Chùa Hà Tân - điểm hẹn đặc biệt của người lính
Ở Hà Tân - Đại Lãnh (Đại Lộc) có ngôi chùa là điểm hẹn đầu tiên trên hành trình về thăm chiến trường xưa của những cựu binh.
Trước thềm buổi lễ chính thức kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Thượng Đức (2024), từng đoàn xe chở cựu chiến binh (CCB) nườm nượp đổ về chùa Hà Tân và nối đuôi nhau qua chiếc cổng hẹp. Tại đây, sau khi dừng, các phật tử của chùa hướng dẫn khách cất hành lý. Họ dùng ngay bữa cơm chay đã sắp xếp sẵn rồi nghỉ ngơi ở gian kế bên.
Ngôi chùa thờ 920 liệt sĩ
Đại tá Ngô Thanh Hải, nguyên Trưởng phòng Quản lý hành chính Công an Đà Nẵng dường như quá thân thuộc với nơi này. Mỗi năm ông dành vài lần đến Đại Lãnh cùng đồng đội. Những cây sanh trong vườn mới trồng ngày nào giờ đã vươn cao, tỏa bóng. Tên người trồng hiển hiện khiêm tốn. Chủ nhân có khi là các vị tướng, cũng có khi chỉ là những du kích, y tá năm xưa từng chiến đấu ở Thượng Đức.
Ông Ngô Thanh Hải kể: “Ngày ấy, tôi trong ban quân quản cùng đồng đội sơ tán nhân dân khỏi vùng chiến sự thì phát hiện một tốp máy bay phản lực từ Đà Nẵng bay vào. Chúng trút bom, rải thảm khu vực Hà Tân nhằm tái chiếm Thượng Đức. May mắn tôi kịp xuống hầm trú ẩn.
Vài phút sau, khói bụi vừa tan, tôi bỗng nghe tiếng kêu mẹ ơi, em ơi từ người đại đội trưởng và liên lạc mà lúc sáng mới gặp. Một mảnh đạn xuyên qua bụng các anh. Tiếng gọi “mẹ ơi” là từ cậu liên lạc và “em ơi” là từ người chỉ huy đã có gia đình…”. Nghe câu chuyện của vị CCB, Đại đức Thích Đồng Nhãn trầm tư hẳn.
Câu chuyện ngôi chùa thờ 920 liệt sĩ trận Thượng Đức bắt nguồn từ ân tình của Đại đức Thích Đồng Nhãn với mảnh đất lịch sử này. Sinh năm Thìn (1976) ở Đại Hưng, cách chùa Hà Tân này chừng 2 cây số, ông xuất gia khi còn rất trẻ.
Tuy có chiều dài lịch sử từ năm 1959, đứng ở nơi hợp lưu của sông Cái và sông Con, nhưng chùa Hà Tân đã đổ nát hoang tàn từ lâu. Lúc mới về, chỉ được gọi là giám tự nhưng gần như Thích Đồng Nhân đã trụ trì, trông coi toàn bộ khu đất ngã ba sông.
Những ngày đầu, không kể hết nỗi vất vả của vị sư trẻ khi trong tay không có gì ngoài sức khỏe và lòng nhiệt huyết. Cơm nước nấu ngay ngoài gốc tre. Ban ngày ông đào đá vá kè, không chỉ quanh chùa của mình mà cả khu nhà dân lân cận. Vành đai ngày càng mở rộng nhằm ngăn cản nước xói lở cuốn phăng mọi thứ mùa lũ lụt.
Chùa thường xuyên tổ chức phát hàng ngàn suất quà cho nhân dân trong vùng những dịp lễ, tết. Đặc biệt các đợt bão lụt, chùa Hà Tân luôn đi đầu trong giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Cũng vì mải lo làm chùa và tri ân, ông không nghĩ đến hoàn thiện chức danh trụ trì cho đến năm 2019.
Duyên định với người lính
Đại đức Thích Đồng Nhãn kể về một ngày năm 2012, ông nhận được cuộc điện thoại của một CCB. Họ muốn nhờ ông chủ trì buổi buổi cầu siêu các liệt sĩ trận Thượng Đức, địa điểm là ngã ba sông. Hơi bất ngờ, nhưng ông đồng ý ngay.
Đoàn cán bộ mặc quân phục chừng 10 người đã nghiêm trang tưởng niệm nhớ về đồng đội trong tiếng chuông chùa. Sau lần ấy, các cựu chỉ huy Sư đoàn 304 muốn gửi gắm “anh em” của mình cho thầy. Họ tích cực làm mọi công tác chuẩn bị.
Vậy là tấm bia đá khắc tên gần 1.000 liệt sĩ hy sinh trong trận Thượng Đức đã được cung thỉnh vào chùa. Thời điểm này thầy chưa được công nhận trụ trì nên gặp không ít khó khăn khi muốn làm lễ bạt độ cầu siêu, nhưng rồi mọi việc đều hanh thông.
Đại đức Thích Đồng Nhãn tâm sự: “Phật dạy tứ trọng ân trong đó có ơn Tổ quốc, đồng bào. Vùng đất này chính là ơn thế hệ cha anh đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Các liệt sĩ chính là công thần của vùng đất này. Khi các vị tướng hay các lãnh đạo đơn vị 304 về đây, chúng tôi mời họ nói chuyện với phật tử. Khi tư tưởng đã thông, chùa nhận được nhiều sự ủng hộ hơn. Xây chánh điện là công đoạn sau cùng. Cơ ngơi chùa hôm nay không tính hết bằng tiền…”.
Bê tông cốt thép chỉ xuất hiện ở một số hạng mục không thể thay thế. Màu gỗ từ bốn hướng làm dịu ánh nhìn. Nhiều người vẫn bảo lên vãn cảnh chùa Hà Tân thấy cảm giác nhẹ nhàng, thoáng đãng, như tiếp thêm năng lượng. Đến vùng đất ngã ba sông là đến thiên nhiên.
Tốt đời, đẹp đạo, hết mình tri ân với anh hùng, liệt sĩ, Đại đức Thích Đồng Nhãn luôn nhận được sự trân quý và ngưỡng mộ của phật tử và nhân dân. Đặc biệt với bộ đội, du kích và đồng bào từng chiến đấu ở Thượng Đức, chùa Hà Tân luôn là một nơi để họ trở về với bao nghĩa tình sâu nặng.