Xã hội

Hiệp Đức phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

TÂM ĐAN 13/12/2024 15:32

(QNO) - Năm 2024, quy mô tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hiệp Đức không ngừng mở rộng, qua đó tiếp tục khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.

z5749134747185_99eb045aee510a59bd4c14b8a583ae01.jpg
Nguồn vốn tín dụng chính sách tại huyện Hiệp Đức phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Ngân hàng CSXH huyện cung cấp.

Phát huy nguồn vốn vay

Những năm qua, mô hình cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội, ủy nhiệm qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại Hiệp Đức phát huy hiệu quả.

Năm 2018, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, ông Thiều Quang Bình, một cựu chiến binh ở thôn Trà Sơn (xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức) đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trang trại trồng cây ăn quả. Điều đặc biệt là ông đã đầu tư kinh phí lớn trong việc ứng dụng công nghệ giám sát và hệ thống tưới tự động, hiện đại cho vườn cây.

Từ khu vườn nhỏ chừng 3ha, đến nay, ông Bình đã có trong tay trang trại khoảng 15ha gồm nhiều loại cây ăn quả có giá trị như bưởi, cam, ổi, thanh long, dừa… trong đó vườn cây gió bầu mang lại giá trị cao. Mỗi năm, trang trại cho doanh thu trung bình hơn 300 triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

“Phải nói rằng, nhờ các nguồn vốn vay, nhất là vốn ưu đãi từ ngân hàng CSXH mà tôi mới mạnh dạn đầu tư tối ưu cho vườn cây. Ưu điểm của vốn ngân hàng CSXH là lãi suất thấp, thời gian vay dài và thủ tục dễ dàng. Nguồn vốn không chỉ giúp tôi phát triển kinh tế mà còn tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương” - ông Bình chia sẻ.

dsc_0892.jpg
Nhiều hộ gia đình đã vươn lên trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Ảnh: TÂM ĐAN

Ông Ngô Quang Đô - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức cho biết: Các hội, đoàn thể nhận ủy thác trên địa bàn huyện luôn quan tâm, đồng hành với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong việc tiếp cận vốn tín dụng chính sách kịp thời, hiệu quả.

Trên địa bàn toàn huyện hiện có 141 Tổ TK&VV thực hiện nhiệm vụ ủy thác đến tận thôn, khối phố. Đây là cầu nối giữa Ngân hàng CSXH huyện với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời, tiết giảm chi phí cho người vay.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức cho biết: Tổng doanh số cho vay 11 tháng năm 2024 của đơn vị đạt hơn 103,4 tỷ đồng, tăng hơn 43,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, đáp ứng nhu cầu cho 1.930 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Qua đó, nâng tổng dư nợ 18 chương trình cho vay đến 30/11 là hơn 391,6 tỷ đồng, có 5.628 hộ vay (tăng hơn 23,5 tỷ đồng so với 31/12/2023, tỷ lệ tăng 6,4%, đạt 97,6% kế hoạch). Đơn vị duy trì thu lãi đều hàng tháng, tỷ lệ thu lãi đạt 100% lãi phải thu.

Quan tâm tín dụng đối với người hoàn lương

Năm 2024, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức tích cực phối hợp với Công an huyện trong triển khai tín dụng ưu đãi đến với người chấp hành xong án phạt tù.

Công an huyện và Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức ký kết quy chế phối hợp năm 2024. Ảnh: Ngân hàng CSXH huyện cung cấp
Công an huyện và Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức ký kết quy chế phối hợp năm 2024. Ảnh: Ngân hàng CSXH huyện cung cấp

Đây là nội dung thực hiện theo Chương trình phối hợp số 09 giữa Bộ Công an và Ngân hàng CSXH Việt Nam về thực hiện Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù giai đoạn 2024 - 2028.

Ông Ngô Quang Đô - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức cho biết: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng CSXH huyện đã tích cực phối hợp với Công an huyện triển khai thực hiện tín dụng ưu đãi đến các đối tượng chấp hành xong án phạt tù.

Đến 30/11/2024, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho 7 trường hợp vay vốn chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn với số tiền là 430 triệu đồng. Trong đó, năm 2023 giải ngân cho 1 trường hợp số tiền 30 triệu đồng, năm 2024 giải ngân cho 6 trường hợp với số tiền 400 triệu đồng

Ông Ngô Quang Đô

Trong quá trình triển khai, lực lượng công an các xã, thị trấn đã hỗ trợ Ngân hàng CSXH huyện rà soát, lập danh sách các trường hợp người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn và phối hợp triển khai chương trình tiếp cận vốn.

Đồng thời hỗ trợ trong việc đánh giá khả năng của người vay, kiểm tra, xác nhận đúng đối tượng vay vốn đối với chương trình cho vay; phối hợp xử lý, thu hồi các khoản nợ; xác minh các hộ vay đi khỏi nơi cư trú, tham gia tổ đôn đốc, thu hồi nợ khó đòi tại xã, thị trấn...

Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức giải ngân cho vay chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Ảnh: Ngân hàng CSXH cung cấp
Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức giải ngân cho vay chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Ảnh: Ngân hàng CSXH cung cấp

Để triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp số 09 trong thời gian đến, Ngân hàng CSXH đề xuất công an các xã, thị trấn định kỳ vào ngày 5 hằng tháng lập và cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn chuyển cho ngân hàng làm căn cứ cho vay, giám sát vốn vay và thu hồi nợ.

Cạnh đó, công an huyện phối hợp rà soát nhu cầu của người chấp hành xong án phạt tù về lại địa phương đủ điều kiện vay vốn theo quy định đề nghị UBND huyện quan tâm xem xét chuyển bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương để Ngân hàng CSXH huyện triển khai cho vay người chấp hành xong án phạt tù theo quy định...

TÂM ĐAN