Từ những đốm lửa…
Những ngày qua, khắp các tỉnh thành trong toàn quốc đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Từ trong câu chuyện lịch sử lại bập bùng những ngọn lửa khơi dậy niềm tự hào và bài học về sức mạnh dân tộc.
Lịch sử sẽ luôn nhắc sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm, tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy.
Đội có 34 cán bộ, chiến sĩ, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, được biên chế thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Sau 3 ngày thành lập, đội đã giành thắng lợi trong trận Phai Khắt, Nà Ngần, làm nên truyền thống đánh thắng trận đầu, đã ra quân là đánh thắng của QĐND Việt Nam.
Với Quảng Nam, chưa đầy sáu tháng sau khi QĐND Việt Nam thành lập, vào ngày 4/5/1945, Đội du kích Vũ Hùng - đơn vị tiền thân của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam ra đời tại nhà bà Trơn (nay thuộc thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành).
Đội du kích ban đầu gồm 30 người được chọn lựa từ 3 xã để bảo đảm bí mật, do ông Nguyễn Ngọc Tân làm đội trưởng, ông Bùi Xuân Hồng (quê xã Tam Nghĩa) làm đội phó.
Lịch sử đã bắt đầu từ những đốm lửa nhỏ như thế để lực lượng vũ trang Việt Nam đối đầu với đội quân nhà nghề thực dân xâm lược.
Nhưng quan trọng là được thời, tạo thế và được một dân tộc kiên cường đùm bọc, dưỡng nuôi, những đội quân kháng chiến lớn lên như Phù Đổng, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tới những chiến công oanh liệt. Là Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”. Là Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước…
Trên những bước đường của cách mạng giải phóng dân tộc, người Quảng, xứ Quảng đã góp phần mình xứng đáng với truyền thống quê hương trung dũng kiên cường.
Từ kháng chiến chống Pháp, cùng với Điện Biên Phủ, Quảng Nam góp Chiến thắng Bồ Bồ vang dội trên chiến trường khu 5.
Trong kháng chiến chống Mỹ, khởi nghĩa làng Ông Tía đã mở màn cho phong trào vũ trang kháng chiến vừa lúc Nghị quyết 15 xác định con đường giải phóng miền Nam bằng bạo lực cách mạng.
Khi quân viễn chinh xâm lược Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng (ngày 8/3/1965) và Chu Lai (ngày 7/5/1965), lập tức “vành đai diệt Mỹ” từng bước hình thành, bao vây cứ điểm quân sự của địch.
Và ngay tại Chu Lai, chỉ chưa đầy 20 ngày sau, đêm 25 rạng sáng 26/5, Chiến thắng Núi Thành được xác lập, ghi dấu trận đầu thắng Mỹ. Bài học sâu sắc là quyết định đúng đắn của Khu ủy Khu 5: “Đánh tiêu diệt một đơn vị Mỹ để hạ uy thế quân Mỹ ngay từ đầu, tìm hiểu cách đánh của chúng, rút kinh nghiệm đánh Mỹ cho ta và cổ vũ khí thế đánh Mỹ trong toàn khu”.
“Dám đánh, cứ đánh, sẽ tìm ra cách đánh”, rồi “bám thắt lưng địch mà đánh”, là sự phát triển phương thức tác chiến chỉ có ở đội quân từ Nhân dân mà ra. Bởi chỗ dựa lớn nhất của quân đội, của lực lượng vũ trang chính là lòng dân. Một Nhân dân anh hùng sẽ có một đội quân anh hùng mà bất cứ kẻ thù xâm lược nào không chóng thì chầy cũng bị đánh bại.
Bài học đắt giá được đúc kết là “dựng nước đi đôi với giữ nước”, bảo vệ đất nước bằng sức mạnh vô địch của toàn dân; kết hợp chặt chẽ chính trị với kinh tế, văn hóa, quân sự, ngoại giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để chiến thắng kẻ thù xâm lược.
Rừng lửa cách mạng đã bắt đầu từ những đốm lửa. Vậy nên giờ đây, để giữ lấy nền hòa bình cho Tổ quốc, với phương châm “lo giữ nước trước khi nước chưa nguy” luôn cần nhen lên, trao truyền ngọn lửa của niềm tin yêu, củng cố sâu sắc mối quan hệ giữa quân đội và Nhân dân.