Cần cơ chế cho đầu tư phát triển đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ
(QNO) - Sáng nay 18/12, Kỳ họp thứ 16 HĐND TP.Tam Kỳ bước vào phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn.
Băn khoăn tăng thu ngân sách
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024, nhiều ý kiến thống nhất với nội dung đánh giá của UBND thành phố, phát triển kinh tế xã hội có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn, kiến nghị liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; xây dựng cơ bản; quy hoạch đô thị.
Theo ý kiến của các đại biểu, nhiều dự án hiện nay trên địa bàn thành phố chậm tiến độ, xây dựng dở dang kéo dài như hồ điều hòa An Xuân, hệ thống thoát nước từ cầu Ngân Hàng đến đường Bạch Đằng, đường Trần Văn Dư, đường Trương Công Hy, khớp nối đường Hoàng Hoa Thám…
Trên lĩnh vực ngân sách, các đại biểu băn khoăn đối với chỉ tiêu thu ngân sách năm 2025 là 2.030 tỷ đồng, tăng thu 350 tỷ đồng so với năm 2024; đề nghị thành phố có giải pháp, định hướng để thu đảm bảo, tránh tình trạng điều chỉnh thu.
Ông Nguyễn Quang Tuấn - Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch thành phố cho biết, thu ngân sách dự toán năm 2025 tăng 243 tỷ đồng so với tỉnh giao. Giải thích chủ trương tăng thu, ông Tuấn cho rằng do nhu cầu tăng để đảm bảo nguồn chi đầu tư của thành phố; đồng thời xuất phát từ yêu cầu quỹ đất thành phố đủ điều kiện đưa ra bán đấu giá với 2.000 lô đất.
Cần cơ chế phát triển tỉnh lỵ
Ông Nguyễn Hồng Sơn (đại biểu Đoàn hội thẩm nhân dân thành phố) cho rằng những năm qua, đô thị Tam Kỳ phát triển rất chậm. Nhưng lỗi ở đây không phải của thành phố cũng như của nhân dân Tam Kỳ mà do chưa có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh của tỉnh.
“Mỗi năm tỉnh hỗ trợ vài chục tỷ đồng, quá nhỏ bé đối với một thành phố tỉnh lỵ. Còn địa phương bán được miếng đất nào thì đầu tư, chỉnh trang đô thị những phần còn dang dở. Làm sao Tam Kỳ vươn lên mạnh mẽ? HĐND thành phố cần kiến nghị tỉnh có cơ chế mạnh mẽ để hỗ trợ cho Tam Kỳ phát triển, xứng đáng là tỉnh lỵ” - ông Sơn nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Hoàng Đức chia sẻ, đây cũng là trăn trở chung của lãnh đạo Tam Kỳ, nhìn lại thấy quá khó khăn, nguồn lực không có, không có nhà đầu tư, tỉnh hỗ rợ rất ít, mỗi năm 70 tỷ đồng. Tiền đất năm vừa rồi phải giảm thu 180 tỷ đồng.
“Lấy đâu ra để Tam Kỳ bứt phá trong thời gian đến. Đây là bài toán loay hoay mãi dù các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND quan tâm” - ông Đức nói.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Duy Ân, năm 2024 có 3 chỉ tiêu chưa đạt nhưng có mức tăng trưởng tốt. Đặc biệt, lần đầu tiên trong nhiều năm thu ngân sách một số khoản đạt và vượt kế hoạch, ngoài tiền sử dụng đất. Lý do chỉ tiêu tiền sử dụng đất năm 2024 cao là bám vào kế hoạch đầu tư công hàng năm, nhưng sau đó buộc phải cắt giảm 180 tỷ đồng do thu không đạt. Năm nay cũng có điều đáng mừng là khối lượng có mà không có tiền giải ngân, khác với các năm trước.
Tam Kỳ cũng là một trong những địa phương làm công tác giải phóng mặt bằng tốt nhất tỉnh mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ chế chính sách thay đổi. Năm 2025 chắc sẽ còn khó khăn nhưng sẽ tiếp tục tháo gỡ.
Về nhiệm vụ năm 2025, ông Ân khẳng định tiếp tục đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để thu hút nhà đầu tư, tập trung phát triển đô thị, kinh tế đêm, sắp xếp buôn bán vỉa hè; nghiên cứu cải thiện, xây dựng sản phẩm du lịch mới, tạo sức hút cho du lịch. Quan tâm xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn. Đây là nhiệm vụ then chốt, được xem là con đường phát triển của thành phố. Đầu tư công năm 2025 cũng sẽ khởi sắc như dự án đường Hùng Vương, nạo vét sông Trương Giang...
Nói thêm về khoản thu 330 tỷ đồng tiền sử dụng đất, ông Ân lạc quan năm 2025 hy vọng sẽ khởi sắc hơn, bởi đất thành phố không thiếu, chỉ chờ thị trường sinh động hơn.
Cơ chế của tỉnh đối với phát triển đô thị tỉnh lỵ cũng đã có chuyển biến tích cực sau cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với thành phố như hỗ trợ mỗi năm 1 - 2 dự án trọng điểm, hỗ trợ thêm 30 tỷ đồng cho kiến thiết đô thị.