Bảo vệ môi trường ở Quảng Nam và trách nhiệm của người sản xuất, doanh nghiệp
Mặt trái của các hoạt động kinh tế - xã hội đã tác động xấu đến môi trường trên địa bàn tỉnh nên người sản xuất, chủ doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường nuôi thủy sản
Nghề nuôi biển ở Quảng Nam chưa phát triển mạnh như ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Mặc dù vùng biển của tỉnh chủ yếu là biển hở, lượng lồng bè nuôi cá còn thưa nhưng thời gian qua, môi trường tại các vùng nuôi bị suy giảm.
Nguyên nhân từ chính quá trình xả thải trong nuôi biển. Thức ăn thừa trong nuôi thủy sản cùng với túi ny lon người dân vứt bừa bãi trong quá trình nuôi biển đã tác động xấu đến môi trường...
Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại (TP.Hội An) cho biết, chính quyền địa phương rất lo về vấn đề ô nhiễm môi trường bởi trên địa bàn diễn ra nhiều hoạt động có thể tác động xấu như nuôi thủy sản bằng lồng bè trên biển, du lịch biển.
Thời gian qua, UBND phường Cửa Đại, các hội, đoàn thể đã tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường biển. Đồng thời quản lý chặt chẽ vùng nuôi biển, từng bước vận động người dân chuyển từ nghề nuôi biển sang các nghề khác thân thiện với môi trường.
Tương tự, qua khảo sát, Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ nhận thấy hoạt động nuôi thủy sản bằng lồng bè trên sông đã gây ô nhiễm môi trường nên vận động các nông hộ chuyển đổi nghề.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu giao nhiệm vụ ngành nông nghiệp, tài nguyên - môi trường chủ động phòng ngừa, quản lý, kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản.
Các ngành chức năng tập trung điều tra, đánh giá nguồn thải, lượng thải trong các hoạt động khai thác hải sản, nuôi trồng, chế biến hải sản… ; đồng thời chú trọng kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm tại vùng ven biển, các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao. Cùng với đó, ngành chức năng cần xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường thường niên tại các vùng nuôi thủy sản, hệ thống cảng cá...
Trách nhiệm của doanh nghiệp
Ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, kinh tế - xã hội phát triển đang có những tác động ngược trở lại môi trường. Minh chứng là ô nhiễm không khí, thiên tai, bão lũ… ngày càng diễn biến phức tạp. Đối với doanh nghiệp, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ nền tảng phát triển của doanh nghiệp.
Theo ông Toàn, vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phải gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Để thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, các doanh nghiệp cần khẩn trương xây dựng các đánh giá về tác động của dự án đối với môi trường; lập báo cáo môi trường khi triển khai dự án. Ngoài ra, doanh nghiệp cần có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến các yếu tố môi trường cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
“Doanh nghiệp cần thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm phục hồi môi trường sau sự cố, bồi thường thiệt hại do mình gây ra” - ông Toàn nói.
Xu thế tất yếu hiện nay là trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần lưu ý đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp không sẵn sàng đón nhận sẽ dễ có nguy cơ bị bỏ lại. Quảng Nam đã ban hành kế hoạch nâng cao kết quả chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) cho giai đoạn 2025 - 2030.
Hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để tỉnh tiếp tục cải thiện kết quả, thứ bậc xếp hạng chỉ số PGI, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Hoàng Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho biết, ngành chức năng tiếp tục phổ biến Luật Bảo vệ môi trường, nhất là cập nhật, phổ biến các văn bản pháp luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 để giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tăng vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, nhất là thực thi các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường.