Y tế

Mở cơ hội tiếp cận bình đẳng về phục hồi chức năng

TÂM THÀNH - ÁNH MINH - LÊ QUÂN - HOÀNG ĐẠO - NGỌC TRẦN - MINH KHÔI - ĐÔNG YÊN 15/12/2024 07:00

Cùng với nâng cao sức khỏe, dự phòng và điều trị, phục hồi chức năng là thành tố quan trọng để làm nên hệ thống y tế hoàn chỉnh. Hiện tại, nhu cầu về phục hồi chức năng đang gia tăng do mô hình bệnh tật thay đổi. Tuy vậy, làm gì để mở ra cơ hội tiếp cận bình đẳng đối với phục hồi chức năng ở mọi người, mọi vùng?

MỞ CƠ HỘI TIẾP CẬN BÌNH ĐẲNG VỀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

Cùng với nâng cao sức khỏe, dự phòng và điều trị, phục hồi chức năng là thành tố quan trọng để làm nên hệ thống y tế hoàn chỉnh. Hiện tại, nhu cầu về phục hồi chức năng đang gia tăng do mô hình bệnh tật thay đổi. Tuy vậy, làm gì để mở ra cơ hội tiếp cận bình đẳng đối với phục hồi chức năng ở mọi người, mọi vùng?

MẠNG LƯỚI PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TỪ CÁC TUYẾN

Củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng (PHCN), tăng cường phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm và can thiệp sớm... là những mục tiêu trong chương trình phát triển hệ thống PHCN Quảng Nam đặt ra.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc bảo đảm cho người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện thì một hệ thống mạng lưới PHCN từ tuyến tỉnh đến tuyến xã cũng được đặt ra.

Điểm tựa từ tuyến cơ sở

Vừa hoàn thành bài tập vật lý trị liệu, bà Huỳnh Thị Hoa (60 tuổi, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) cho biết, bà bị thoái hóa cột sống thắt lưng chèn ép đau thần kinh nên rất yếu, đi lại phải có người dìu dắt. Sau thời gian tập luyện, được sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ y bác sĩ ở Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng (YHCT-PHCN) thuộc Trung tâm y tế (TTYT) Duy Xuyên, đến nay sức khỏe tiến triển rất tốt.

6a15de87c4167e482707.jpg
Bệnh nhân hài lòng khi điều trị tại Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng (Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên). Ảnh: P.T

Trong khi đó, vừa xong liệu pháp điều trị bằng kỹ thuật nhiệt nóng trị liệu (Paraffin), nằm trên giường bệnh nghỉ ngơi, bà Võ Thị Hai (65 tuổi, xã Duy Sơn) cho biết: “Tôi bị thoái hóa cột sống, không đi lại được, những ngày đầu điều trị, y tá, điều dưỡng thường xuyên dìu tôi đi. Sự chăm sóc tận tình này cùng với việc điều trị bằng nhiều phương pháp kết hợp giúp bệnh của tôi đỡ dần. Giờ tôi đã có thể đi lại bình thường”.

Hiện nay, Khoa YHCT-PHCN thuộc TTYT huyện Duy Xuyên có 25 giường bệnh, 8 phòng thủ thuật nhưng bệnh nhân điều trị nội trú lúc nào cũng duy trì 50-70 người. Dù đông bệnh nhân nhưng đội ngũ y bác sĩ luôn hướng dẫn tận tình, chu đáo; các phòng bệnh gọn gàng, sạch sẽ.

Cử nhân Nguyễn Văn Phúc - Phó Khoa YHCT-PHCN cho hay, vài năm gần đây, phương châm điều trị bệnh của khoa là “Luôn giữ thái độ thân thiện, nhiệt tình, hết lòng với bệnh nhân”. Đó cũng là mục tiêu, nỗ lực của đội ngũ nhân viên ở khoa, cả trước đây khi điều kiện trang thiết bị, nhân lực còn khó khăn, giường bệnh không đủ bố trí điều trị nội trú.

Do đặc thù của hoạt động điều trị, chúng tôi không chỉ khám, chẩn bệnh, kê đơn, thực hiện các thủ thuật mà còn phải theo sát tình hình, lắng nghe bệnh nhân và phát hiện những tiến triển nhỏ nhất để có thể động viên, điều chỉnh phương án điều trị sao cho phù hợp nhất. Nếu phương pháp điều trị chưa phù hợp hoặc khiến bệnh nhân quá khó chịu, chúng tôi thay đổi cho phù hợp, mang lại tín hiệu khả quan cho người bệnh

Anh Nguyễn Văn Phúc - Phó Khoa YHCT-PHCN.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Điền - Trưởng khoa YHCT-PHCN cho biết: “Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ nên ngày càng có nhiều bệnh nhân tin tưởng đến khoa điều trị bệnh. Mỗi ngày, khoa đón khoảng 50-70 bệnh nhân đến khám, gần 60 bệnh nhân điều trị nội trú. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là trang thiết bị máy móc được đầu tư mua sắm từ năm 2016, đến nay công suất sử dụng thấp” - bác sĩ Điền nói.

Khoa YHCT - PHCN (TTYT huyện Duy Xuyên) cần mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ điều trị bệnh. Ảnh: P.T

TTYT Duy Xuyên là một trong những đơn vị của tuyến y tế cơ sở được nhận định phát triển mạnh khoa YHCT - PHCN tại Quảng Nam. Từ năm 2016 cho đến nay, TTYT Duy Xuyên tiến hành mua sắm nhiều trang thiết bị, máy móc như: máy kéo giãn cột sống, máy điện xung, máy điều trị điện từ trường, máy siêu âm điều trị, máy tập đa năng, máy chiết xuất và đóng gói thuốc đông y để phục vụ bệnh nhân…

Củng cố chuyên môn từ bệnh viện

Nhận định từ Bộ Y tế, Việt Nam hiện có hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên gặp khuyết tật và 13% gia đình có người khuyết tật (tương đương với 12 triệu người). Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính sẽ có hơn 19 triệu người Việt Nam có nhu cầu đối với ít nhất một dụng cụ PHCN.

Mặc dù nhu cầu PHCN là rất lớn nhưng bình diện cả nước, một số địa phương đã sáp nhập PHCN với các cơ sở khác. Quảng Nam hiện chỉ có 27/34 cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ kỹ thuật PHCN, trong đó có 3 đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật PHCN theo hướng đa ngành, bao gồm vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, dụng cụ trợ giúp. Các cơ sở khám chữa bệnh cung cấp thực hiện được hơn 50% dịch vụ kỹ thuật về PHCN.

Đội ngũ y bác sĩ luôn hết lòng với bệnh nhân. Ảnh: P.T

Ông Cao Văn Trọng - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Quảng Nam cho biết, từ năm 2025, Bệnh viện YHCT Quảng Nam xây dựng đề án tổ chức lại Bệnh viện YHCT Quảng Nam thành Bệnh viện YHCT-PHCN. Đây cũng là yêu cầu quy hoạch y tế thực hiện theo Chương trình phát triển sự nghiệp y tế, dân số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.

“Bệnh viện định hướng triển khai điều trị kết hợp giữa YHCT và PHCN tại mỗi khoa lâm sàng để nâng cao chất lượng điều trị các bệnh lý thần kinh, cơ xương khớp, lão khoa. Xây dựng Khoa PHCN theo hướng đa chuyên ngành, chú trọng PHCN cho trẻ em khuyết tật, trẻ rối loạn phổ tự kỷ, các di chứng sau tai biến mạch máu não, chấn thương tủy sống; phấn đấu trở thành Trung tâm can thiệp PHCN đa chuyên ngành. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tham gia và chủ trì tham gia các hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh” - ông Cao Văn Trọng nói.

Tại Kế hoạch triển khai chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đưa ra mục tiêu ngoài củng cố chuyên môn PHCN tại Bệnh viện YHCT Quảng Nam, thì đến năm 2025, 100% cơ sở khám chữa bệnh đa khoa có kế hoạch phát triển khoa hoặc đơn nguyên PHCN riêng.

Chưa kể, hơn 90% TTYT huyện, thị xã, thành phố có khoa YHCT-PHCN được duy trì và đầu tư phát triển. Ngoài ra, theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, cần thiết phải đạt 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về quản lý chăm sóc sức khỏe người khuyết tật... Đây là các mục tiêu để Quảng Nam từng bước xây dựng, đầu tư, tạo mạng lưới hệ thống PHCN trên toàn tỉnh.

Trong khi đó, Bộ Y tế đưa ra chỉ tiêu đến năm 2030, 90% các tỉnh thành triển khai mô hình PHCN dựa vào cộng đồng và nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN đạt tối thiểu 0,5 người/10.000 dân. Cùng với đầu tư máy móc, đội ngũ nhân lực là điều cần thiết phải tính toán để PHCN trở lại đúng vị thế của mình.

Số lượng bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên ở khoa chưa đáp ứng được yêu cầu khi số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngày càng tăng cao, đó là chưa kể đến việc đơn vị còn cử người tham gia các dự án hỗ trợ người khuyết tật ở cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Điền, TTYT huyện Duy Xuyên.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Điền, TTYT huyện Duy Xuyên cho biết thêm, tại đơn vị, máy siêu âm, máy điều trị từ trường chỉ một máy mỗi loại.

Để triển khai hiệu quả nhất Kế hoạch triển khai chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Trương Quang Bình - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện công tác chỉ đạo tuyến các dịch vụ kỹ thuật PHCN từ tuyến trên về tuyến dưới. Trong đó, Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện YHCT sắp tới sẽ thành lập đội giám sát chuyên môn tuyến tỉnh về PHCN; thực hiện khám, chữa bệnh PHCN tại khoa PHCN và các khoa khác trong bệnh viện theo các hình thức nội trú, ngoại trú, PHCN ban ngày...

LOAY HOAY TÌM HƯỚNG BÙ ĐẮP NHÂN LỰC

Cơ hội để phát triển hệ thống phục hồi chức năng (PHCN) đã mở ra. Tuy nhiên, các bệnh viện, cơ sở PHCN đang đối diện với câu chuyện thiếu hụt nhân lực...

Xoay xở

Tai nạn cách đây 2 năm khiến ông Nguyễn Hùng (thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh) gãy xương đùi, phải phẫu thuật kết hợp xương. Sau phẫu thuật, ông điều trị tại Khoa PHCN thuộc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - bỏng - PHCN của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Ông Hùng cho biết, mỗi đợt điều trị nội trú kéo dài chừng 15 ngày.

“Các bác sĩ, kỹ thuật viên điều trị với phác đồ đầy đủ, tập luyện cùng máy móc hỗ trợ và có thuốc điều trị hỗ trợ. Họ cũng động viên bệnh nhân cố gắng tập để sớm phục hồi. Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở đây xuống cấp quá, phòng bệnh thiếu nên kê gường chật chội. Chưa kể, bác sĩ cũng không thấy có phòng làm việc riêng. Nhiều lúc bệnh nhân đông mà khu làm việc của các bác sĩ lại ở hành lang thì nhìn không được thuận tiện lắm” - ông Hùng nói.

z6123156145704_44fc93b7d6737486d9459ae2b429816a.jpg
Chăm sóc, điều trị PHCN cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: Đ.Đ

BS.CKI. Trần Thị Tâm - phụ trách Khoa PHCN của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, hiện khoa có 2 bác sĩ, 13 kỹ thuật viên và 1 hộ lý, quy mô 51 giường bệnh. Tuy nhiên, số bệnh nhân đang điều trị thực tế cao hơn, hơn 60 bệnh nhân thường ngày. Đặc biệt, cơ sở vật chất khá eo hẹp khi chỉ có 10 phòng bệnh, 1 phòng tập chung, còn thiếu một số máy móc như máy điều trị suy giản tĩnh mạch, đắp sáp parafil, hồ bơi (thủy trị liệu)…

“Đặc thù của khoa là điều trị cho các bệnh nhân tai biến, chấn thương sọ não, cơ xương khớp… là những bệnh hạn chế về vận động. Vì vậy, chúng tôi rất mong được cấp trên quan tâm đầu tư để có thể thực hiện đầy đủ các mảng hoạt động trị liệu, vận động trị liệu, âm ngữ trị liệu và điện trị liệu. Có được như vậy thì chúng tôi sẽ điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân” - bác sĩ Tâm đề xuất.

Nhân sự ngành vật lý trị liệu và PHCN hiện rất mỏng về số lượng, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở; trong khi số lượng bác sĩ PHCN rất hạn chế nhưng thực tế nhu cầu điều trị của người bệnh về vật lý trị liệu và PHCN rất cao. Đại diện Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, thiết bị trong PHCN hiện rất ít, so với lượng bệnh nhân gần như chênh lệch quá lớn. Về nhân lực, nhiều bác sĩ không chọn về khoa PHCN, kỹ thuật viên được đào tạo nhiều nhưng chế độ ưu đãi gần như không có nên chỉ khoảng 20% đi làm PHCN.

Liên kết đào tạo

Tại tuyến y tế cơ sở, đơn cử như TTYT Núi Thành, chuyên ngành PHCN thuộc công tác của Phòng khám đa khoa YHCT-PHCN - chăm sóc sức khỏe sinh sản. Với 2 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên, TTYT Núi Thành đồng thời triển khai hoạt động khám chữa bệnh BHYT, hỗ trợ hoạt động tập luyện PHCN tại đơn vị và tham gia công tác PHCN tại cộng đồng.

Ông Nguyễn Minh Thu - Giám đốc TTYT Núi Thành cho biết, toàn huyện có 5.280 người khuyết tật sinh sống ở 17 xã, thị trấn. Phần lớn người khuyết tật đi lại khó khăn nên sẽ khó cho các kỹ thuật viên hỗ trợ được cho tất cả họ.

“Người khuyết tật đi lại khó khăn nên việc đến cơ sở y tế để được hướng dẫn PHCN còn gặp nhiều hạn chế. Ví dụ như những trẻ liệt nửa người, bại não nằm tại chỗ không đi lại được thì kỹ thuật viên vật lý trị liệu phải đến tận nhà để can thiệp. Nhân lực quá ít nên chỉ có thể đáp ứng chưa đến 25% nhu cầu PHCN từ người khuyết tật. Đồng thời, 2 bác sĩ của trung tâm vẫn chỉ mới đào tạo chuyên môn với thời gian ngắn, chưa được đào tạo chuyên sâu và là công việc kiêm nhiệm nên cũng chưa thể đáp ứng tốt nhất” - bác sĩ Nguyễn Minh Thu cho biết.

z6123156507287_e9667ede8433def781d8703ab88c558d.jpg
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - bỏng - PHCN của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam hiện đang thiếu hụt nhân lực.Ảnh: Đ.H

Báo cáo từ Sở Y tế, Quảng Nam hiện có hơn 500 người gồm bác sĩ PHCN, kỹ thuật viên PHCN công tác tại các đơn vị PHCN tuyến tỉnh, huyện cũng như cán bộ y tế tuyến xã. Đội ngũ nhân lực này phần lớn được đào tạo từ các dự án liên quan PHCN do các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho Quảng Nam.

Tuy nhiên, so với nhu cầu của người dân thì con số này vẫn còn quá ít ỏi, đặc biệt đối với mạng lưới PHCN tuyến xã, khi số người khuyết tật trên toàn tỉnh rất lớn. Đây cũng là khó khăn trên toàn quốc khi mạng lưới các cơ sở PHCN còn ít với 49 bệnh viện PHCN tuyến trung ương, 47 bệnh viện địa phương, một số địa phương đã sáp nhập PHCN với các cơ sở khác...

Đại diện Sở Y tế cho biết, để từng bước bù đắp việc thiếu hụt nhân lực, thời gian tới, đơn vị này sẽ tổ chức các đợt phối hợp giữa cơ sở khám chữa bệnh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Hoạt động này nhằm đào tạo nguồn nhân lực chuyên khoa PHCN hoặc liên kết đào tạo các chức danh chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế, như: kỹ thuật viên vật lý trị liệu, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu, kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu; từng bước đào tạo hoặc liên kết đào tạo chuyển đổi các chức danh y sĩ sang kỹ thuật viên cao đẳng PHCN với các chuyên ngành vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu.

