Du lịch

Huyện Tây Giang thúc đẩy du lịch từ văn hóa cộng đồng

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG 13/12/2024 10:43

Sau những nỗ lực của địa phương, rất nhiều nghi thức văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang được phục dựng và tái hiện, mở ra cơ hội tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo, phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.

977a5177.jpg
Đồng bào Cơ Tu ở thôn Ta Lang mở hội trống chiêng đón khách. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Đón khách về làng

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Ta Lang (xã Bha Lêê, Tây Giang) vừa tổ chức đón khách về làng. Nghi thức nhập làng của cộng đồng Cơ Tu địa phương được tái hiện, thu hút hàng trăm người dân và du khách tìm đến.

Mở màn cho hoạt động văn hóa độc đáo này, từ rất sớm, người dân Ta Lang ra tận ngõ để giăng ngang tấm thổ cẩm làm “cổng chào” đón khách. Những vị khách nhập làng được người Cơ Tu đội lên đầu chiếc vòng làm bằng sợi tre nứa, hàm ý cầu mong sự bình an, hiếu khách.

Ông Alăng Sen - Trưởng thôn Ta Lang cho biết, nghi thức nhập làng được tổ chức nhằm chào mừng công trình nhà dài của đồng bào Cơ Tu vừa hoàn thành. Thông qua nghi thức này, địa phương kỳ vọng sẽ khai thác xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng.

24f0b77aa4511e0f4740.jpg
Già làng đội vòng sợi tre lên đầu du khách, hàm ý cầu bình an. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

“Khi một công trình nào đó được hoàn thành, người Cơ Tu thường tổ chức lễ hội để mời khách ở các làng khác, thậm chí là du khách phương xa vào nhập làng, vui cùng lễ hội. Người Cơ Tu luôn hiếu khách, bất kỳ ai bước vào làng đều coi như một thành viên của làng. Họ bỏ hết những hiềm khích, mâu thuẫn, phân biệt đối xử... để hòa cùng cộng đồng vui lễ hội” - ông Sen chia sẻ.

Theo bà Bríu Thị Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Bha Lêê, nghi thức nhập làng là một trong những nét văn hóa trong đời sống của đồng bào Cơ Tu. Nghi lễ này mang ý nghĩa cầu bình an, mạnh khỏe, thể hiện văn hóa hiếu khách đầy tính nhân văn, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa cộng đồng làng với nhau và xa hơn là du khách, bạn bè...

Đây cũng là dịp để cộng đồng Cơ Tu chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất và phát triển kinh tế, giáo dục con cháu gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giúp nhau cùng tiến bộ và phát triển bền vững.

977a5231.jpg
Đồng bào Cơ Tu trình diễn điệu múa truyền thống phục vụ du khách tham quan. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

“Thông qua nghi thức nhập làng, chính quyền địa phương mong muốn người dân tiếp tục khai thác, xây dựng và phát triển nghi thức nhập làng nói riêng và các nghi thức, nghi lễ văn hóa truyền thống khác nói chung trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần nâng cao thu nhập ngày càng hiệu quả.

Trong định hướng phát triển kinh tế của xã thời gian tới, chúng tôi xác định gắn công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch. Trong đó, phát huy giá trị văn hóa làng, lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu phục vụ du khách tham quan” - bà Linh nói.

Trải nghiệm đáng nhớ

Có cơ hội được góp mặt ở nhiều sự kiện văn hóa miền núi xứ Quảng, chị Nguyễn Thị Thu Loan (một du khách đến từ TP.Tam Kỳ) cho biết rất hào hứng khi chứng kiến lễ hội độc đáo của đồng bào miền núi, đặc biệt là của cộng đồng Cơ Tu ở Tây Giang. Vì thế, gần như lễ hội văn hóa nào chị Loan cũng tìm đến từ rất sớm để được hòa mình vào không gian lễ hội.

“Người Cơ Tu luôn có tinh thần cộng đồng rất cao, họ cùng nhau san sẻ công việc chung để góp cho hội làng được thành công nhất. Đặc biệt, người Cơ Tu rất thân thiện, gần gũi. Họ giữ gìn nét văn hóa truyền thống rất tốt, cũng như khéo léo quảng bá các giá trị văn hóa của mình thông qua lễ hội, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo giúp du khách có thêm không gian trải nghiệm thú vị và ấn tượng” - chị Thu Loan chia sẻ.

977a5647.jpg
Du khách trải nghiệm đi bè nứa trên sông. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Ông Bríu Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang cho biết, qua rất nhiều sự kiện văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được phục dựng và tái hiện, từ hội mừng gươl mới tại thôn Aró (xã Lăng), mừng lúa mới tại thôn A Râng (xã A Xan) cho đến nghi lễ nhập làng tại thôn Ta Lang (Bha Lêê)..., địa phương mong muốn từng bước khôi phục các giá trị văn hóa độc đáo. Qua đó, tạo không gian trải nghiệm thú vị, hướng đến giới thiệu và quảng bá điểm đến du lịch lý tưởng cho du khách.

Theo ông Bríu Hùng, các sự kiện này do Phòng VH-TT huyện Tây Giang chủ công tổ chức, với sự tham gia của cộng đồng và chính quyền các địa phương. Thông qua nghi thức hội làng, nhằm khai thác, xây dựng thành các sản phẩm du lịch theo Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030.

“Tham gia lễ hội, du khách còn được trải nghiệm không gian văn hóa trống chiêng, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, thưởng thức ẩm thực, đi bè nứa trên sông... đầy thú vị. Hy vọng, các sản phẩm du lịch mới này giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm khi đến với Tây Giang” - ông Hùng nói.

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG