Quảng Nam tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
(QNO) – UBND tỉnh Quảng Nam ngày 11/12 đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trường học, cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố…
Thực hiện Chỉ thị số 38 ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; đồng thời nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong thời gian đến, nhất là dịp Tết Dương lịch 2025, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường triển khai một số biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, Sở Y tế tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, bất cập (nếu có); thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác này tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu du lịch... nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch..., hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thức ăn đường phố, đặc biệt chú trọng các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động.
Chỉ đạo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp giám sát các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, thông tin và cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, độc tố tự nhiên...; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, lưu ý tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra đột xuất, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Chỉ đạo các cơ sở y tế cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; chủ động và kịp thời hỗ trợ các địa phương xử lý, khắc phục hậu quả ngộ độc thực phẩm.
Các sở, ngành, địa phương toàn tỉnh thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế trong điều tra nguyên nhân; chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.