đầu, tuy chưa sành sỏi đã đạt, càng trồng càng cho nhiều lúa hơn. Cứ đà này, vụ tới là ấm no cả làng” - ông Phước nói.

b.jpeg
Ông Phước phấn khởi khoe lúa mới với cán bộ BQL rừng. Ảnh: THÚY HIỀN

Không chỉ ông Phước mà những người dân trong làng Nà Mít này đều dần hợp tác cùng các cán bộ, đồng lòng ngừng phá rừng, hăng hái khôi phục diện tích đất trồng lúa nước. Thuận lòng dân, BQL rừng tiếp tục khảo sát thực tế, triển khai lực lượng bảo vệ rừng đến giúp người dân đào mương, đắp bờ, cày cuốc… chuẩn bị sản xuất các vụ tiếp đến.

img_7240.jpg
BQL rừng tiếp tục khảo sát những khu vực có thể canh tác lúa nước cho dân. Ảnh: THÚY HIỀN

Bên cạnh khai hoang trồng lúa nước, một số hộ dân thôn 3B còn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Người dân thay vườn tạp bằng quế để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

[VIDEO] - Ông Ngô Quang Trung thôn - Chốt trưởng chốt thôn 3B, xã Trà Giác

Từ ngày “hủ gạo” của người dân đầy lên, đói khổ vơi đi phần nào. Đáng mừng hơn, khi tập quán trồng lúa rẫy được thay bằng phương thức canh tác lúa nước, nhận thức bảo vệ rừng của đồng bào nơi đây cũng được nâng cao.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Bí thư chi bộ thôn 3B cho biết: "Biết ơn cán bộ giúp đỡ, người dân chúng tôi giờ rất phấn khởi khi nghe tới bảo vệ rừng. Không còn tình trạng đốn hạ cây lấy gỗ, lấn chiếm đất rừng như trước đây nữa. Mọi người đều chủ động phối hợp với BQL rừng xác định rõ ràng ranh giới rừng thuộc phạm vi nhà nước quản lý với rừng sản xuất. Dân làng Nà Mít còn cung cấp nguồn tin tố giác các dấu hiệu, hành vi xâm phạm rừng cho cán bộ".

img_7265.jpg
Làng Nà Mít bao quanh bởi màu xanh của mạ non, màu xanh của núi rừng. Ảnh: THÚY HIỀN

Trực tiếp theo dõi chỉ đạo các nội dung liên quan đến quá trình thực hiện mô hình dân vận khéo tại xã Trà Giác, ông Nguyễn Tấn Tình - Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My cho hay: "Đến nay, chuyên đề giúp nhân dân khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất lúa nước, không tác động lấn chiếm đất rừng tự nhiên đã thực hiện hiệu quả bước đầu tại thôn 3B (xã Trà Giác). Vừa qua, BQL rừng triển khai mở rộng mô hình này tại thôn 3A và 3C. Với quyết tâm thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả và không hình thức, chúng tôi hy vọng màu rừng sẽ được phủ xanh những quả núi, ngọn đồi và mang lại cuộc sống ấm no cho người dân".

THÚY HIỀN