Quảng Nam định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị khối chính quyền
(QNO) - Ngày 20/12/2024, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch số 9919 về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị khối chính quyền tỉnh.
UBND tỉnh nêu rõ mục đích: Đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị với cấp thẩm quyền về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, tăng cường sự quản lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở phân cấp, phân quyền hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Giảm tối thiểu 15% đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị
Tại Kế hoạch số 9919, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát định hướng sắp xếp theo yêu cầu của Nghị quyết số 18, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 trên nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; đồng thời sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18, về sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
“Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần sự thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” - kế hoạch nêu rõ.
Các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động thực hiện với quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện.
Xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...
Thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm tối thiểu 15% đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị (không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện hợp nhất, sáp nhập). Rà soát tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề xuất và giải quyết chế độ chính sách theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.
Sắp xếp giảm 6 sở, ngành
Đối với các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh, theo kế hoạch, tiếp tục duy trì 4 sở, ngành (nhưng có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), cụ thể: Sở VH-TT&DL; Thanh tra tỉnh; Sở Tư pháp; Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh.
Đồng thời thực hiện sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất các sở: Hợp nhất Sở KH&ĐT và Sở Tài chính. Tên sau sắp xếp dự kiến là Sở Kinh tế - Tài chính (tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở trước khi hợp nhất).
Hợp nhất Sở GT-VT và Sở Xây dựng. Tên sau sắp xếp dự kiến là Sở Xây dựng và Giao thông (tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở trước khi hợp nhất).
Hợp nhất Sở TN-MT và Sở NN&PTNT. Tên sau sắp xếp dự kiến là Sở Nông nghiệp và Môi trường (tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở trước khi hợp nhất).
Hợp nhất Sở TT-TT và Sở Khoa học và Công nghệ. Tên sau sắp xếp dự kiến là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông (tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở trước khi hợp nhất).
Hợp nhất Sở LĐ-TB&XH và Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ và Lao động; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở GD-ĐT; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế; chuyển chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo về Ban Dân tộc tỉnh.
Sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh; đồng thời chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam về Sở Kinh tế - Tài chính (sau khi hợp nhất).
Văn phòng UBND tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng UBND tỉnh hiện nay và chức năng nhiệm vụ của Sở Ngoại vụ chuyển sang.
Tổ chức lại các sở, ngành: Tổ chức lại Sở Y tế trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức. Đồng thời tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội từ Sở LĐ-TB&XH chuyển sang. Tiếp nhận các chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy liên quan đến quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ Sở NN&PTNT và Sở Công Thương chuyển sang.
Tổ chức lại Sở GD-ĐT trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức (tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở LĐ-TB&XH).
Tổ chức lại Ban Dân tộc thành Ban Dân tộc - Tôn giáo trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức (tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về công tác tôn giáo từ Sở Nội vụ, nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở LĐ-TB&XH).
Tổ chức lại Sở Công Thương do tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
Tổng số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh sau sắp xếp, còn lại là 13 cơ quan chuyên môn, 1 tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh (giảm 6 sở, ngành).
Sắp xếp còn 7 đơn vị sự nghiệp công lập
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, theo kế hoạch, hợp nhất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh. Tên gọi dự kiến: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh. Chức năng nhiệm vụ: Thực hiện các chức năng nhiệm vụ của 2 ban quản lý dự án hiện nay.
Tạm thời giữ ổn định (nhưng có sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong) và nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp trong thời gian đến đối với Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, Trường Cao đẳng Quảng Nam, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Ban Quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh, Trường Đại học Quảng Nam.
Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh sau sắp xếp, còn lại là 7 đơn vị (giảm 1 đơn vị).
Sắp xếp tổ chức bên trong thuộc sở, ngành
Đối với mô hình chi cục, sau khi chuyển Ban Tôn giáo thành Phòng Tôn giáo thuộc Ban Dân tộc - Tôn giáo, còn 10 chi cục thuộc các sở, ngành. Để tiếp tục tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, các sở, ngành nghiên cứu phương án: Cơ bản kết thúc mô hình chi cục thuộc sở (trừ một số trường hợp thật cần thiết được cấp thẩm quyền xem xét, thống nhất). Đối với các chi cục được tiếp tục duy trì thì sắp xếp tinh gọn tối đa bộ máy bên trong để thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
UBND tỉnh đề nghị rà soát, sắp xếp, kiện toàn các tổ chức bên trong các sở, ngành theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đảm bảo tiêu chí, điều kiện theo quy định.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ngành: Thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại hoặc giải thể đối với các đơn vị sự nghiệp đã có chủ trương của UBND tỉnh, thu gọn đầu mối vì có chức năng nhiệm vụ tương đồng và đơn vị không đáp ứng tiêu chí theo quy định.
