Khuyến công thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn
(QNO) - Hoạt động khuyến công trên địa bàn Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực, thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn gắn với thị trường tiêu thụ.
Hỗ trợ thiết thực
Các sản phẩm từ quế như tinh dầu quế, dầu xoa bóp, nước súc miệng, nước rửa tay, nước vệ sinh phòng, bình xịt đa năng, trà túi lọc… của Hợp tác xã Quế Trà My Minh Phúc (HTX Minh Phúc) đã đạt chuẩn OCOP 4 sao, đang trình Trung ương để nâng lên thành sản phẩm OCOP 5 sao.
Bà Nguyễn Thị Việt - Giám đốc HTX Minh Phúc cho biết, các loại hàng hóa từ quế của HTX có thị trường ổn định ở khắp các tỉnh, thành cả nước, có mặt ở thị trường Ấn Độ, Hà Lan, Hàn Quốc.
Theo bà Việt, ngoài nỗ lực phấn đấu không ngừng của HTX thì hỗ trợ đầu tư máy móc nấu tinh dầu quế của Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại tỉnh (400 triệu đồng) và hỗ trợ đầu tư máy làm trà túi lọc của ngành công thương huyện Bắc Trà My (200 triệu đồng) đã tạo động lực phát triển cho HTX.
“Tiền thân của HTX Minh Phúc là cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ không đủ vốn đầu tư nâng tầm quy mô sản xuất kinh doanh. Nhờ tiếp sức từ vốn hỗ trợ khuyến công của các ngành công thương tỉnh, huyện, chúng tôi có điều kiện cần để nâng quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến mẫu mã, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường” - bà Việt nói.
Hầu hết các chủ thể sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh khi đã tiếp cận vốn hỗ trợ khuyến công đều tạo được dấu ấn sản xuất kinh doanh. Như các sản phẩm dầu thực vật, dầu mè đen của HTX Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) đã có mặt ở khắp các thị trường trong nước, xúc tiến xuất khẩu.
“Trong xu thế tất yếu của các mạng công nghiệp 4.0, nếu không đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại thì sản phẩm sẽ không có chỗ đứng trên thị trường. Nguyên nhân đơn giản là chi phí sản xuất quá cao thì sản phẩm không thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại được sản xuất rẻ hơn. Đó là chưa nói chất lượng sản phẩm, năng suất, sản lượng hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc” - ông Phan Văn Huệ, Giám đốc HTX Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm cho biết.
Theo ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam, chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hướng tích cực. Khuyến công tạo điều kiện để tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng việc làm cho lao động, cải thiện thu nhập. Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, giúp công nghiệp nông thôn sản xuất ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiếp tục tạo đòn bẩy phát triển
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn Quảng Nam vẫn còn những khó khăn. Quy mô sản xuất của các cơ sở công nghiệp nông thôn còn quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn chưa cải tiến máy móc, thiết bị, công nghệ để nâng tần sản xuất kinh doanh. Các cơ sở còn sản xuất riêng lẻ, thiếu gắn kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh nên khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, hiệu quả kinh tế chưa như kỳ vọng.
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam cho biết, để tháo gỡ khó khăn nói trên, thông qua các chương trình khuyến công, Quảng Nam tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn đầu tư đổi mới dây chuyền công, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Ngành chức năng sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến công, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Ngành khuyến công thường xuyên nắm bắt thông tin, cập nhật các công nghệ thiết bị mới để tư vấn hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cũng như tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm sản xuất mới ở các tỉnh, thành cả nước nhằm ứng dụng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo Sở Công Thương, hoạt động khuyến công Quảng Nam thời gian đến sẽ kết hợp chặt chẽ với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, kết nối đối tác thêm đầu ra cho sản phẩm công nghiệp nông thôn. Ngành công thương sẽ tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước làm cầu nối để các doanh nghiệp, cơ sở đến với nhau, quảng bá phát triển thương hiệu sản phẩm, rộng đường tiêu thụ hàng hóa.
Sở Công Thương kiến nghị Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) quan tâm hỗ trợ kinh phí, phê duyệt và bổ sung thêm các đề án khuyến công quốc gia giúp Quảng Nam phát triển hoạt động khuyến công cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp nông thôn của tỉnh.
Từ nguồn khuyến công Quảng Nam, năm 2024, Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại đã hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho 5 cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn với tổng giá trị hỗ trợ là 830 triệu đồng.
Đó là hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất dầu phộng tại hộ kinh doanh Châu Văn Cư (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ); hỗ trợ máy móc trong sản xuất bánh tráng, phở tại Hộ kinh doanh Võ Tấn Hải (xã Bình Trị, Thăng Bình), hỗ trợ máy móc trong sản xuất bánh đậu xanh tại Cơ sở bánh đậu xanh Mỹ Khánh (xã Tam Thành, Phú Ninh), hỗ trợ máy móc sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại HTX Nông nghiệp Lộc Thượng (xã Quế Long Quế Sơn); hỗ trợ máy móc sản xuất rượu dược liệu tại Công ty TNHH Sâm Trúc Nam Trà My (xã Tam Phú, Tam Kỳ).