Văn học - Nghệ thuật

Sông và giấc ngủ là vỏ bọc của thời gian

KINH QUỐC 12/12/2024 11:31

(VHQN) - “Giòng sông không nhìn thấy” là một trong 5 phim ngắn thuộc chương trình làm phim về sông Mê Kông 2030. Đây là chương trình nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về những vấn đề nguy cấp xoay quanh hệ sông lớn thứ ba tại châu Á.

anh-2-ba-nguyen-nsnd-minh-chau-va-nguoi-tinh-cu-nguyen-ha-phong-gap-lai-nhau.jpg
Bà Nguyện (NSND Minh Châu đóng vai) và người tình cũ (Nguyễn Hà Phong) gặp lại nhau.

Trong dự án, các nhà làm phim thuộc nhiều quốc gia Đông Nam Á được thử thách đưa ra những viễn cảnh sông Mê Kông 10 năm sau theo góc nhìn cá nhân, thay vì làm phim tài liệu về hiện trạng của nó. Đại diện của Việt Nam là Phạm Ngọc Lân tham gia chương trình.

Trôi không dấu vết

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” - triết gia Hy Lạp Heraclitus đã thâu tóm trọn vẹn triết lý dòng chảy của cuộc sống. Mọi thứ không có gì đứng yên; vạn vật đều suy tàn và không có gì là mãi mãi. Sông cứ thế mà lạnh lùng chảy và đời người cũng đổi thay không ngừng.

Cuộc sống con người như một dòng chảy. Nó đẩy chúng ta từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, không bao giờ được phép ở lại trong một “hiện tại” quá lâu. Cuộc sống giống như một dòng sông, mỗi khoảnh khắc trôi qua là mất đi vĩnh viễn. Trải nghiệm về sự trôi qua của thời gian có sức ảnh hưởng tâm lý mạnh mẽ. Triết lý này đã được đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân đưa vào dự án phim ngắn “Giòng sông không nhìn thấy”.

Bộ phim kể về hai cặp đôi thuộc hai thế hệ khác nhau: một ở độ tuổi đôi mươi, cặp còn lại đã bên kia sườn dốc đời người. Bà Nguyện, một phụ nữ lớn tuổi đã ly hôn (do NSND Minh Châu đóng) ngược lên thượng nguồn của đập thủy điện và vô tình gặp lại người tình cũ (diễn viên Nguyễn Hà Phong) 30 năm về trước. Cùng lúc, Thực - một thanh niên 21 tuổi (rapper Wean Lê thủ vai) cùng bạn gái (ca sĩ Naomi) đang tìm về ngôi chùa nằm ở hạ nguồn sông Mê Kông để tìm cách chữa chứng mất ngủ của anh.

Cả hai câu chuyện rời rạc, không ăn nhập với nhau, được kết nối bởi dòng sông Mê Kông. Nhưng đó không phải là dòng sông duy nhất liên kết những con người này với nhau. Người trẻ và tương lai vô định, người già và quá khứ đầy tiếc nuối, người ở lại và linh hồn của người đã ra đi - tất cả đều đầu hàng trước dòng chảy vô tận của một con sông không thể nhìn thấy, là Thời gian.

“Giòng sông không nhìn thấy” là cuộc song hành mạnh mẽ giữa dòng chảy bất tận của sông Mê Kông và bản chất đa tầng khó nắm bắt của ký ức, khát vọng con người. Dòng sông trở thành chiếc thuyền chuyên chở thời gian, mỗi hành trình của nhân vật dọc theo dòng nước là một hình ảnh phản chiếu của họ qua những miền vô hình của đời sống.

Ký ức cũng là một dòng chảy vô hình, truyền những bản năng, nỗi thương tổn, tình yêu và cả sự thân thuộc của thế hệ trước đến con cái của mình.