Cạnh đó, Sở Y tế sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế tuyến huyện về khám sàng lọc, phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, kỹ năng chăm sóc, PHCN cho trẻ khuyết tật tại các huyện. Hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm các dạng khuyết tật, chăm sóc, tập PHCN cho người khuyết tật và người nhà...

Nguồn đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực PHCN hiện nay còn khan hiếm. Về lâu dài, cần có kế hoạch đào tạo các trình độ chuyên môn về PHCN, tiếp tục đào tạo lại, đào tạo liên tục để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác PHCN trong tỉnh, đặc biệt về vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu được đặt ra...

Y TẾ TƯ NHÂN NHẬP CUỘC

Nhận thấy nhu cầu phục hồi chức năng (PHCN) của người dân ngày càng tăng, nhiều cơ sở y tế tư nhân đã nhập cuộc, đầu tư máy móc và đội ngũ kỹ thuật viên chuyên sâu...

Khoa YHCT - PHCN của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ được xem là cơ sở y tế tư nhân có hoạt động PHCN sớm nhất khu vực Quảng Nam. Thành lập tháng 9/2015, đơn vị này đã có nhiều kinh nghiệm, góp phần khám và điều trị, tập luyện PHCN cho người dân Quảng Nam và các tỉnh lân cận.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ cho biết, đơn vị xác định PHCN là dịch vụ y tế quan trọng dành cho người khuyết tật và người có vấn đề sức khỏe, bị khiếm khuyết hoặc chấn thương cấp tính hoặc mãn tính, các hoạt động chức năng bị hạn chế, do vậy, khi tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng sẽ góp phần nâng cao sức khỏe.

Hệ thống y tế tư nhân góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc PHCN trên địa bàn Quảng Nam.

Ngay khi thành lập đến nay, các dịch vụ chăm sóc về PHCN luôn được đơn vị này coi trọng. Với chỉ tiêu 26 giường, đơn vị này trang bị các thiết bị kỹ thuật đầy đủ từ máy siêu âm điều trị, máy điện xung, máy kéo dãn cột sống, máy xoa bóp cầm tay, máy xoa bóp áp lực hơi, phòng điều trị Parafin… Đặc biệt, đội ngũ nhân lực có đến 11 nhân viên, trong đó có 3 bác sĩ đều có chứng chỉ hoặc chuyên ngành PHCN, 2 kỹ thuật viên PHCN...

Đẩy mạnh vận động trị liệu là mũi nhọn trong chăm sóc điều trị PHCN của nhiều cơ sở y tế tư nhân. Tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn), những bài tập được bác sĩ PHCN lên liệu trình cho từng trường hợp bệnh nhân.

Bệnh viện Vĩnh Đức đồng thời hợp tác với nhiều bệnh viện, trung tâm y tế, nhà nghiên cứu và các chuyên gia y tế ở nước ngoài để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực điều trị chuyên sâu. Hiện tại, đơn vị này đang áp dụng nhiều chương trình thăm khám, tiếp cận và phát hiện sớm các mô hình bệnh tật khác nhau.

Cùng với các bệnh viện tư nhân, nhiều phòng khám đa khoa hiện nay đầu tư mạnh trong lĩnh vực PHCN. Ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Phòng khám Đa khoa Sống khỏe (TP.Tam Kỳ) cho biết, hiện nay xu hướng chăm sóc sức khỏe liên quan đến các liệu trình về PHCN được người dân chú trọng hơn. Không chỉ dừng lại ở PHCN sau phẫu thuật, việc PHCN điều trị các vấn đề cột sống cũng đang gia tăng.

Bệnh viện Đa khoa Tam Kỳ Sài Gòn với đội ngũ nhân lực PHCN tay nghề cao. Ảnh: T.N

Từ đau vai gáy, đau các đốt sống đến điều trị thoát vị đĩa đệm chẳng hạn, đều có vai trò rất lớn của PHCN. Và thay vì phải tập luyện ở các bệnh viện công, nhiều người lựa chọn các phòng khám đa khoa tư nhân có uy tín và chuyên môn về YHCT - PHCN để điều trị lâu dài.

Quảng Nam hiện có 7 bệnh viện tư nhân, 654 phòng khám tư nhân, trong đó có 32 phòng khám đa khoa. Đa số cơ sở khám chữa bệnh đều thực hiện quyền lợi về BHYT cho bệnh nhân, do vậy, khi người dân đến thăm khám và điều trị đều được đảm bảo quyền lợi của mình.

“Khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân” cũng là mục tiêu ngành y tế Quảng Nam đặt ra để giảm áp lực đối với các cơ y tế công.

Hiện tại, các đơn vị y tế tư nhân đang hợp tác với nhiều tổ chức phi chính phủ cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng trong khu vực hoặc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh sẽ góp phần nâng cao chất lượng trong chăm sóc sức khỏe người dân.

CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CHO TRẺ KHUYẾT TẬT

Phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng đang có nhiều dấu hiệu tích cực với sự chung tay của nhiều dự án, tổ chức quốc tế. Mục tiêu tiếp cận trẻ khuyết tật theo chiến lược PHCN dựa vào cộng đồng, lấy các phòng PHCN tuyến xã làm trung tâm đang từng ngày mang lại niềm vui cho trẻ thơ.

Dự án “Hỗ trợ PHCN và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Nam” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA, tổ chức Medipeace, Bệnh viện Trường Đại học Chonbuk, Quỹ Phát triển châu Á (ADF) tài trợ cho Quảng Nam.

Phòng PHCN tuyến xã

Cậu bé Nguyễn Vương P. (xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành) mắc phải hội chứng down và gặp một số khuyết tật về phát triển. Năm 2021, khi dự án “Hỗ trợ PHCN và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Nam” triển khai, em được hỗ trợ trị liệu tại các phòng PHCN và tại nhà.

Bà Seyoung Son trao tặng các bộ dụng cụ trợ giúp trẻ khuyết tật tại Quảng Nam. Ảnh: X.H

Hơn 1 năm đồng hành và tham gia Phòng PHCN Tam Mỹ Đông, P. đã nói được câu dài, ghi nhớ bảng chữ cái, nhận biết được hình khối, mạnh dạn và thân thiện hơn. Gia đình cũng thường xuyên được hỗ trợ để em đến thăm khám định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (đóng tại Núi Thành). Bác sĩ Lê Viết Hiền - người trực tiếp tham gia đồng hành với dự án hỗ trợ trẻ khuyết tật, cho biết, PHCN tại cộng đồng vô cùng quan trọng trong từng sự thay đổi của trẻ.

Tại Núi Thành, từ tháng 6/2021, TTYT Núi Thành phối hợp với Medipeace tổ chức mở phòng PHCN đầu tiên tại Trạm Y tế xã Tam Quang, sau đó triển khai thêm các phòng PHCN Tam Tiến, Tam Xuân II, Tam Mỹ Đông về can thiệp âm ngữ trị liệu và vật lý trị liệu cho trẻ em bại não, liệt nửa người, tự kỷ, tăng động, down, rối loạn phát triển ngôn ngữ, rối loạn âm lời nói... Dự án này đồng thời hỗ trợ đào tạo 2 kỹ thuật viên, 3 nhân viên y tế thôn bản cho TTYT Núi Thành.

Ngoài thụ hưởng dự án từ tổ chức Mediapeace, Núi Thành cũng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoà nhập (RCI) cung cấp dịch vụ trợ giúp cho người khuyết tật tại các xã vùng ven biển, thực hiện thăm khám sức khỏe sinh sản và tư vấn cho phụ nữ khuyết tật, từ đó hướng dẫn người khuyết tật tiếp cận PHCN.

