Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang Đỗ Hữu Tùng: “Huyện sẽ xử lý nghiêm sai phạm về thực hiện giảm nghèo bền vững”
(QNO) - Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết như vậy; đồng thời cả hệ thống chính trị của địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, toàn diện.
PV: - Xin ông cho biết, công tác giảm nghèo bền vững đã được Đông Giang triển khai như thế nào?
Ông Đỗ Hữu Tùng: - Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 22, ngày 13/7/2022 về tập trung lãnh đạo công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 21, ngày 20/7/2022 quy định tỷ lệ đối ứng từ ngân sách huyện, xã cho các nội dung thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025; cùng Nghị quyết số 31 thông qua Kế hoạch số 226, ngày 14/12/2022 của UBND huyện về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025.
Có thể khẳng định, hệ thống văn bản triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành liên quan ban hành kịp thời, đầy đủ, đúng thẩm quyền, phù hợp với điều kiện ngân sách, thực tiễn. Công tác tuyên truyền được tăng cường nhằm khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo.
Cạnh đó, huyện tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều. Tập huấn nâng cao năng lực cho 700 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo.
Thành lập 3 tổ công tác kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải ngân đầu tư công và thực hiện các chương trình MTQG do 3 đồng chí Thường trực UBND huyện làm Tổ trưởng. Chưa tính đột xuất, các tổ công tác làm việc với các xã, thị trấn 2 lần/tháng.
PV: - Đâu là những kết quả bước đầu đạt được, thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Tùng: - UBND huyện giao Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng - phát triển quỹ đất Đông Giang, các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện 24 công trình. Chủ yếu là xây dựng công trình nước sinh hoạt khu tái định cư; đường giao thông liên thôn, liên xã; sửa chữa, nâng chấp các trường tiểu học, THCS; cầu cụm dân cư; các khu thể thao xã; kiên cố hóa hệ thống đường huyện; sửa chữa, nâng cấp công trình nước sinh hoạt tập trung thôn; duy tu bảo dưỡng thủy lợi.
Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hình thành các mô hình chuỗi liên kết, điển hình như nuôi hươu sao lấy nhung, heo đen địa phương, trồng ba kích tím, trồng cây mít ruột đỏ...
Trong năm 2024, huyện phối hợp mở 18 lớp đào tạo nghề cho 613 người lao động với số tiền thực hiện hơn 1,6 tỷ đồng (đạt 306,5% kế hoạch); tổ chức 4 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 140 lao động. Huyện còn phối hợp đưa 22 công dân đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
PV: - Xin ông cho biết, Đông Giang gặp phải khó khăn, hạn chế nào cần tháo gỡ, khắc phục?
Ông Đỗ Hữu Tùng: Giá vật liệu tăng cao, nguồn cung vật liệu thông thường khan hiếm, công tác giải phóng mặt bằng một số công trình, dự án gặp khó khăn do quy trình thu hồi đất gồm nhiều thủ tục, kéo dài thời gian dẫn đến tiến độ triển khai các công trình, dự án chậm. Đào tạo nghề gắn với việc làm tại huyện thì không có đầu ra…
Điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng khó có khả năng đáp ứng theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 22, Nghị định số 27 và khoản 13, điều 1, Nghị định số 38 của Chính phủ: “Hộ tham gia dự án, phương án sản xuất, dịch vụ phải đảm bảo các điều kiện về lao động, cơ sở vật chất, tư liệu sản xuất đáp ứng nội dung của dự án và cam kết đảm bảo phần đối ứng thực hiện dự án”.
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất không thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thì mức hỗ trợ từ ngân sách chỉ ở 60%, còn lại phải đối ứng 40% gây khó khăn đối với hộ tham gia bởi vì họ thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
PV: - Đông Giang sẽ tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp gì về công tác giảm nghèo?
Ông Đỗ Hữu Tùng: - Huyện xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, toàn diện, bền vững, tạo cơ hội để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Khắc phục cho được tâm lý sợ sai, né tránh. Phát huy vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự chủ động, trách nhiệm của cơ quan điều hành, thực thi là yếu tố then chốt để đạt kết quả chương trình.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, nhất là vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; giúp cho họ nhận thức thoát nghèo là trách nhiệm chính của gia đình, còn Nhà nước và xã hội chỉ hỗ trợ một phần điều kiện cần thiết để thoát nghèo bền vững.
Lồng ghép các nguồn lực để thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo; gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất; nhân rộng mô hình giảm nghèo, chú trọng đào tạo nghề để giải quyết việc làm. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; chăm lo, nâng cao mức sống người có công thuộc hộ nghèo, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.
Tăng cường kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp sai phạm liên quan đến việc thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch giảm nghèo. Biểu dương, khen thưởng, động viên cá nhân, tập thể điển hình, gương mẫu trong công tác giảm nghèo bền vững.
PV: - Xin cảm ơn ông!