Hủy hoại và chữa lành

Dòng sông thời gian và sự đời cứ vô thường chảy mãi, với tốc độ luôn nhanh hơn khả năng thích ứng của con người. Để khi trôi qua, ta mới thấy tiếc nuối và biết trân trọng những thời khắc đáng quý. Thời gian có thể hủy hoại, đồng thời cũng chữa lành.

anh-4-dao-dien-pham-ngoc-lan-giua-cung-wean-le-tai-hau-truong-quay-phim.jpg
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân (giữa) cùng Wean Lê tại hậu trường quay phim.

Tại một đoạn sông Mê Kông xa xôi khác, cặp đôi trẻ Thực và bạn gái trôi xuôi dòng, tìm kiếm liều thuốc chữa chứng mất ngủ của chàng trai.

Vị sư già (nghệ sĩ Mạc Can thủ vai) đã ví giấc ngủ sâu như thả mình vào dòng sông. Giấc ngủ cũng ẩn dụ cho sự trôi chảy của thời gian khi ta ở trạng thái “trong sạch và vô tội như trẻ con” theo như lời sư thầy. Dòng sông, giấc ngủ, hay thời gian dù mang bản chất vô thường, thậm chí nhẫn tâm, nhưng cũng đầy vị tha khi tha thứ con người khỏi tội lỗi của họ.

Trong “Giòng sông không nhìn thấy”, giấc ngủ mang triết lý của một cỗ máy thời gian. Vì chỉ khi mơ thì ta mới có thể gặp lại cố nhân, những mảnh đời từng vương qua ta, hay hé nhìn những khoảnh khắc ngắn ngủi của tương lai mang tên Déjà vu - một hiện tượng dị thường của trí nhớ.

Đối với vị sư trẻ (diễn viên Hoàng Hà), giấc mơ là cách duy nhất anh có thể gặp lại người vợ và đứa con đã qua đời trong một trận lụt. Hành trình của họ mang đậm sắc thái mộng mơ và bướng bỉnh của tuổi trẻ. Đó cũng là sự tìm kiếm bất an những câu trả lời cho bí ẩn cuộc đời - nơi giấc ngủ và giấc mơ là chìa khóa kết nối. Trong cuộc truy cầu này, họ chạm đến một chân lý sâu sắc: không có giấc mơ, thời gian sẽ trở nên trì trệ, và ranh giới giữa quá khứ, hiện tại và tương lai dần trở nên mờ nhạt.

Ở những khung hình cuối của phim, nhân vật Thực ngồi cô độc với dòng nước mắt chảy dài. Một người đàn ông đem nỗi buồn thả trôi sông, nhưng rồi gã vẫn còn lại với con sông đó. Một người vứt nỗi buồn của mình đi, nhưng rồi gã vẫn còn lại đôi tay mình. Không ai có thể biết rõ tương lai của cặp đôi này.

Những con người nhỏ bé này cuối cùng cũng chỉ là những hạt cát bên dòng sông khổng lồ và trù phú, gắn liền với đời sống hàng triệu người Việt Nam và Đông Nam Á. Với kiến thức của một kiến trúc sư, nhà làm phim Phạm Ngọc Lân đề cập những vấn đề xoay quanh thủy điện và người dân sinh sống nhờ con sông Mê Kông này một cách đầy thi vị, mơ hồ, và nhẹ nhàng.

Những con người trong “Giòng sông không nhìn thấy” hiện lên bé nhỏ trước bối cảnh lớn lao của con sông, bức tượng Phật, và cả công trình thủy điện mang phong cách kiến trúc chủ nghĩa thô mộc sừng sững. Cũng như những tác phẩm phim ngắn của mình, chàng đạo diễn trẻ gửi gắm vào đây trăn trở về đổi thay trong đời sống người dân Việt Nam trước sự chuyển mình của quy hoạch đô thị và những công trình mới.

Thời gian không trôi, mà chính chúng ta đang trôi. Theo cách này, dòng sông mà ta cảm nhận có thể không nằm trong thời gian mà nằm trong bản chất của chúng ta: mãi lao về phía tương lai được tạo nên trong từng khoảnh khắc.

KINH QUỐC