Bất ngờ với những ý tưởng Xanh “siêu đặc biệt” của thế hệ trẻ
(PR) - Cuộc thi “Tiếng nói Xanh” do Quỹ Vì tương lai xanh - Tập đoàn Vingroup tổ chức đã chính thức khép lại Vòng Sơ khảo và lựa chọn ra 120 đội thi xuất sắc nhất bước vào Vòng Đối đầu. Theo đánh giá, các ý tưởng tham gia cuộc thi không chỉ mang tính sáng tạo mà còn có tính thực tiễn cao, thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc về các vấn đề môi trường tại địa phương.
Ươm mầm từ những góc nhìn thực tế
Đến từ vùng biển Quảng Bình, vùng đất thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Lê Bảo Ngọc và Lê Minh Anh thuộc đội thi Seaweed (Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp) đã thể hiện tài năng và sự sáng tạo qua ý tưởng đột phá "Sản xuất găng tay y tế từ tảo biển". Với đặc tính kháng khuẩn tự nhiên và khả năng phân hủy sinh học cao, tảo biển là nguồn tài nguyên dễ khai thác, đặc biệt phù hợp để ứng dụng trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Sản phẩm này không chỉ góp phần giải quyết bài toán rác thải nhựa trong y tế mà còn đưa ra một hướng đi bền vững, kết hợp giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế địa phương.
Trong khi đó, ở chủ đề Lối sống xanh, đội Earth Signs (Trường THPT Hương Trà, Thừa Thiên Huế) gồm hai thí sinh Nguyễn Phước Phương Thảo và Châu Hà Anh gây ấn tượng với “Tái chế đầu lọc thuốc lá thành phân bón và bông gòn ứng dụng trong nông nghiệp và công nghiệp”. Ý tưởng này không chỉ giúp giảm thiểu tác hại của rác thải độc hại từ đầu lọc thuốc lá – một trong những loại rác khó phân hủy nhất, mà còn tận dụng chúng để tạo ra các sản phẩm hữu ích. Quá trình tái chế được đội nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo khả năng ứng dụng thực tế cao, đồng thời mở ra tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn tại địa phương.
Ở lĩnh vực Tiêu dùng xanh, nhóm JasLip với 2 thành viên Nguyễn Minh Ngọc và Nguyễn Vũ Anh Thư (THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội) đề xuất ý tưởng “Bê tông làm từ bã mía”. Thay vì bị bỏ đi, bã mía từ các cửa hàng đồ uống và nhà máy thực phẩm sẽ được tái chế thành một nguyên liệu xây dựng thân thiện với môi trường. “Bê tông đường mía không chỉ giải quyết các vấn đề về môi trường, mà còn mang lại các giá trị thực tế như làm tấm ốp tường và gạch, làm đồ trang trí chịu lực hay vỉa hè,... Bê tông đường mía không chỉ bền mà còn mang tính cách mạng, nhóm em hy vọng có thể sớm phát triển thành dự án khởi nghiệp trong tương lai gần”, hai bạn trẻ tin rằng ý tưởng sẽ mở ra một hướng đi mới cho ngành xây dựng, góp phần xây dựng một môi trường sống xanh, bền vững.
Trong khi đó, với trăn trở trước vấn đề giáo dục phân loại rác thải trong các trường học và mối lo về tác động lâu dài đến môi trường, nhóm Chiến binh Xanh gồm Hoàng Trà My và Hà Thị Hiền Anh (học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An) đã mang đến một ý tưởng sáng tạo: “Dự án Hệ thống thùng rác AI thông minh kết nối toàn cầu”. Hai bạn trẻ chia sẻ: “Dự án này không chỉ nhằm nâng cao ý thức phân loại rác trong cộng đồng học sinh mà còn hướng tới việc tạo ra một hệ sinh thái công nghệ hỗ trợ giáo dục bảo vệ môi trường. Với sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống thùng rác có thể nhận diện và phân loại rác tự động, đồng thời kết nối dữ liệu với các nền tảng toàn cầu để chia sẻ thông tin và tối ưu hóa xử lý rác thải”.
Giải pháp gắn liền với bối cảnh thực tế
Ban giám khảo Vòng Sơ khảo cho biết các ý tưởng đi tiếp vào vòng trong đều không mơ mộng hay viển vông, mà rất thực tế, phát hiện từ những mặt còn hạn chế để đưa ra giải pháp khả thi, sáng tạo và có tác động tích cực lâu dài.
Bà Nguyễn Minh Phương (Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp – Trường Đại học VinUni, đại diện ban giám khảo Vòng Sơ khảo) đánh giá cao các thí sinh với khả năng phân tích sâu sắc các vấn đề môi trường tại địa phương. Bà chia sẻ: “Ý tưởng mà các bạn đưa ra không chỉ sáng tạo mà còn rất thực tiễn, tập trung vào việc tận dụng nguồn lực sẵn có để tìm ra giải pháp hiệu quả. Điều này cho thấy thế hệ trẻ đã có những suy nghĩ chín chắn và sẵn sàng hành động vì một tương lai bền vững”.
Bên cạnh đó, Ban giám khảo cũng đặc biệt ấn tượng trong việc đề xuất các giải pháp khả thi, gắn liền với tiềm năng và thế mạnh sẵn có của địa phương của các đội, không chỉ hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường mà còn mang lại cơ hội tạo sinh kế và góp phần nâng cao đời sống cho cộng đồng.
Nhận xét về chất lượng thí sinh bước vào vòng Đối đầu, TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Điều hành Quỹ Vì tương lai xanh, đại diện Ban tổ chức cuộc thi, cho biết: “Các bạn thí sinh đã thể hiện sự đầu tư nghiêm túc và nghiên cứu kỹ lưỡng về các vấn đề môi trường, đồng thời cập nhật nhanh chóng các diễn biến liên quan đến biến đổi khí hậu tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Quy trình nghiên cứu được thực hiện bài bản, các đội thi không chỉ đi đúng hướng mà còn thể hiện khả năng phân tích số liệu và khai thác thông tin từ những nguồn đáng tin cậy. Từ đó, các bạn đã đào sâu, đúc kết và đưa ra những ý tưởng cụ thể, có tính khả thi cao để giải quyết các vấn đề được đặt ra”.
Sau hai vòng loại trực tuyến đầy kịch tính, cuộc thi “Tiếng nói Xanh” đang tiến gần hơn tới những thử thách mới mẻ trong Vòng Đối đầu, được tổ chức trực tiếp vào ngày 28/12/2024 tại Hà Nội (dành cho thí sinh khu vực miền Bắc) và 29/12/2024 tại TP.HCM (dành cho thí sinh khu vực miền Nam). Các cá nhân/đội thi sẽ được chia vào 02 bảng thi đấu: tiếng Việt và tiếng Anh, dựa theo lựa chọn ngôn ngữ đã đăng ký. Mỗi cá nhân/đội thi sẽ đối đầu trực tiếp với các cá nhân/đội thi khác cùng bảng đấu, do Ban tổ chức sắp xếp ngẫu nhiên.
Kết thúc Vòng Đối đầu, 16 cá nhân/đội thi xuất sắc nhất sẽ bước tiếp vào Vòng Tranh hạng, nơi những tài năng ưu tú nhất sẽ hội tụ.Vòng thi dự kiến được tổ chức tại Trường Đại học VinUni vào ngày 18 và 19/01/2025, đánh dấu chặng đường vinh quang trong hành trình lan tỏa thông điệp sống xanh và sáng tạo vì một tương lai bền vững.