Viết về đề tài chiến tranh cách mạng

Trước ngày trở thành chiến sĩ Giải phóng quân

NGUYỄN SỸ LONG 16/12/2024 08:47

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Trung Thu - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những thành viên Tổ du kích thiếu niên thôn 6 (xã Bình Dương) gan dạ, không quản nguy hiểm, hy sinh bảo vệ du kích trong những trận càn ác liệt của Mỹ - ngụy năm 1968 ở vùng Đông Thăng Bình.

Gan dạ Tổ du kích thiếu niên

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, trên chiến trường Khu 5 nói chúng, Quảng Nam nói riêng, quân Mỹ - ngụy ra sức đàn áp phong trào cách mạng. Đội du kích thiếu niên xã Bình Dương chịu nhiều tổn thất sau những đợt càn quét của địch.

Tháng 2/1968, địch càn tại thôn 6, xã Bình Dương. Chúng huy động lính Sư đoàn thủy quân lục chiến số 3 kết hợp với Trung đoàn 51, Trung đoàn 56 của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín để càn quét, tìm diệt bộ đội, du kích vùng Đông huyện Thăng Bình.

Để thoát khỏi vòng vây, khoảng 4 giờ chiều, sáu du kích của xã bạn sang trú ẩn tại xã Bình Dương rời hầm bí mật di chuyển sang xã Xuyên Phước (nay là xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên). Muốn đến Xuyên Phước, du kích phải vượt qua trảng cát mới đến rừng dương liễu.

Nhằm bảo vệ cho du kích xã bạn vượt qua trảng cát an toàn, Tổ du kích thiếu niên thôn 6 gồm có tôi (Trung tướng Nguyễn Trung Thu - NV) và hai đồng chí nữ là chị Hòa và Hoa bí mật theo dõi, sẵn sàng chiến đấu chi viện. Sáu người chia thành hai tổ, khi tổ thứ nhất vừa chạy đến trảng cát thì bị bọn lính Mỹ từ bên trái ngắm bắn khiến cả ba người hy sinh.

Trên trời, chiếc máy bay trinh sát OV-10 bay vè vè thăm dò mục tiêu. Biết rằng nổ súng sẽ bị bọn trên máy bay phát hiện nhưng vì cứu đồng đội nên tôi không kịp suy nghĩ mà nện luôn một băng AK vào toán lính Mỹ vừa bắn chết ba người du kích của ta.

Tổ du kích còn lại biết là bị lộ, nhanh chóng lui về hầm bí mật. Chúng tôi cũng rút về phía sau. Lúc này, tôi mới thực sự phát hiện ra mối hiểm nguy đang rình rập.

Tôi bình tĩnh nói với các bạn: “Chúng ta sai lầm nguy hiểm quá, phải gấp rút chuẩn bị phương án đánh trả. Bởi vì máy bay OV-10 là loại máy bay trinh sát, lâu nay bọn lính Mỹ dùng loại này chỉ mục tiêu để đám không quân và pháo binh đánh phá mình.

Bây giờ chúng chuyển sang dẫn bọn mặt đất đi phục. Chúng sẽ lần theo dấu chân trên cát của chúng ta, trong tối nay hoặc ngày mai ta sẽ bị chúng tìm ra.

Mình chỉ còn đường ra biển, lội dọc theo mép biển, thoát khỏi nơi này càng nhanh càng tốt. Chúng ta sẽ đi tới vùng Xuyên Phước, Duy Xuyên nơi địch đang bắn pháo cấp tập vô đó”. Nghe tôi nói xong, hai người gật đầu đồng ý với phương án của tôi.

Trở về từ cửa tử

Sau khi thống nhất phương án, ba chị em ngụy trang để khi trườn trên cát khỏi lộ mục tiêu. Tôi đi trước dò đường, tiếp theo là chị Hòa và Hoa. Chúng tôi trườn khoảng 100m mới xuống được mép biển.

