Văn hóa

Độc đáo lễ cưới của đồng bào Ve

ĐĂNG NGUYÊN 20/12/2024 09:55

Sau thời gian tìm hiểu, cặp đôi quyết định thưa chuyện với cha mẹ hai bên gia đình để tìm mai mối se duyên. Nếu mọi thứ tốt đẹp, một lễ cưới sau đó được diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống mang đậm giá trị bản sắc của đồng đồng bào Ve...

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-9-23-148317-_tnb-60451-12.jpg
Tái hiện lễ cưới của người Ve. Ảnh: Đ.N

Ở Nam Giang, đồng bào Ve (một nhánh dân tộc Giẻ Triêng) cư trú chủ yếu ở địa bàn 2 xã Đắc Pre và Đắc Pring. Do địa bàn hiểm trở nên ngày xưa quá trình kết duyên của người Ve được tiến hành sau quá trình tìm hiểu và mai mối. Khi hai bên gia đình chấp thuận, công tác chuẩn bị cho lễ cưới được triển khai nhanh chóng, bắt đầu từ công việc chuẩn bị quà cưới.

Ông Trần Ngọc Hùng - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Nam Giang cho biết, theo phong tục truyền thống của người Ve, ngày cưới cũng được chọn vào ngày trăng tròn. Đây được xem là ngày “trăng đôi”, có hai nửa úp lại vào nhau, rất tốt cho việc kết hôn. Bởi người Ve tin rằng, tổ chức lễ cưới vào ngày này, đôi vợ chồng sẽ không lẻ loi, đơn độc trong cuộc sống. Họ sẽ sống với nhau trọn đời như 2 mảnh trăng khép lại thành hình tròn. “Thời gian chuẩn bị lễ cưới nhanh hay chậm phụ thuộc vào kinh tế của gia đình” - ông Hùng chia sẻ.

Để chuẩn bị quà cưới, nhà trai sắm một mâm sính lễ gồm heo, gà, cá, rượu cần, chiêng, ché... Bên nhà gái chuẩn bị củi cưới (đây được xem là công việc quan trọng trong quá trình chuẩn bị lễ vật cho hôn nhân của người Ve). Vì thế, ngay từ sau lễ dạm hỏi của nhà trai, con gái người Ve bắt đầu theo họ hàng đi lấy củi khô mang về nhà để bổ nhỏ. Tặng phẩm sẽ được mang đến nhà trai, thể hiện tấm lòng thành của cô dâu trong ngày cưới.

Lễ cưới của người Ve thường được diễn ra tại nhà trai. Theo phong tục, buổi sáng ngày diễn ra lễ cưới, người mai mối mời nhà gái sang nhà trai dự đám cưới. Đi đầu là người mai mối, tiếp đến là cô dâu, cha mẹ, anh em họ hàng và cuối cùng là các cô gái làm nhiệm vụ gùi củi.

Khi nhà gái đến cổng, nhà trai vẩy nước trong lần lượt lên từng người khi bước vào nhà, miệng cầu khấn cho hai bên gia đình cùng đoàn kết, làm ăn phát đạt, khỏe mạnh, sung túc… Sau đó, nhà trai dùng tiết heo hòa với nước suối được lấy ở thượng nguồn để nhà gái nhúng chân hàm ý xua đuổi mọi điều không tốt.

“Nhà gái trước khi bước vào nhà trai đều phải nhúng chân vào ống tre có tiết heo, vòng chài rồi mới tiến vào để trao củi. Củi cưới của cô dâu được bố mẹ chồng đón nhận và đặt trong nhà.

Sau đó, củi cưới được xếp quanh nhà, trước khi thực hiện nghi thức truyền thống. Họ đặt mâm lễ cưới trước nhà, người mai mối sẽ làm chứng lời hứa của cô dâu và chú rể. Sau đó, cả hai cùng uống chung chén rượu và tiến hành nghi thức đốt ruột gà, ăn nắm cơm chung...” - ông Hùng cho biết.

Theo phong tục của người Ve, trong đám cưới tùy điều kiện của nhà trai mà thường làm thịt trâu, bò, heo, gà… để thết đãi khách. Để chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ nên duyên, cả họ hàng hai bên thông gia cùng nhau nhảy múa theo điệu đinh tút và trống chiêng, chung niềm vui với cộng đồng...

ĐĂNG NGUYÊN