Tác phẩm, tác giả

Nguyễn Quang Sáng, nhà văn mê chi tiết

DIỆP TRẦN 15/12/2024 08:00

Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - cuộc đời và sự nghiệp” nhân 10 năm ông tạ thế (2014 - 2024) vào cuối tuần qua. Tại sự kiện, bên cạnh các tham luận khám phá nét đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm Nguyễn Quang Sáng, còn có những câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ về ông do các bạn văn và nhiều cây bút thế hệ sau có dịp gần gũi ông chia sẻ.

ha thanh van
TS. Hà Thanh Vân trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Diệp Trần

Từ dòng sông tuổi thơ đến chiến trường

Trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam, không hiếm nhà văn sớm trưởng thành từ khói lửa chiến tranh. Nhưng Nguyễn Quang Sáng (1932 - 2014) vẫn là một trường hợp đặc biệt.

Sinh ra tại vùng đất Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang, ông xuất thân trong gia đình làm nghề thợ bạc. Tuổi thơ ông gắn liền với vẻ đẹp mộc mạc của miền sông nước, với nền văn hóa Nam Bộ đậm đà bản sắc.

Năm 14 tuổi, ông tham gia kháng chiến, trở thành chiến sĩ thiếu niên, lăn lộn ở chiến trường miền Tây Nam Bộ thời chống Pháp. Từ căn cứ kháng chiến, ông bắt đầu cầm bút: buổi đầu chữ nghĩa còn giản dị, rụt rè, nhưng niềm say mê thì mãnh liệt.

Ông tìm thấy trong cuộc đời dân dã, giữa “cánh đồng hoang”, “đồng nước nổi”, và “miệt vườn sông rạch” những “mẩu vàng” quý giá cho trang viết.

Những năm tập kết ra Bắc (sau 1954), làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi Hội Nhà văn Việt Nam, chính là thời kỳ ông có cơ hội trau dồi nghề nghiệp. Rời miền Nam trong cảnh chia cắt, ông mang theo nỗi nhớ quê hương, từ đó viết “Đất lửa” (1963), “Nhật ký người ở lại” (1962), “Người quê hương” (1958).

Giữa đất Bắc, ông hòa nhập đời sống văn nghệ Hà Nội, học ở bạn bè, các bậc đàn anh như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Tuân. Sự miệt mài ấy khắc tên tuổi ông trong hàng ngũ những cây bút trẻ đầy triển vọng trước 1965. Sau đó, ông quyết vượt Trường Sơn, trở lại chiến trường miền Nam khốc liệt, để rồi từ đó lại có thêm những tác phẩm mới gắn liền với chặng đường gian khổ này.

Mặc dù được biết đến là người ham chơi, thích giao du nhưng nhà văn Nguyễn Quang Sáng lại rất nghiêm túc trong sáng tác. TS. Hà Thanh Vân dẫn lại tâm sự của ông như một minh chứng cho điều đó: “Tôi bắt đầu cầm bút năm 1952, hồi còn ở rừng U Minh đánh Pháp. Mãi tới 1956, truyện ngắn đầu tiên “Con chim vàng” mới được in trên báo Văn nghệ. Đã hơn nửa thế kỷ cầm bút, có một số tác phẩm, một vài giải thưởng nhưng tôi luôn tự hỏi, mình đã thật sự là nhà văn hay chưa?”.

Ông có thói quen chỉ viết tay và luôn phải suy nghĩ rất chín trước khi đặt bút. Nhiều truyện ông theo đuổi cả chục năm nhưng thấy chưa chín thì nhất định chưa viết. Ông thai nghén tác phẩm mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi đang uống rượu hay ngồi taxi.

“Ông Sáng là người có thể sáng tác ngay cả trong lúc uống rượu”, nhà thơ Nguyễn Duy nói trong lúc ông kể lại cho mọi người nghe những kỷ niệm một thời với người bạn văn gắn bó mấy chục năm của mình.

Người kể chuyện tài hoa của Nam Bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị như “Con chim vàng”, “Chiếc lược ngà”, “Bông cẩm thạch”, “Mùa gió chướng”, “Dòng sông thơ ấu”... cùng nhiều kịch bản phim nổi tiếng như “Cánh đồng hoang”, “Pho tượng”, “Mùa nước nổi”... Người ta ấn tượng với ông ở sự không cố làm văn dù rất dụng công và nghiêm túc trong việc đãi nhặt giữa bộn bề cuộc sống những “chi tiết” đắt.

nha tho Nguyen Duy
Nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ kỷ niệm về nhà văn Nguyễn Quang Sáng tại hội thảo. Ảnh: Diệp Trần

“Tôi mê chi tiết. Viết văn mà không có chi tiết đắt thì giống y chang xã luận còn gì. Tôi nghĩ, văn học là tổng hợp của những chi tiết. Mà chi tiết trong đời sống thì chẳng ai có thể sáng tác được”, đây là những chia sẻ về nghề của ông đã được Huyền Nga, một người góp tham luận tại hội thảo dẫn lại.

Trong văn chương của ông, Nam Bộ hiện lên với đầy đủ sắc thái văn hóa đặc trưng, từ ẩm thực, trang phục đến phương tiện đi lại và không gian sống. Những món ăn dân dã như cá kho, canh chua, bánh dừa, bánh tét...; những trang phục quen thuộc như áo bà ba, khăn rằn; cảnh sông nước với đủ loại ghe xuồng; nhà sàn, nhà thảo bạt đặc trưng miền Tây được miêu tả sinh động, gần gũi.

Tất cả đã trở thành “Những vỉa tầng văn hóa trong văn xuôi Nguyễn Quang Sáng” như cách nêu vấn đề của PGS-TS. Bùi Thanh Truyền - Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng không ngần ngại đi sâu vào nội tâm con người thời hậu chiến, trăn trở trước “cái xấu và cái đẹp” tồn tại song song. Chẳng hạn ở “Con mèo của Foujita” (1991), ông khai phá hướng suy ngẫm, chiêm nghiệm sâu hơn. Như tham luận của Lê Tiến Dũng chỉ ra: truyện của ông viết không nhằm nhiều lắm vào việc kể cho người đọc biết thêm một câu chuyện… mà nhiều hơn là hướng người đọc vào suy ngẫm”.

Đó là một Nguyễn Quang Sáng mới mẻ sau 1975, không dừng lại ở hào quang quá khứ mà hòa vào dòng chảy cuộc sống, suy tư về thời bình, về những đổi thay, nghịch lý, để gạn lọc và trao gửi thông điệp nhân văn.

Với những đóng góp xuất sắc cho nền văn học nước nhà, ông đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

DIỆP TRẦN