Sau đó, chúng tôi lội ra chỗ nước biển cao ngang cổ mới có thể an toàn vì tàu ngoài khơi rọi vào cũng không thấy, địch trên bờ cũng không phát hiện ra. Lúc này, tôi hướng dẫn hai chị em: “Chỗ có pháo bắn là không có địch, chị em mình cứ nhằm hướng đó đi tới thế nào cũng gặp dân và gặp du kích”.

Khi ba chị em vừa đến mép bờ những tưởng đã được an toàn thì bất ngờ một quả pháo nổ gần nơi chúng tôi đang đứng. Một mảnh đạn văng trúng người khiến chị Hòa bị thương rất nặng. Tôi dìu chị lên bờ rồi khẩn trương lấy chiếc áo may ô của mình, đem thấm nước biển để sát trùng rồi băng bó cho chị.

Sau đó, tôi và Hoa thay nhau cõng chị Hòa đi sâu vào đất liền một lúc lâu mới gặp được dân và gặp y tá xã Xuyên Phước. Lúc này, tôi mới dám tin chắc mình đã sống sót. Du kích Xuyên Phước bố trí chúng tôi vào ở chung trong một căn hầm bí mật với bốn người khác.

Chị Hòa được y tá chăm sóc vết thương cẩn thận nên cũng nhanh hồi phục. Trong điều kiện chiến tranh, Xuyên Phước cũng như Bình Dương, đều bị địch đánh phá ác liệt. Đời sống của nhân dân và du kích xã bạn cũng rất khó khăn. Vì vậy, bữa ăn hằng ngày của chúng tôi chỉ có gạo rang và nước lã.

Biết là hai chị em thèm cơm nhưng tôi phải ngăn không cho nấu. Vì chỉ cần bọn tề điệp phát hiện khu vực này có người thì nhất định bọn lính Mỹ, lính ngụy sẽ tìm ra hầm bí mật.

Chúng tôi cầm cự đến hết ngày thứ chín thì bốn anh du kích xã Xuyên Phước quyết định lên khỏi hầm bí mật để về làng. Các anh bảo sau khi nắm tình hình sẽ trở lại đón chúng tôi.

Không ngờ, khi họ vừa lên khỏi hầm bí mật khoảng năm phút thì có tiếng súng nổ như bắp rang. Sau đó, bốn ngày trôi qua, chúng tôi không thấy ai ra đón. Tôi linh cảm có thể các anh ấy đã bị địch phục kích hy sinh hết nên động viên hai chị em tiếp tục cầm cự.

Đến ngày thứ 13, sức lực của chúng tôi đã cạn kiệt. Trong ánh sáng mờ ảo, tôi quan sát thấy trong hầm chỉ còn tôi và chị Hòa. Lúc đó, tôi nghĩ rằng có thể Hoa không chịu được đã rời hầm thoát ra. Chỉ còn hai chị em, chúng tôi xác định nếu bị lộ sẽ chấp nhận chiến đấu hy sinh chứ không để rơi vào tay giặc.

Đến ngày thứ 16, biết chắc địch đã rút đi, tôi và chị Hòa mới lên khỏi hầm tìm đường về xã Bình Dương. Sau này nghĩ lại, tôi vẫn không thể hình dung được vì sao mà mình có thể sống sót được sau 16 ngày chỉ có gạo rang và nước lã cầm hơi.

Trở về từ cửa tử, tôi tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng nhưng trong đầu đã có những suy nghĩ khác. Tôi nghĩ rằng muốn giết được nhiều giặc, tôi phải đi bộ đội để trực tiếp chiến đấu trên chiến trường. Sau khi xin phép và được ba tôi đồng ý, 17 giờ ngày 31/5/1968, tức ngày 5 tháng 5 năm Mậu Thân, tôi lên đường nhập ngũ.

Sau một tuần đi đường, tôi chính thức trở thành người chiến sĩ của Sư đoàn Bộ binh 2, Quân khu 5 khi vừa tròn 15 tuổi. Một người chiến sĩ “không số hiệu quân nhân” với vóc dáng cao khoảng một mét rưỡi, nặng ba mươi cân.

(Ghi theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Trung Thu)

NGUYỄN SỸ LONG