Trên toàn tỉnh, giai đoạn từ 2021 - 2023, dự án “Hỗ trợ PHCN và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Nam” đã thực hiện hơn 10.000 lượt thăm khám, trị liệu PHCN cho trẻ khuyết tật tại các phòng PHCN và tại nhà, trong đó có 154 trẻ khuyết tật được PHCN thường xuyên tại các Phòng PHCN tuyến xã.

Phòng PHCN tuyến xã cũng là mô hình trọng tâm mà dự án của Hàn Quốc hướng đến. Bà Seyoung Son - Quản lý dự án tại Medipeace chia sẻ, chiến lược PHCN dựa vào cộng đồng, trong đó lấy việc thành lập các phòng PHCN tuyến xã là yêu cầu đầu tiên của dự án. Ngoài tập trung cung cấp các dịch vụ PHCN cho trẻ khuyết tật, dự án của Hàn Quốc chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế làm công tác PHCN, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác ở địa phương thông qua các phòng PHCN tuyến xã.

Dựa vào cộng đồng

Tiếp nối thành công ở giai đoạn 1, từ tháng 3/2024, dự án “Hỗ trợ PHCN và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Nam” giai đoạn 2024 - 2026 tiếp tục vận hành. Dự án cũng được thực hiện tiếp tục tại 4 huyện của Quảng Nam là Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức và Tam Kỳ với kinh phí gần 30 tỷ đồng dành hỗ trợ cho 1.597 trẻ khuyết tật.

z6122352134008_719f1aef93ab9c5a787a967484addd16(1).jpg
Năm 2024, Mediapeace đã trao tặng hơn 100 bộ dụng cụ trợ giúp trẻ khuyết tật cho các địa phương nằm trong dự án. Ảnh: X.H

Bà Seyoung Son cho biết, giai đoạn này sẽ có 11 hợp phần được thực hiện. Từ hỗ trợ tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng tăng cường quyền người khuyết tật các chương trình nâng cao năng lực về PHCN cho phụ huynh trẻ khuyết tật; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ TTYT huyện; tập huấn cho cán bộ trạm y tế; cung cấp chương trình huấn luyện khả năng sinh hoạt hằng ngày cho NKT sẽ được triển khai thường xuyên.

Ngoài ra, hỗ trợ trang thiết bị PHCN và dụng cụ trợ giúp cho trẻ khuyết tật; hỗ trợ cải thiện nhà ở, điều kiện sinh hoạt của trẻ khuyết tật; hỗ trợ vận hành các phòng PHCN tuyến xã và chương trình “thăm khám PHCN” cũng được tăng cường.

Từ 2021 - 2023, dự án đã thành lập 12 phòng PHCN tuyến xã trên 4 huyện; hỗ trợ dụng cụ trợ giúp cho 620 trẻ khuyết tật; can thiệp PHCN tổng cộng 11.379 lượt tập cho trẻ khuyết tật; hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 120 hộ gia đình trẻ khuyết tật...

Trong buổi tổng kết dự án giai đoạn 1 mới đây, ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ dự án đã có những nhóm PHCN đa ngành được thành lập, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng của Quảng Nam có hiệu quả hơn.

Chính việc thành lập các Phòng PHCN tuyến xã cũng như tạo cơ hội tiếp cận chuyên sâu với các kiến thức được tập huấn bài bản từ các chuyên gia tạo nên một đội ngũ tình nguyện viên và cán bộ y tế xã có kiến thức về PHCN cơ bản. Ông Mười cho biết, đây chính là những viên gạch vững chắc cho hệ thống PHCN của Quảng Nam từng bước hoàn thiện. Đối với trẻ khuyết tật, đây là cơ hội để nâng cao vị thế quyền lợi của các em trong xã hội, cải thiện dần chất lượng cuộc sống cho các em.

Nội dung: TÂM THÀNH - ÁNH MINH - LÊ QUÂN - HOÀNG ĐẠO - NGỌC TRẦN

Trình bày: MINH TẠO

TÂM THÀNH - ÁNH MINH - LÊ QUÂN - HOÀNG ĐẠO - NGỌC TRẦN - MINH KHÔI - ĐÔNG YÊN