Hiệu quả liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở Điện Bàn
Năm 2024, thị xã Điện Bàn có 12 HTX nông nghiệp liên kết sản xuất lúa, bắp giống với 23 công ty, doanh nghiệp trong cả nước, hiệu quả tăng gấp 1,2 lần so với sản xuất thương phẩm, qua đó đóng góp chung vào sự phát triển của ngành nông nghiệp địa phương.
Các bên được hưởng lợi
Vụ hè thu vừa qua, Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn tổ chức liên kết với hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn thị xã trồng gần 100ha lúa giống. Với phương thức cung cấp giống, phân kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, mô hình liên kết này đã mang lại lợi ích rất lớn cho cả người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Kiệt - Giám đốc Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn, với cách liên kết trên, người dân được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt năng suất lúa cũng tăng cao hơn 10-15% so với cách thức canh tác thông thường. Hầu như mọi khâu đều có máy móc cơ giới làm hết, nên nông dân giảm công lao động đáng kể.
Thực tế cho thấy, liên kết trong hoạt động sản xuất nông nghiệp giữa hộ nông dân, HTX với doanh nghiệp được xem là hướng đi giúp nâng cao giá trị sản phẩm.
Năm 2024, trên địa bàn thị xã có 12 HTX nông nghiệp liên kết sản xuất giống với 23 công ty, doanh nghiệp trong cả nước, tổng diện tích gần 1.079ha lúa giống và 26ha bắp giống, hiệu quả tăng gấp 1,2 lần so với sản xuất lúa, bắp thương phẩm. Bên cạnh liên kết trồng lúa còn có thể kể đến mô hình liên kết sản xuất bắp giống tại xã Điện Trung, phường Điện Thắng Nam, Điện Hồng (HTX Nông nghiệp Điện Hồng I)…
Đặc biệt, ở lĩnh vực chăn nuôi, việc liên kết bao tiêu sản phẩm giữa người dân, doanh nghiệp cũng mang lại nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là việc Công ty Thiên Gia miền Trung liên kết cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm bò 3B tại xã Điện Phong mỗi năm hơn 200 con.
Ông Phạm Dũng - thôn Bến Đền, xã Điện Quang cho biết, với đặc tính cơ bắp phát triển siêu trội, sức đề kháng tốt, sản lượng thịt cao, chuồng trại đơn giản, dễ nuôi, tăng trưởng nhanh, giống bò 3B trở thành con vật nuôi tạo thu nhập tốt cho nông dân.
Với giá đầu vào 17-20 triệu đồng/con bò giống, sau 12 tháng nuôi có thể xuất bán với giá 40-45 triệu đồng, lãi khoảng 8-10 triệu đồng/con; một số hộ chăn nuôi đàn sau khi trừ chi phí lãi khoảng 100-200 triệu đồng/ năm. Với 15 sào cỏ trồng và 10 sào cây bắp lai gia đình ông Phạm Dũng nuôi 20 con bò 3B từ việc tận dụng nguồn thức ăn tinh và phế phẩm cây bắp như thân, lá…
Thúc đẩy nông nghiệp phát triển
Năm 2024, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp thị xã đạt hơn 1.752 tỷ đồng, tăng 2,07%. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp hơn 1.597 tỷ đồng, tăng 2,95% so với năm 2023.
Cụ thể, tổng sản lượng cây lương thực có hạt cả năm đạt 84.000 tấn, đạt 111,64% kế hoạch và bằng 104,25% so với cùng kỳ. Riêng cây lúa có diện tích gieo trồng hơn 10.847ha, năng suất bình quân 64,19 tạ/ha (tăng 2,84 tạ/ha), tổng sản lượng 69.631 tấn.
Cạnh đó, việc đa dạng mô hình sản xuất và liên kết đã mang lại nhiều kết quả tích cực, như mô hình sản xuất lúa lai tại xã Điện Hồng (tổng diện tích 48,7ha) hay xã Điện Thọ với các mô hình bắp nếp tươi (10ha), sản xuất thuốc lá (13ha), sản xuất lúa hữu cơ (15ha) đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, có thể kể đến mô hình sản xuất bắp giống và bắp nếp tại phường Điện Minh (tổng diện tích 30ha), năng suất 70 tạ bắp tươi/ha, cho thu nhập 65-80 triệu đồng/ha/vụ...
Ông Lê Văn Ngọ - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi, việc triển khai các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa, bắp đồng bộ (làm đất, gieo trồng, chăm sóc cây trồng, thu hoạch, vận chuyển...) đã giúp giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất cây trồng.
Thống kê cho thấy, các biện pháp thâm canh sản xuất nông nghiệp đã giảm được 15% chi phí, năng suất các vụ trên diện tích cây màu tăng từ 10-15% so với phương pháp truyền thống.
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, ngành nông nghiệp tăng trưởng đã tạo động lực, tác động mạnh mẽ, kích thích kinh tế, xã hội địa phương phát triển.
Năm 2025 thị xã sẽ thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra. Trong đó, sẽ tập trung thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời triển khai Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đô thị Điện Bàn giai đoạn 2022 - 2026 gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, tăng cường xúc tiến đầu tư, liên doanh, liên kết, chuyển giao khoa học công nghệ đối với sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm và thủy sản hơn 2%/năm.