Thu phí rác thải nhựa: Từ thí điểm đến triển vọng nhân rộng
(QNO) - Chiều 16/12, tại TP.Hội An, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phối hợp Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) tổ chức tổng kết chương trình đối tác chiến lược giai đoạn 2020 - 2024, trong đó có dự án thí điểm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa triển khai tại TP.Hội An.
Thí điểm tại phường Cẩm Nam
Tháng 6/2020, IUCN và PRO Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) và sau đó là thỏa thuận đối tác chiến lược. Mục tiêu chính của thỏa thuận là xây dựng các dự án thí điểm tại địa phương, tập trung vào thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với ba hợp phần chính gồm: Xây dựng và triển khai các sáng kiến thí điểm tại địa phương về quản lý giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế tuần hoàn; Thúc đẩy các hoạt động thực hành tốt và chia sẻ bài học kinh nghiệm hỗ trợ chính sách; Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 2020 - 2024, chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực trong giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam nói chung và thành phố Hội An nói riêng với hợp phần dự án thí điểm quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân tại phường Cẩm Nam.
TS. Kiều Thị Kính - đại diện Trung tâm Xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững (BUS) lý giải, Hội An có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện hợp phần của dự án khi đã thực hiện phân loại rác thải nguồn từ trước, hệ thống thu gom các loại rác có xe phân loại riêng và sự đồng hành tích cực từ phía chính quyền địa phương.
Tại phường Cẩm Nam việc triển khai thí điểm được thuận lợi do địa phương này như một "ốc đảo" trong lòng thành phố Hội An nên lượng rác vào ra được cân đo đong đếm dễ dàng hơn các xã, phường khác.
"Qua kiểm toán, trước năm 2022, tỷ lệ phân loại rác ở phường Cẩm Nam, ở một số thời điểm thấp nhất chỉ đạt khoảng 45%. Sau khi triển khai hợp phần, đến năm 2024 tỷ lệ phân loại rác rất chặt chẽ tăng lên 72%. Còn nếu tính phân loại tương đối sơ sài thì con số này phải lên 90%" - TS. Kiều Thị Kính nói thêm.
Cạnh đó, tỷ lệ người dân Cẩm Nam tham gia chương trình thu phí đúng quy định trong việc mua và sử dụng túi rác thực phẩm đạt 55% trong tổng số hộ dân, còn mua và sử dụng túi rác sinh hoạt còn lại đạt 67% tổng số hộ của phường.
Càng phấn khởi hơn, với sự hỗ trợ của dự án, mô hình tổ cộng đồng bảo vệ môi trường phường Cẩm Nam vừa mới đoạt giải Nhì cuộc thi Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững do Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT) tổ chức.
Tiến tới nhân rộng
Theo TS. Kiều Thị Kính, qua các con số phân tích khi triển khai dự án tại phường Cẩm Nam thì mô hình này có khả năng nhân rộng. Bởi ở giai đoạn thử nghiệm việc triển khai vấp phải nhiều thách thức, trong đó khó khăn lớn nhất là người dân có quyền từ chối, không tham gia mà không phải chịu chế tài ràng buộc nào.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, không chỉ trong phạm vi dự án, từ lâu TP.Hội An đã đồng bộ triển khai các biện pháp để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Khoảng 30% lượng rác phát thải những năm qua ở Hội An đến từ hoạt động du lịch. Do đó, trước hết các bên liên quan cần cố gắng kéo giảm phát thải, nếu không thì không thể giải quyết căn bản vấn đề. Hiện đã có một cộng đồng nhỏ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cam kết chung tay giảm phát thải nhựa, hướng tới kinh tế tuần hoàn.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ về kết quả khi triển khai dự án tại phường Cẩm Nam và khả năng nhân rộng trong thời gian tới:
"Hội An cũng chuẩn bị triển khai thí điểm xây dựng 2 tuyến phố văn minh thương mại ở đường Trần Phú và đường Nguyễn Thị Minh Khai - 2 trục trọng điểm về du lịch. Hai tuyến phố này cũng sẽ gắn với mục tiêu giảm thiểu túi ny lông cũng như nói không với nhựa một lần. Nếu thành công thì sẽ tiếp tục mở rộng" - ông Nguyễn Thế Hùng cho biết.
Theo ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN-MT Quảng Nam, từ khi có Luật Bảo vệ môi trường vào năm 2020 thì tỉnh rất quan tâm đến việc quản lý rác thải nhựa nói riêng và xử lý chất thải rắn nói chung.
Sở TN-MT đã xây dựng, tham mưu cho tỉnh kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn và đang triển khai trên tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Trong kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn, Sở TN-MT có đề nghị TP.Hội An phối hợp thực hiện lồng ghép với dự án của IUCN và PRO Việt Nam, tức là hướng đến người gây ô nhiễm phải trả tiền theo khối lượng.
Sở đang tích cực hỗ trợ thành phố Hội An để tính toán lại việc phân loại rác thải tại nguồn, tính tiền theo khối lượng. Nếu triển khai tại Hội An thành công thì sẽ tiếp tục nghiên cứu nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Thời gian đến, Sở TN-MT cùng các bên liên quan sẽ xây dựng lộ trình đầu tư nghiên cứu, phối hợp triển khai việc giảm thiểu dần túi ny lông ở các chợ đầu mối, siêu thị, hộ gia đình. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến thu gom vận chuyển và xử lý.
Hiện nay, kinh phí thu gom vận chuyển thu phí từ người dân, còn nhà nước bỏ kinh phí xử lý. Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng đơn giá thu gom, vận chuyển phù hợp và khả thi khi đưa vào thực tế để người dân đồng thuận"
Ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN-MT