Mà Cooih với tín dụng chính sách xã hội
(QNO) - Những năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho người nghèo ở xã Mà Cooih (Đông Giang) có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nhằm chủ động đầu tư phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo.
Tiếp cận được vốn tín dụng chính sách
Tại thôn A Sờ (xã Mà Cooih), chị Hốih Thị Hoa được biết là người phụ nữ chịu thương chịu khó, dám nghĩ dám làm. Sau bao ngày vất vả trồng và chăm sóc, những cây ăn quả trong khu vườn rộng khoảng 900m2 bắt đầu sinh trưởng, trong đó cây bưởi và cây ổi đã cho quả. Lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng chị chăn nuôi thêm gà, vịt
Ngoài ra, gia đình thả nuôi cá diêu hồng, cá chép, cá trắm cỏ; trồng 1ha keo lai. Trừ công bỏ ra, mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Nhưng để có nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, hộ chị vay 100 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm.
Bà Nguyễn Thị Kim Nhựt - Phó Chủ tịch UBND xã Mà Cooih cho biết, năm 2024, địa phương phối hợp thực hiện cho vay 11 chương trình tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn gồm: hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm; học sinh sinh viên mua máy vi tính; hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; hộ nghèo về nhà ở; hộ dân tộc thiểu số; vùng dân tộc thiểu số và miền núi; người chấp hành xong án phạt tù.
Xã có 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay vốn gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh với 393 hộ vay, tổng dư nợ 21,197 tỷ đồng.
Theo đánh giá, Hội LHPN xã là một trong những đơn vị làm tốt nhiệm vụ nhận ủy thác với 116 hộ vay, dư nợ đạt 6,112 tỷ đồng. Chủ tịch Hội LHPN xã Mà Cooih - bà ARất Thị Bưng chia sẻ, hầu hết hội viên phụ nữ tiếp cận được tín dụng CSXH đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Điển hình tại thôn A Sờ, hộ chị ALăng Thị BRe vay 50 triệu đồng về để mua cây giống trồng phát triển kinh tế rừng. Cạnh đó, kết hợp với số vốn ít ỏi dành dụm, gia đình chị mua máy xay xát để phục vụ nhu cầu của nông dân, kết hợp nuôi heo.
Lãnh đạo Hội LHPN xã Mà Cooih cho biết thêm, hội cũng trợ lực cho chị em phụ nữ bằng việc trao phương tiện sinh kế, để năm nay giúp 2 hộ thoát nghèo và 3 hộ khác đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”.
Sử dụng vốn vay đúng mục đích
Theo ông Đào Anh Vũ - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang, xã Mà Cooih là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác phối hợp cho vay tín dụng CSXH. Năm 2024, người dân được tạo điều kiện tiếp cận vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi, với 393 hộ có dư nợ vay.
Theo thống kê, xã có 221 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội; 4 hộ vay vốn để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa công trình vệ sinh và nước sạch; 4 hộ gia đình vay để trang trải chi phí học tập cho con em; 46 hộ vay vốn chương trình giải quyết việc làm; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở với 10 hộ; 108 hộ vay sản xuất kinh doanh.
Tháng 10/2023, hộ ông Nguyễn Văn Hoàng (thôn A Sờ) vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế vườn bài bản, được nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Hộ A Lăng Tư (thôn A Roong) là minh chứng điển hình về sử dụng đúng mục đích, hiệu quả đồng vốn tín dụng CSXH. Bây giờ, gia đình của đảng viên trẻ này đã gầy dựng cuộc sống riêng bằng việc phát triển trang trại chăn nuôi, đào ao nuôi cá, trồng chuối và trồng cam, quýt thay thế cho cây sắn.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang - ông Đặng Văn Dũng cho biết, chính quyền xã Mà Cooih luôn công khai các hoạt động chương trình tín dụng chính sách. Địa điểm giao dịch hàng tháng được ưu tiên bố trí tại hội trường UBND xã.
Chủ tịch UBND xã - thành viên Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang luôn sắp xếp thời gian để dự họp giao ban cùng Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, hội đoàn thể nhận ủy thác xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn vào ngày 10 hàng tháng để chỉ đạo kịp thời hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác của xã Mà Cooih thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, hỗ trợ các Tổ tiết kiệm và vay vốn huy động tiết kiệm. Mỗi năm, các hội đoàn thể này đều kiểm tra định kỳ 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng hơn 80% số hộ vay nhằm đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích.
Đến nay, xã Mà Cooih còn 205 hộ nghèo (tỷ lệ 31,35%), cận nghèo 84 hộ (tỷ lệ 12,84%) và đang phấn đấu về đích xã nông thôn mới trong thời gian đến.