Cần định hướng cụ thể trong phát triển kinh tế vườn – kinh tế trang trại
(QNO) - Hôm nay 16/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu và Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Vũ chủ trì hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 35 (ngày 29/9/2021) của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại (KTV – KTTT) trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trong 3 năm qua (2022 – 2024), tổng nguồn kinh phí đầu tư phát triển lĩnh vực KTV - KTTT trên toàn tỉnh là gần 219 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 108 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện gần 47 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình và dự án hơn 434 triệu đồng và vốn đối ứng của người dân xấp xỉ 57,4 tỷ đồng…
Từ nguồn ngân sách hỗ trợ của các cấp, sự đầu tư của nhân dân, đến nay số vườn được hỗ trợ là 1.713/24.850 vườn theo kế hoạch. Tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ riêng cho KTV là hơn 30 tỷ đồng. Nhìn chung, các chủ vườn ngày càng chú trọng đầu tư phát triển mô hình; lựa chọn giống cây trồng có chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình V, VAC, VACR cho hiệu quả kinh tế cao với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, đến nay toàn tỉnh có khoảng 214 vườn có tiềm năng kết hợp với phát triển du lịch, 1.600 vườn tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đối với KTTT, trong 3 năm qua đã hỗ trợ 20/184 trang trại theo cơ chế của Nghị quyết số 35 với tổng kinh phí từ ngân sách tỉnh là hơn 4,7 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 757 triệu đồng và vốn đối ứng từ chủ trang trại là hơn 8,2 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, các chủ trang trại được đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ thiết kế, cải tạo mặt bằng làm trang trại, xây dựng hạ tầng sản xuất…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá cao những nỗ lực của ngành liên quan và chính quyền các địa phương trong việc triển khai cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh những năm qua. Đồng thời đề nghị, thời gian tới các cấp, ngành cần chú trọng công tác quy hoạch, tích cực hỗ trợ người dân trong việc định hướng và xây dựng phương án phát triển mô hình KTV – KTTT.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các cấp cần quan tâm phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về KTV – KTTT. Thường xuyên quan tâm theo dõi, giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh, đảm bảo đúng quy định. Trong phát triển KTV – KTTT, cần chú trọng phát triển các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, nhất là tại các huyện miền núi. Phát triển KTV – KTTT cần kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn.
Đặc biệt, quan tâm phát triển KTV – KTTT theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung để tạo ra sản lượng nông sản lớn; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và kết nối đối tác tiêu thụ…