Cảnh báo với hàng giá rẻ
Tốc độ bùng phát nhanh chóng của hàng hóa công nghiệp giá rẻ, khiến văn hóa tiêu dùng của người dân đô thị thay đổi đáng kể. Hàng hóa giá rẻ - “con dao hai lưỡi”?
Có thể thấy, chưa bao giờ, thị trường tiêu dùng trong nước lại ở thời kỳ mua bán hàng hóa giá rẻ thuận lợi như hiện nay. Mọi mặt hàng, mọi lĩnh vực đều xuất hiện các luồng cung cấp, các đầu mối bán hàng trực tiếp đến tận từng gia đình với mẫu mã đa dạng, chất lượng tùy chọn và nhất là, giá cả rẻ đến bất ngờ.
Những kênh bán hàng “xuyên biên giới” từ thị trường Trung Quốc đưa sang, được mở bán ở trong nước, như Lazada, Shopee, gần đây là Taobao… đua nhau tung những đợt bán hàng “giảm sốc”, giao hàng miễn phí, khiến hàng hóa tràn ngập.
Nổi bật trong mùa thu vừa qua, Temu là một kênh bán hàng lớn, đã có hẳn những chương trình làm chao đảo tâm lý người tiêu dùng. Rất may nhà phân phối này không được cấp phép kinh doanh nên phải rút lui. Song điều đó không phải là họ sẽ dừng lại, mà chắc chắn, trong tương lai gần, họ sẽ trở lại, và tiếp tục “gây sóng gió” thị trường.
Một số doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ở miền Trung đã phải lên tiếng cảnh báo tình trạng hàng hóa giá rẻ này. Khẳng định của họ, là hàng mình rất khó cạnh tranh được với hàng hóa công nghiệp Trung Quốc, một sự thật đã được chứng minh với thị trường Mỹ và châu Âu.
Ngành công nghiệp sản xuất hàng điện tử và tiêu dùng của Trung Quốc đã đạt đến mức độ khó kiểm soát nổi và sẽ không một nền sản xuất trong nước của quốc gia nào đủ lực kiềm chế hàng hóa giá rẻ mà họ tung ra. Lượng hàng hóa này vừa dồi dào, vừa có giá giảm triệt để do dùng những chính sách bán hàng linh hoạt, cốt yếu thu vốn sản xuất hoặc giải quyết tồn kho. Khi đổ vào thị phần nào, nó có thể chiếm lĩnh toàn bộ.
Vấn đề là hàng hóa giá rẻ như vậy, càng đi sâu vào càng làm lũng đoạn thị trường, áp lực với các nhà sản xuất nội địa.
Ông Phan Hải - Giám đốc Công ty sản xuất Giày BQ (Đà Nẵng) nhìn nhận, cùng một nhóm sản phẩm giày nữ dành cho các bạn trẻ, sản xuất của doanh nghiệp trong nước mỗi tháng chỉ có thể đưa ra vài mẫu, khi đặt cạnh lượng hàng lớn từ ngoài đổ vào, có hàng trăm mẫu mã, giá cả lại chênh lệch có khi đến 50%, thì làm sao tâm lý người tiêu dùng không chọn lựa.
Các bạn trẻ ở đô thị, lại càng có thị hiếu ưa thích đa dạng mẫu mã, thay đổi kiểu dáng, khi nhìn thấy những mức giá sales cực kỳ thấp, tất nhiên sẽ chọn ngay dù biết chất lượng có thể không ổn. Cạnh tranh như vậy, nhà sản xuất nội địa chỉ có thất bại mà thôi.
Song đáng lo hơn, hàng hóa giá rẻ còn kéo theo nguy cơ giảm phát văn hóa tiêu dùng. Đó là, khi người dùng đã quen với những mức giá rẻ, chấp nhận những hàng hóa không đảm bảo chất lượng, các chính sách bán hàng về sau có vấn đề, cũng đồng nghĩa tâm lý tiêu dùng sút giảm, rất khó trở lại chọn các sản phẩm tiêu dùng giá trị cao hơn.
Cẩn thận với “bẫy” hàng giá rẻ?
Mùa Tết 2025 đang đến gần. Có thể thấy trên các diễn đàn mạng xã hội, các kênh bán hàng trực tuyến, một lượng hàng hóa khổng lồ đã được các nhà sản xuất và thương mại Trung Quốc “chờ sẵn”. Thông tin về những đợt thu gom, bán hàng “sales sập sàn”, “đồng giá giảm 90%” đang nhanh chóng lan tràn.
Khu vực đô thị, các thành phố lớn đang là tâm điểm nhắm đến của các đợt bán hàng này. Các tài khoản Zalo, Tiktok, Facebook của các bạn trẻ, hàng đêm đều thấy hoạt động, theo dõi các chiến dịch bán hàng, “săn sales”… nhộn nhịp. Theo các nhà tư vấn, mùa tết này sẽ là một bối cảnh thay đổi, khi thương mại điện tử trực tuyến bùng phát, hàng hóa tiêu dùng ngoài thị trường không nhiều, song trên các mạng xã hội, lại là một lượng giao dịch khổng lồ.
“Vấn đề là với tâm lý này, người tiêu dùng sẽ thích ứng giá rẻ, chấp nhận tất cả hàng hóa công nghiệp tiêu dùng, dần hình thành thói quen mua sắm hàng giá rẻ, “sập bẫy” tiêu dùng giá rẻ”. Một nhà tư vấn nhấn mạnh như vậy.
Theo người này, sau một thời gian, tâm lý tiêu dùng xã hội sẽ từ chối những thương hiệu, sản phẩm chất lượng cao, kiểu dáng độc đáo… với những tiêu chuẩn cao hơn.
Thậm chí, với kiểu lý luận đang phổ cập trên mạng, “đồng hồ chỉ để xem giờ, 100 ngàn đồng hay 10 triệu đều như nhau”, để chấp nhận ngang bằng mọi giá trị tiêu dùng, loại bỏ những sáng kiến khoa học, thành tựu kỹ thuật cao hơn.
Nguy hiểm là, vừa phản bác sáng kiến khoa học, vừa tạo ra những quan niệm “hàng hóa thời thượng”, để người tiêu dùng nhầm lẫn các giá trị, sẵn sàng mua hàng giả, hàng nhái nhãn mác, những nhà sản xuất công nghiệp tiêu dùng giá rẻ sẽ hoàn toàn chiếm ngự thị trường và làm khuynh đảo văn hóa tiêu dùng trong xã hội.
Đã đến lúc cần có những thông điệp rõ ràng, nhìn nhận thấu đáo về vấn nạn thị trường tiêu dùng giá rẻ, hỗ trợ người tiêu dùng nhận ra những “lưỡi dao” ngược khi chấp nhận “cào bằng” các giá trị hàng hóa. Đây là yêu cầu đặt ra với các nhà quản lý xã hội, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, và chính với mỗi người tiêu dùng có kiến thức, trong đời sống đô thị hiện nay.