Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 207, dấu ấn trong lòng dân
(QNO) - Những năm qua, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 207, Quân khu 5 luôn bám dân, bám bản thực hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, đảm đời sống an sinh xã hội cho nhân dân với mục tiêu lâu dài của quốc phòng, an ninh, hình thành cụm làng xã biên giới; tạo vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Vượt khó bám bản làng
Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, Đại tá Trần Văn An - nguyên Đoàn trưởng cho biết: Do địa bàn rộng, đóng quân phân tán, giao thông khó khăn; điện lưới, nước sạch, thông tin liên lạc chưa có; nguồn vốn hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ của dự án; phương tiện, thiết bị thiếu đồng bộ…
Đoàn đã tích cực, chủ động tập trung ưu tiên xây dựng các hạng mục công trình quan trọng, có tính cấp thiết như công trình giao thông, thủy lợi, khai hoang đồng ruộng, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học và các công trình thiết yếu khác.
Ông Blinh Hiền, người có uy tín thôn Pa Lan, xã La Ê tâm sự: "Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 207 (KT-QP 207) đã gắn bó với bà con nơi đây bằng những tình cảm trân quý và bà con nơi đây rất tin tưởng và phấn khởi với những đóng góp của đoàn đối với sự phát triển hôm nay của thôn và xã La Ê. Chúng tôi luôn coi những người lính nơi đây như những người con thân yêu trong gia đình" - ông Hiền nói.
Nhiều mô hình hiệu quả
Theo Thượng tá Phạm Thanh Hiếu - Phó Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 207, với phương châm “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, hướng dẫn để nhân dân làm theo”, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đã triển khai các tổ, đội sản xuất và phân công trí thức trẻ tình nguyện thực hiện 4 cùng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào địa phương"; tích cực tuyên truyền vận động nhân dân sản xuất theo phương pháp mới; khơi dậy tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm từng bước thoát nghèo bền vững.
“Đến nay, chúng tôi đã triển khai hàng chục mô hình khuyến nông, khuyến lâm hiệu quả; đưa giống mới có năng suất cao vào trồng trọt, chăn nuôi; tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ; từng bước hình thành, phát triển vùng nông sản mang tính hàng hóa. Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi bò nhóm hộ, hỗ trợ hơn 200 con bò sinh sản cho 10 nhóm hộ với 100 hộ dân. Mỗi nhóm chọn một người có uy tín làm nhóm trưởng chịu trách nhiệm phân công chăm sóc, chấm công từng hộ tham gia lao động để phân chia lợi nhuận...
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, những năm qua; Đoàn KT-QP 207 đã đề xuất phương án triển khai “ngân hàng bò”. Nghĩa là, bò giống được đơn vị chăn nuôi qua nhiều thế hệ, khi chúng thích nghi với điều kiện môi trường, thời tiết khắc nghiệt vùng cao biên giới này, sau đó hỗ trợ cho bà con.
Đại tá Đặng Quang Trung, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 207 thông tin, 15 năm qua, đơn vị đã hoàn thành xây dựng 46 hạng mục cơ sở hạ tầng trong vùng dự án, với kinh phí hơn 102 tỷ đồng (gồm 2 điểm trường tiểu học, 8 điểm trường mẫu giáo, 1 nhà bán trú, 3 trạm y tế, 1 nhà văn hóa xã, 13,2km đường giao thông kiên cố miền núi, 1 đập thủy lợi, 2 hệ thống cấp nước sạch, cải tạo 7,8ha ruộng lúa nước, 25ha ruộng màu và các cơ sở hạ tầng khác…).
“Đồng hành, hỗ trợ địa phương và nhân dân vùng biên giới, Đoàn đã xây dựng được 10 mô hình trồng trọt gồm 30ha chanh không hạt, cam vinh, bưởi da xanh; 40ha lúa nước, ngô lai; tăng diện tích cỏ VA06, sắn, đẳng sâm, ba kích tím; 3 mô hình chăn nuôi bò, dê, lợn, dúi… Đơn vị trực tiếp hỗ trợ 750 hộ nghèo phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức nuôi trồng của đồng bào, tạo thêm việc làm tại chỗ, đưa giống mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, chăn nuôi. Sự tham gia của 132 lượt đội viên trí thức trẻ tình nguyện cùng đơn vị góp phần tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình sản xuất, chuyển giao kỹ thuật nuôi, trồng cho nhân dân và tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh” - Đại tá Trung thông tin thêm.
Đoàn thường xuyên phối hợp với các trạm y tế tổ chức khám và điều trị miễn phí cho hơn 70.000 lượt người dân ở các xã vùng biên giới, với số tiền hơn 4 tỷ đồng, tổ chức 32 đợt lưu động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 10.000 lượt người dân, cấp cứu và chuyển tuyến hàng trăm ca bệnh nặng, bảo đảm an toàn...
Cùng với đó, đã tham gia 7 đợt khám bệnh, cấp thuốc cho 4.284 lượt người và tặng trên 800 suất quà với số tiền trên 600 triệu đồng cho nhân dân các bản giáp biên giới của huyện Kà Lừm và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông/Lào nhân dịp Tết Bunpimay hằng năm, góp phần xây dựng và giữ vững một vùng biên cương bình yên, phát triển.