Người dân Nam Giang mở hướng thoát nghèo
Thời gian qua, bằng các mô hình sinh kế tiêu biểu, từ trồng cây dược liệu dưới tán rừng cho đến chăn nuôi bò tập trung, heo đen địa phương... giúp đồng bào vùng cao huyện Nam Giang có thêm động lực phát triển kinh tế, mở hướng thoát nghèo.
Trồng dược liệu dưới tán rừng
Với đặc thù tự nhiên, vài năm trước, người dân Chơ Chun tìm thấy rất nhiều cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là sâm bảy lá một hoa.
Quá trình sử dụng rừng và đất canh tác, cũng như việc khai thác bừa bãi trong nhân dân khiến nguồn tài nguyên này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, làm suy giảm nhanh số lượng và thành phần loài cây sâm bảy lá một hoa.
Ông Riah Pêl - Chủ tịch UBND xã Chơ Chun cho biết, qua khảo sát, ngoài sâm bảy lá một hoa, địa phương ghi nhận thêm một số loài dược liệu mọc tự nhiên có giá trị kinh tế cao như sâm dây, sâm ba kích...
Tiêu biểu sâm bảy lá một hoa có giá bán tại chỗ 1,5-2,5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, lâu nay do quá trình quản lý bảo vệ thiếu chặt chẽ nên gây ra lãng phí lớn khiến dược liệu quý chưa phát huy hết giá trị vốn có.
Quyết tâm bảo tồn nguồn dược liệu quý, thời gian qua, chính quyền xã Chơ Chun xây dựng đề án triển khai quản lý, bảo tồn và nhân rộng các mô hình trồng bảo vệ trong nhân dân.
“Từ đề án trên, năm 2022, UBND huyện Nam Giang xây dựng phương án trồng thí điểm sâm bảy lá một hoa theo mô hình thâm canh dưới tán rừng.
Trên cơ sở phương án này, chúng tôi tập trung nghiên cứu chọn cây dược liệu sâm bảy lá một hoa có sẵn trong tự nhiên ở địa phương phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng để trồng thí điểm nhằm bảo tồn và mở rộng phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho người dân” - ông Riah Pêl chia sẻ.
Để việc trồng thí điểm sâm được hiệu quả, chính quyền địa phương linh hoạt chỉ đạo cán bộ phụ trách nông nghiệp phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân biết rõ về vai trò, ý nghĩa và giá trị kinh tế từ cây dược liệu.
Từ đó có hướng bảo tồn phù hợp, mở rộng diện tích trồng để phát triển kinh tế, cũng như tăng thu nhập cho gia đình. Đồng thời phối hợp với Phòng NN&PTNT; Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện khảo sát chọn hộ, chọn điểm để triển khai thực hiện tại 3 thôn trên địa bàn xã, gồm Blăng, Côn Zốt và A Xoò.
“Từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay chúng tôi thí điểm trồng quy mô 65.390 cây sâm bảy lá một hoa trên tổng diện tích hơn 5,5ha, bao gồm cả cây trồng dặm, với sự tham gia của 146 hộ dân địa phương.
Cây sâm bảy lá thích nghi bóng mát, sinh trưởng phát triển trong môi trường rừng tự nhiên, đất có độ ẩm và lượng mùn hữu cơ cao, độ cao khoảng 1.200 - 1.300m so với mặt nước biển.
Vì thế, chúng tôi khuyến khích người dân tham gia trồng sâm dưới tán rừng tự nhiên hoặc dưới tán cây trong vườn cây sinh trưởng, vừa nâng cao giá trị dược liệu vừa bảo vệ môi trường và rừng nguyên sinh” - ông Riah Pêl nói.
Khuyến khích chăn nuôi tập trung
Từng được mệnh danh là “xã 5 không”, sau hơn 10 năm đổi mới phương thức canh tác, Chơ Chun đã và đang có bước “chuyển mình”.
Bên cạnh tập trung trồng dược liệu dưới tán rừng, vài năm trở lại đây, địa phương khó khăn nhất này của huyện Nam Giang tích cực khuyến khích người dân mở rộng chăn nuôi tập trung, tạo đà phát triển mới. Nhờ vậy, từ xã gần như tuyệt đối hộ nghèo, đến nay đã giảm xuống còn hơn 49%.
Ông A Viết Mia - Phó Chủ tịch UBND xã Chơ Chun cho hay, một số hộ dân trên địa bàn xã bước đầu triển khai thực hiện các mô hình trồng cam bản địa, cam vinh, bưởi da xanh...
Đặc biệt là trồng và nhân rộng giống măng Ahum đặc trưng của vùng, tạo thu nhập cho cộng đồng bằng sản vật của địa phương miền núi. “Các mô hình chăn nuôi gắn với trồng cây dược liệu giúp nhiều hộ thoát nghèo, trở thành điển hình trong lao động sản xuất tại địa phương” - ông A Viết Mia nói.
Theo ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, xác định mục tiêu phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, thời gian qua, chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt trong việc huy động nguồn lực, linh hoạt triển khai các mô hình kinh tế phù hợp, đáp ứng với điều kiện phát triển của người dân.
Trong đó, tập trung phát triển mô hình dược liệu dưới tán rừng, xây dựng cơ chế khuyến khích chăn nuôi tập trung theo từng nhóm hộ cộng đồng.
Từ cơ chế hỗ trợ các dự án sinh kế của Nhà nước, nhiều mô hình chăn nuôi được hình thành, đáp ứng điều kiện phát triển kinh tế của hộ dân miền núi.
Cùng với chăn nuôi bò, dê theo từng hộ gia đình, ở một số cộng đồng huyện Nam Giang đang hình thành các nhóm chăn nuôi tập trung, chủ yếu là mô hình nuôi heo đen địa phương, đem lại thu nhập ổn định.
Điển hình như HTX Nông lâm nghiệp A Liêng (xã Tà Bhing), mỗi năm cung ứng lượng lớn heo thịt ra thị trường, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho cộng đồng Cơ Tu.
“Ngoài chăn nuôi heo đen, ở một số khu dân cư, bước đầu hình thành các mô hình chăn nuôi dúi đem lại hiệu quả tích cực, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương” - ông Chương cho hay.