Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi kinh tế xanh
(QNO) - Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu của hầu hết các doanh nghiệp trong thời đại hội nhập quốc tế hiện nay. Một sản phẩm, dịch vụ cần phải được đo lường, số hóa và thay đổi nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính, tương ứng với mục tiêu Net Zero toàn cầu.
Chuyển đổi theo xu hướng
Từ khi thành lập vào năm 2017, Công ty CP Đầu tư sản xuất Bảo Trân đã định hướng phát triển theo mô hình kinh tế xanh. Hoạt động ở lĩnh vực nuôi yến và sản xuất các sản phẩm thương mại từ tổ yến nên hành trình chuyển đổi xanh của công ty này được bắt đầu từ khi đầu tư xây dựng cơ sở. Hiện nay, tổ hợp nhà yến của Bảo Trân luôn là môi trường an toàn, không kích thích đàn yến. Bên cạnh đó, cơ sở cũng được lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời đáp ứng nhu cầu sản xuất và kinh doanh.
Bà Phạm Thị Thanh Thảo - Giám đốc Công ty CP Đầu tư sản xuất Bảo Trân cho biết: "Quá trình phát triển của doanh nghiệp, chúng tôi chú trọng tới yếu tố xanh và bền vững. Vì vậy, khi đưa sản phẩm ra thị trường và xuất khẩu chúng tôi hoàn toàn tự tin về chất lượng và đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các tiêu chí về môi trường mà đối tác yêu cầu".
Còn ông Lee Sung Hoon - Tổng Giám đốc Công ty TNHH CTR Vina - Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) chia sẻ, là đơn vị sản xuất các thiết bị phụ trợ ô tô dựa trên nền tảng an toàn. Vì vậy, công ty này cũng rất quan tâm đến vấn đề môi trường. Tập đoàn CTR cũng đang hướng tới các tiêu chí của phát triển bền vững ESG là môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.
"Cùng với định hướng của tập đoàn, CTR tại Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển doanh nghiệp xanh, thân thiện và tích cực tham gia các hoạt động xanh, bảo vệ môi trường tại khu vực và địa phương đang làm việc" - ông Lee Sung Hoon nói.
Đối với Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai, ông Lê Ngọc Thủy - Giám đốc công ty cho rằng, đơn vị có rất nhiều kinh nghiệm trong đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng trong nhiều năm qua.
[VIDEO] - Các doanh nghiệp chia sẻ về định hướng phát triển xanh và bền vững:
Hiện nay, công ty này đang thực hiện dự án mở rộng Khu công nghiệp Tam Thăng thêm 243ha. Trong đó, tiêu chí được UBND tỉnh Quảng Nam định hướng để thực hiện dự án Khu công nghiệp Tam Thăng là môi trường, phát triển nơi này trở thành khu công nghiệp sinh thái, là mô hình kiểu mẫu của khu vực.
Cần giám sát tập trung
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hoặc khu - cụm công nghiệp đã có những hành động số hóa quá trình sản xuất kinh doanh, chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, những hành động đó vẫn còn mơ hồ, tự phát và thiếu liên kết.
Bà Phạm Bích Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech cho biết, quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững phải cần một quy trình rõ ràng, có thể số hóa tất cả dữ liệu và đo lường các chỉ số trong chuyển đổi xanh như mức độ phát thải khí nhà kính, tỷ lệ trung hòa các bon...
Chuyển đổi xanh với các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu kiểm đếm phát thải khí nhà kính thông qua các nội dung: Điện - nước - ánh sáng - độ ẩm - nhiệt độ - bụi mịn - tiếng ồn - độ rung - chất lượng không khí - quản lý rác thải. Trong đó, điện - nước và quản lý rác thải là quan trọng nhất. Để làm được cái này thì cần thiết bị cảm biến IoT để đo và Dashboard (bảng quản lý IoT thông minh) nhằm kiểm tra, quản lý, giám sát… Hiện nay các quy định chứng nhận xanh đều đưa ra tiêu chí để định lượng và không còn là định tính nữa.
Echotech đang có một nền tảng hỗ trợ hành trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh của doanh nghiệp với nhiều tính năng sáng tạo khác biệt như nhật ký quá trình phát triển bền vững, sản phẩm phần mềm quản lý và thu thập dữ liệu IoT - Internet vạn vật.
Thông qua thiết bị IoT và nền tảng số nhằm chuyển đổi kép (chuyển đổi số và chuyển đổi xanh) dùng để ghi chép và cung cấp thông tin cho các bên liên quan có nhu cầu tìm hiểu về quá trình hoạt động và phát triển bền vững của doanh nghiệp theo thời gian thật một cách rõ ràng và chuyên nghiệp. Đồng thời, thông qua số liệu từ phần mềm Internet vạn vật, có thể kiểm kê lượng phát thải carbon, khí nhà kính, quản lý rủi ro trong quá trình vận hành sản xuất để các doanh nghiệp kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp của mình.
Theo bà Hà, lãnh đạo các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và cam kết sẵn sàng, bố trí người phụ trách và lập ra phòng ban phát triển bền vững ESG có sự tham gia của các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp. Đồng thời, xác định bối cảnh và lập ra kế hoạch thực hành phù hợp với bối cảnh, điều kiện của doanh nghiệp trong ngắn hạn và trung hạn.
Bên cạnh đó cũng cần thực hành những công việc đầu tiên như: Đào tạo về các kiến thức nhân thức cơ bản về việc thực hành phát triển bền vững theo các tiêu chí ESG; lập hệ thống quản lý việc sử dụng và tiết kiệm năng lượng, nước, rác thải, tái chế trong các quá trình sản xuất vận hành của doanh nghiệp.
[VIDEO] - Bà Phạm Bích Hà chia sẻ về việc Echotech sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh:
Mọi hành trình tiến đến Net Zero, trong đó có một bước đệm quan trọng là tín chỉ các bon, đều phải được khởi nguồn từ IoT. Có IoT thì mới có tiết kiệm và quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả, có thể theo dõi đo lường và đánh giá được hiện trạng và hành vi phát thải. Đồng thời, có IoT mới có thể xác minh được chính xác số lượng tín chỉ các bon được tạo ra và được mang ra thị trường để mua và bán.
"Vậy muốn quản lý được các thiết bị IoT khác nhau thì phải có phần mềm tích hợp và hiển thị dữ liệu một cách liên tục theo thời gian thật nhằm công khai minh bạch số liệu. Quan trọng nhất là có tính chứng thực và xác minh cao và để cho ai cũng nhìn được và nắm bắt được hiện trạng, từ đó thúc đẩy mọi sáng kiến giảm phát thải của tất cả mọi người trong tổ chức, doanh nghiệp.
Quản lý dữ liệu IoT là có thể quản lý được phát thải khí nhà kính, năng lượng và tín chỉ các bon một cách thông minh và đơn giản nhất, từ đó doanh nghiệp sẽ có kết quả quá trình giảm phát thải đúng kế hoạch ở mức thấp nhất" - bà Hà nói.