Đối với các bộ phận (dưới tên gọi văn phòng, ban) tham mưu, giúp việc cho các tổ chức phối hợp liên ngành; các tổ chức phối hợp liên ngành được giao biên chế công chức, viên chức, theo UBND tỉnh, qua rà soát, các tổ chức được giao biên chế công chức, viên chức trong thời gian qua gồm: Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Văn phòng Ban An toàn giao thông, Bộ phận giúp việc Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Phương án đề xuất: Không bố trí biên chế riêng mà thực hiện chế độ làm việc kiêm nhiệm hoặc biệt phái; đối với biên chế đã bố trí trước đây, trước mắt chuyển về các sở là cơ quan thường trực của tổ chức phối hợp liên ngành (Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về Sở Nông nghiệp và Môi trường; Bộ phận giúp việc Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ về Sở Nội vụ và Lao động; Văn phòng Ban An toàn giao thông về Sở Xây dựng và Giao thông). Các sở tiếp nhận, thực hiện sắp xếp theo quy định.
Các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách: Hiện nay có 11 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách gồm: Quỹ Đầu tư phát triển; Quỹ Hợp tác xã; Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh; Quỹ Hỗ trợ nông dân; Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh; Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh; Quỹ Khuyến học tỉnh; Quỹ Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Quảng Nam; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và bảo trợ trẻ em tỉnh; Quỹ Vận động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh; Quỹ Phòng chống tội phạm tỉnh.
Các quỹ không bố trí biên chế, thực hiện kiêm nhiệm, nếu không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ thì không sắp xếp. UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất UBND tỉnh thực hiện sắp xếp các quỹ.
Định hướng sắp xếp bộ máy cấp huyện
Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện: Trên cơ sở các nội dung gợi ý, định hướng sắp xếp của Trung ương, của tỉnh để nghiên cứu, đề xuất việc sắp xếp một số phòng, ban, đơn vị, ban chỉ đạo cấp huyện tương tự như cấp tỉnh.
Nghiên cứu phương án sắp xếp phòng chuyên môn cấp huyện theo định hướng như sau: Hợp nhất Phòng LĐ-TB&XH và Phòng Nội vụ. Tên gọi dự kiến: Phòng Nội vụ và Lao động. Chức năng nhiệm vụ: Tiếp nhận chức năng nhiệm vụ của Phòng Nội vụ và chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương, việc làm, người có công, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới từ Phòng LĐ-TB&XH hiện nay.
Thành lập Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, giao thông, công thương trên địa bàn cấp huyện từ Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị (tại thị xã, thành phố), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay.
Thành lập Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Văn hóa - Thông tin và chức năng, nhiệm vụ về khoa học và công nghệ từ Phòng Kinh tế (tại thị xã, thành phố), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay trên địa bàn cấp huyện.
Thành lập Phòng Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng TN-MT và chức năng, nhiệm vụ của Phòng NN&PTNT (tại huyện) và chức năng, nhiệm vụ về nông nghiệp và phát triển nông thôn từ Phòng Kinh tế (tại thị xã, thành phố) hiện nay trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Tiếp nhận, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ: Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng chống tệ nạn xã hội từ Phòng LĐ-TB&XH hiện nay.
Phòng GD-ĐT tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp từ Phòng LĐ-TB&XH hiện nay.
Phòng Dân tộc thực hiện tương tự như đối với cấp tỉnh (tiếp nhận chức năng nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo từ Phòng Nội vụ và giảm nghèo từ Phòng LĐ-TB&XH chuyển sang) và đổi tên thành Phòng Dân tộc - Tôn giáo.
Phòng Nông nghiệp và Môi trường tiếp nhận nhiệm vụ giảm nghèo từ Phòng LĐ-TB&XH.
Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện: Nghiên cứu kết thúc hoạt động đối với 5 đội quy tắc đô thị (đội quản lý trật tự xây dựng) là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các huyện, thị xã, thành phố: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn và chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan, đơn vị phù hợp.
Trước mắt, giữ ổn định các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo; đồng thời từng bước nghiên cứu, cơ cấu lại mạng lưới trường lớp theo quy định.
Các đơn vị sự nghiệp công lập còn lại nghiên cứu sắp xếp kiện toàn đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Giữ nguyên 16 hội quần chúng cấp tỉnh
Theo Kế hoạch số 9919, trước mắt giữ nguyên 16 hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh hiện nay. Đối với các hội quần chúng khác và hội quần chúng cấp huyện, cấp xã: Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nghiên cứu, rà soát để sắp xếp trong thời gian đến cho phù hợp.