Hội An lấy ý kiến về đề án thu giá dịch vụ dựa theo khối lượng chất thải
(QNO) - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đề án của UBND thành phố về việc “Thu giá dịch vụ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa theo khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại phát sinh trên địa bàn TP.Hội An”.
Theo ông Võ Nễ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đến đầu năm 2025 sẽ thực thi việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt và thu giá dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; căn cứ Công văn số 3972 của UBND tỉnh về việc thí điểm quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP.Hội An, UBND thành phố đã xây dựng đề án này.
“Sau thời gian thí điểm tại phường Cẩm Nam đã cho kết quả ban đầu khả quan và Hội An là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện mô hình thí điểm này” - ông Võ Nễ nói.
Với sự hỗ trợ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Trung tâm Xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững (BUS) tư vấn, đề án nhằm đẩy mạnh giảm thiểu phát sinh rác thải tại nguồn, đánh giá mức độ khả thi, khả năng kiểm soát, ứng phó, xử lý sự cố trong quá trình thực thi quy định; góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường tỷ lệ chấp hành quy định phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Đại diện đơn vị tư vấn, TS.Kiều Thị Kính - Trung tâm Xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững (BUS) cho biết, đề án có 3 mục tiêu là 100% người dân tại 13 xã/phường được tiếp cận và truyền thông về đề án; ít nhất 50% hộ dân, cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ ở 13 xã/phường thực hiện trả phí dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh thông qua hình thức mua túi chất thải; đánh giá và hoàn thiện cơ chế chính sách về triển khai đề án và đề xuất kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.
“Năm 2024, thành phố thực hiện chuỗi hoạt động truyền thông, tham vấn ý kiến và trình đề án cho UBND tỉnh phê duyệt. Giai đoạn 2025-2027, thực hiện thu giá dịch vụ trên toàn thành phố và đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm, hoàn thiện đề án. Giai đoạn 2027-2030 duy trì đề án, nghiên cứu và đánh giá hiệu quả” - TS.Kiều Thị Kính nói.
Nhìn chung, các đại biểu tham dự hội nghị phản biện đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với nội dung vì đề án có cơ sở pháp lý và thực tiễn triển khai thí điểm hiệu quả tại phường Cẩm Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, đề án cần xác định rõ phương pháp thực hiện thu giá dịch vụ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa theo “khối lượng hoặc thể tích”. Nếu thu theo thể tích thì dùng túi đã được ấn định theo thể tích nhưng nếu thu theo khối lượng thì cần có cân khi thu dưới sự chứng kiến của bên phát thải và bên thu.
“Điều này gây khó khăn cho lực lượng thu gom. Có thể xem xét gộp cả 2 phương thức khối lượng và thể tích thành “lượng phát thải” với 2 hình thức định lượng bằng tem và túi. Đề án cũng cần làm rõ hơn bản chất và sự khác biệt của nguồn phát thải là “rác thải sinh hoạt” với “rác thải dịch vụ”, hộ trong hẻm và hộ mặt tiền làm cơ sở xây dựng cơ cấu giá chi trả khác nhau, hướng tới sự công bằng”.
Ông Nguyễn Văn Hiền - nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường TP.Hội An cho hay, ông đồng tình với chủ trương người gây ô nhiễm phải trả tiền, xả thải nhiều phải đóng phí nhiều. “Về lộ trình tăng đơn giá túi chất thải theo đề án, đề nghị giữ đơn giá chi phí vệ sinh môi trường ổn định, giảm tối đa giá thành sản xuất túi thu gom nhưng chất lượng không thay đổi” - ông Hiền nói.
Góp ý cho đề án, ông Trần Văn Nhân - nguyên Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND TP.Hội An cho rằng, đề án được xây dựng logic, công phu, khoa học và có tính thuyết phục nhưng cần phải giải quyết vấn đề “các cơ sở xử lý rác thải của thành phố phải hoạt động hiệu quả, tiến tới chấm dứt tình trạng vận chuyển rác thải đi các địa phương khác như lâu nay”.
Thạc sĩ Nguyễn Chí Trung - nhà nghiên cứu văn hóa Hội An cho biết, đề án có nội dung thiết thực, trình bày khá rõ ràng, thuyết phục qua 6 chương cụ thể; với những ưu điểm cơ bản, đề án có tính khả thi cao. “Về điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội nên tổng hợp số liệu liên quan ít nhất 5 năm gần đây để có cơ sở dự báo. Mục tiêu nên đặt ra từng nhiệm vụ, giai đoạn gắn với lộ trình thực hiện”.