Thăng Bình ghi dấu ấn chuỗi liên kết nông sản
Phát triển chuỗi liên kết nông sản là dấu ấn nổi bật của huyện Thăng Bình sau 3 năm triển khai Kết luận số 91, ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy về phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Những thành quả
HTX Nông nghiệp xã Bình Đào đã triển khai dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất, tiêu thụ hạt lúa giống theo chuỗi liên kết bền vững” 3 năm qua.
Dự án là mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, qua đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, bền vững.
HTX Nông nghiệp Bình Đào và 80 hộ nông dân vùng dự án đã được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quy trình sản xuất hạt lúa giống HT1 và Khang dân 18 theo tiêu chuẩn cấp. Trường Đại học Nông lâm Huế thực hiện chuyển giao quy trình sản xuất, cung cấp dây chuyền làm sạch, phân loại, chế biến, đóng gói, quảng bá, tiêu thụ.
Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào cho biết, nhờ làm đúng quy trình được tập huấn nên cây lúa phát triển tốt, đẻ nhánh rộ, khả năng chống chịu dịch hại tốt và năng suất luôn đạt ở mức hơn 60 tạ/ha.
“Trong quá trình liên kết sản xuất lúa giống, nông dân được hỗ trợ giống, phân bón và được chuyển giao quy trình kỹ thuật để sản xuất ra hạt lúa giống đảm bảo chất lượng. HTX đã xây dựng được thương hiệu hạt lúa giống Bình Đào để tiêu thụ mạnh trên thị trường” - ông Sanh nói.
Theo thống kê của UBND huyện Thăng Bình, hiện nay trên địa bàn có 19 HTX, tổ hợp tác tích tụ đất đai để liên kết sản xuất nông nghiệp. Các HTX Bình Nam, Bình Hải, Bình Quý, Bình Chánh… liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi.
Các mô hình trồng lúa giống, đậu phụng, mè đen, lúa nếp thực hiện theo quy trình kỹ thuật do doanh nghiệp cung cấp, HTX liên kết sản xuất với người nông dân, thu mua cung cứng cho doanh nghiệp với giá cao hơn thị trường.
HTX Thanh niên Thăng Bình thời gian qua liên kết với nông dân sản xuất lúa thương phẩm hữu cơ tại thị trấn Hà Lam và các xã Bình Nguyên, Bình Đào đạt doanh thu khá, hứa hẹn lối đi mới hiệu quả. HTX Bình Nam, Tổ hợp tác Khởi nghiệp Trường Giang liên kết với nông dân trồng đậu phụng, sen, thu hoạch thương phẩm, chế biến cung ứng ra thị trường đem lại giá trị kinh tế khá.
Tạo cú hích mới
Bên cạnh những thành quả, liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thăng Bình còn không ít khó khăn. Các HTX khó huy động vốn, tích tụ ruộng đất chưa nhiều để mở rộng quy mô sản xuất và phát triển bền vững.
Tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi xảy ra, khó xử lý về mặt pháp lý. Công tác quản lý nhà nước về liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi còn lỏng lẻo, bất cập.
Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, để đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao, huyện Thăng Bình đang tập trung rà soát, triển khai thiết thực hơn các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp.
Huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của từng địa phương. Giải pháp quan trọng là ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu để sản phẩm hàng hóa tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Huyện Thăng Bình kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hình thành thêm các chuỗi giá trị mới trong ngành nông nghiệp. Trong quan hệ liên kết giữa các bên, tạo ra sự hài hòa lợi ích để mô hình liên kết phát triển ổn định, bền vững.
Đến nay huyện Thăng Bình đã tích tụ, tập trung ruộng đất được 782ha. Trong đó, có 115ha được các HTX thuê đất của người dân; 667ha còn lại là của các HTX liên kết với người dân thực hiện.
Ông Lê Quang Hạt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thăng Bình cho biết, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn, các vùng sản xuất chuyên canh gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Huyện triển khai các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Liên kết chuỗi nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, sản xuất tập trung, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ và công nghiệp chế biến nông sản, nâng cao giá trị hàng nông sản.
“Các ngành chức năng sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng là kết quả các chuỗi liên kết nông sản. Qua đó nâng cao giá trị sản xuất, đem lại lợi nhuận khá cho các HTX và nhà nông” - ông Hạt nói.