Dấu ấn nơi "cổng trời" Tây Giang
Phát huy truyền thống cách mạng, quân và dân huyện Tây Giang luôn là ngọn cờ đầu, trở thành điển hình trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng quân đội vững mạnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự huyện Tây Giang cho biết, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, vùng đất Tây Giang là căn cứ địa cách mạng vững chắc ở miền núi với những cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân địa phương.
Di tích địa đạo A Xoò (xã A Nông); các đồn A Ró (xã Lăng), T’râm (A Xan), Zơ Mớ (A Tiêng)... được xem như chứng tích chiến tranh, ghi dấu ấn về một thời đấu tranh ngoan cường của quân và dân Tây Giang.
“Bằng tất cả sức người, sức của, cán bộ chiến sĩ và cộng đồng người Cơ Tu ở Tây Giang đã vùng lên bám đất giữ làng, đấu tranh giành độc lập. Rất nhiều địa phương cấp xã và cá nhân tiêu biểu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân. Kết quả đó, đã phản ánh rõ nét tinh thần chiến đấu anh dũng, hy sinh máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước” - ông Bhling Mia chia sẻ.
Toàn LLVT huyện Tây Giang có 10 tập thể và 8 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 30 trường hợp được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang các hạng. Từ năm 2019 - 2024, LLVT huyện Tây Giang được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng danh hiệu Đơn vị vững mạnh toàn diện; năm 2019 và 2023 đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng...
Truyền thống quân dân
Được xây dựng và trưởng thành ở địa bàn chiến lược, nằm phía tây của tỉnh, quá trình đấu tranh giành độc lập, quân và dân Tây Giang để lại nhiều chiến công hiển hách, với những trận đánh mưu trí, ngoan cường khắp bản làng người Cơ Tu. Với truyền thống cách mạng, suốt chặng đường lịch sử đấu tranh, hàng nghìn người con Tây Giang xung phong lên đường nhập ngũ, dang rộng tấm lòng đùm bọc, che chở và nuôi giấu cán bộ.
Thượng tá Lê Huy Đông - Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Tây Giang nói, chính sự đồng hành son sắt ấy giúp quân và dân Tây Giang làm nên lịch sử, đóng góp rất lớn sức người, sức của cho cách mạng suốt thời kỳ đấu tranh gian khổ.
“Nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quân và dân Tây Giang đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Tiêu biểu là những đóng góp cho nhiệm vụ bảo vệ, tham gia mở tuyến đường 559 - đường Hồ Chí Minh huyền thoại giúp cung cấp binh lực và vật chất hậu cần, vũ khí trang bị để bộ đội chi viện cho quân giải phóng miền Nam” - Thượng tá Lê Huy Đông cho hay.
Địa đào A Xoò nằm dưới chân núi Bha Nơm - nơi từng ghi nhận nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần yêu nước của cộng đồng Cơ Tu cho cách mạng - nay vẫn nguyên vẹn với nhiều chứng tích lịch sử quan trọng.
Già làng Alăng Đàn - nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang cho biết, vào những năm 1968 - 1970, chiến tranh ngày càng ác liệt, máy bay B52 của Mỹ liên tục ném bom rải thảm hòng cắt đứt con đường chi viện của ta từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam.
Để đối phó với kẻ thù, người dân và bộ đội công binh cùng nhau đào hầm trú ẩn. Thời gian sau, do bom Mỹ ngày càng ác liệt nên bộ đội và người dân phải đào hầm xuyên núi để dễ trú ẩn và đi lại, phục vụ kháng chiến...
Theo dấu chân cha ông
Bước ra từ khói lửa, quân và dân Tây Giang đồng lòng vượt khó khăn, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt là tập trung xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, cùng nhân dân ra sức thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tá Võ Bá Lộc - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tây Giang cho hay, nhiều năm qua, đặc biệt là sau thời điểm tái lập huyện vào năm 2003, LLVT huyện Tây Giang đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường “thế trận lòng dân” vững chắc.
Đồng thời chủ động giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa.
Ghi khắc dấu chân cha ông, bên cạnh phát huy vai trò nòng cốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ và đồng bào Tây Giang làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng, đặc biệt là ngoại giao nhân dân với các huyện Kạ Lừm, Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào), tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn giáp biên.
Với tinh thần người lính, cán bộ chiến sĩ LLVT huyện Tây Giang đã không quản ngại khó khăn gian khổ, vượt qua hiểm nguy trong phòng chống thiên tai và dịch bệnh, cùng sát cánh nhân dân trong mọi hoàn cảnh... Hình ảnh ấy, đã góp phần tô thắm thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ghi dấu ấn đẹp trong lòng đồng bào địa phương nơi “cổng trời” Tây Giang...