Kinh tế

Chuẩn hóa quy trình sản xuất để xuất khẩu đặc sản Quảng Nam

PHAN VINH 18/12/2024 17:50

(QNO) - Sự kiện khánh thành nhà máy chế biến nông sản thực phẩm của Hợp tác xã (HTX) Bà Ba Hội vừa qua đã khẳng định những nỗ lực của các chủ thể Quảng Nam trong việc hoàn thiện quy trình sản xuất để đưa sản phẩm xuất khẩu.

1(1).jpg
Thiết bị máy móc tại nhà máy của HTX Bà Ba Hội được bố trí theo quy trình sản xuất 1 chiều. Ảnh: PHAN VINH

Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế

Sau gần 1 năm thi công, khu tổ hợp gồm nhà máy sản xuất, khu diễn ra các hoạt động trải nghiệm văn hóa ẩm thực Việt và khu trưng bày xúc tiến thương mại các sản phẩm khởi nghiệp Quảng Nam đặt tại xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) của HTX Bà Ba Hội đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Trên diện tích gần 1.000m2, với tổng vốn đầu tư khoảng 22 tỷ đồng, đây được xem là nỗ lực rất đáng được ghi nhận của một HTX chỉ mới thành lập hơn 3 năm.

3.jpg
Nhà máy HTX Bà Ba Hội đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Ảnh: PHAN VINH

Bà Huỳnh Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc HTX Bà Ba Hội cho biết, thời gian qua, đơn vị đã có những sản phẩm xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ, Canada, New Zealand với những sản phẩm như cá nục rim, bánh chưng xanh, mỳ Quảng ếch. Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế, sau thời gian nghiên cứu, học hỏi và được tư vấn tận tình từ các đối tác và ban ngành chuyên môn, HTX Bà Ba Hội đã mạnh dạn đầu tư nhà máy sản xuất với quy trình đạt chuẩn HACCP, ISO, FDA,...

[VIDEO] - Bà Huỳnh Thị Thu Thủy chia sẻ về công năng của nhà máy:

Nhà máy sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm của HTX Bà Ba Hội hoạt động theo quy trình khép kín, một chiều. Từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào, sơ chế, khử trùng, chế biến, vô trùng sản phẩm, đóng gói và nhập kho lạnh bảo quản đều theo quy trình rõ ràng, mỗi công nhân phụ trách từng công đoạn. Không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm mà nhà máy của chúng tôi còn phải đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường, an toàn cho sức khỏe người lao động.

Bà Huỳnh Thị Thu Thủy

Trước đây, xưởng sản xuất bánh dừa nướng của HTX Sản xuất - thương mại Bảo Linh (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) vận hành theo phương thức thủ công, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi kết nối được với đối tác Đài Loan (Trung Quốc), HTX đã chi hơn 300 triệu đồng, nâng cấp xưởng sản xuất để đạt các quy trình của chứng nhận ISO 22000 - tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, để đưa hàng đi xuất khẩu.

4.jpg
Xưởng sản xuất của HTX Sản xuất - thương mại Bảo Linh cũng vận hành theo quy trình 1 chiều đáp ứng tiêu chuẩn ISO 22000. Ảnh: PHAN VINH

Ông Phan Đình Tuấn - Giám đốc HTX Sản xuất - thương mại Bảo Linh cho biết: "Được cấp chứng nhận ISO 22000 thôi chưa đủ mà đối tác Đài Loan dựa trên cơ sở đó, đến tận nhà xưởng kiểm tra quy trình sản xuất thực tế rồi mới đưa ra quyết định có ký hợp đồng hay không. May mắn là sau khi chuẩn hóa quy trình sản xuất được xuất khẩu qua thị trường Đài Loan thì tiếp sau đó chúng tôi cũng thành công xuất hàng đi Hàn Quốc".

Mở ra nhiều cơ hội

Là một người tìm kiếm các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản Việt Nam xuất khẩu và phân phối tại thị trường Bờ Biển Ngà, ông Hồ Văn Tạ - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu du lịch Vietnam - Côte d'Ivoire (VINACO) cho rằng, sản phẩm Quảng Nam rất có tiềm năng ở thị trường châu Phi. Trong đó, các sản phẩm như bánh tráng, nước mắm, nước tương, gạo, bánh phồng... được người dân châu Phi rất ưa chuộng. Thời gian qua, ông Tạ đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu hơn 200 thùng nước mắm với trọng lượng 1 tấn sang Bờ Biển Ngà.

5.jpg
Sản phẩm nước mắm Ông Trinh của Cơ sở nước mắm Ông Trinh (Duy Xuyên) lên kệ hàng của siêu thị ở Bờ Biển Ngà. Ảnh: PHAN VINH

"Chúng tôi có liên kết với hệ thống các siêu thị bán lẻ ở Bờ Biển Ngà nên nhập hàng của đối tác Việt Nam sang đây phân phối. Những mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, nông sản của chúng ta rất có tiềm năng. Trong khi đó, các quy định về tiêu chuẩn, đánh giá chất lượng của Việt Nam cũng tương đương với Bờ Biển Ngà, chủ yếu quan tâm đến quy trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nhãn mác phải in tiếng bản địa của họ" - ông Tạ nói.

[VIDEO] - Ông Hồ Văn Tạ chia sẻ về những lưu ý đối với sản phẩm muốn xuất khẩu sang thị trường Châu Phi:

Vừa qua, Công ty CP Xuất nhập khẩu LNS Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược với HTX Bà Ba Hội ở thị trường miền Trung và Tây Nguyên. Ông Hồ Thanh Hùng - Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu LNS Việt Nam thuộc LNS International Corporation, có trụ sở chính tại Houston, Texas, Hoa Kỳ, và hiện nay còn có các văn phòng tại 5 quốc gia: Việt Nam, Úc, New Zealand, Ý, Nhật Bản. Doanh nghiệp hoạt động đa ngành, bao gồm các lĩnh vực: Thương mại xuất nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, và xây dựng; Cung cấp dịch vụ vận tải quốc tế và hậu cần; Tư vấn xuất nhập khẩu.

2.jpg
Các sản phẩm Quảng Nam có tiềm năng xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ảnh: PHAN VINH

Đối với lĩnh vực thương mại xuất nhập khẩu thực phẩm, LNS International Corporation đặc biệt ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đậm bản sắc truyền thống Việt Nam, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn cho sức khỏe người dùng, đa dạng về loại hình và hương vị. Tại Mỹ, LNS hiện là đơn vị nhập khẩu và phân phối các sản phẩm Việt Nam vào hơn 1.000 siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa và ẩm thực Việt đến cộng đồng quốc tế.

[VIDEO] - Clip ông Hồ Thanh Hùng nói về định hướng các mặt hàng hỗ trợ xuất khẩu của LNS:

"Sắp tới đây, chúng tôi còn có nhiều cơ hội đưa hàng hoá vào những kênh của người bản xứ tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, ngoài cộng đồng người Việt, người châu Á sinh sống tại đây. Tiếp theo sau sự hoàn thiện, nâng cấp quy trình sản xuất, đây cũng là cơ hội cho các sản phẩm của Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung mở rộng thị trường, đa dạng đối tượng khách hàng" - ông Hùng nói.

PHAN VINH