Phát hiện bất ngờ về các dòng sông trên thế giới
(QNO) - Gần 3 triệu con sông chảy qua khắp thế giới đang trải qua những thay đổi nhanh chóng và đáng ngạc nhiên, có khả năng gây ra những tác động nghiêm trọng từ nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất đến rủi ro lũ lụt.
Nghiên cứu vừa đăng trên Tạp chí Science (Khoa học) số ra tháng 12/2024. Các nhà khoa học lập bản đồ dòng chảy của nước qua từng con sông trên hành tinh, mỗi ngày trong 35 năm qua, bằng cách kết hợp dữ liệu vệ tinh và mô hình máy tính. Chính các nhà khoa học cho biết họ "sốc" với những phát hiện mới.
Trong khi gần một nửa (khoảng 44%) số sông hạ lưu lớn nhất thế giới như Congo - sông lớn thứ hai của châu Phi, sông Dương Tử chảy qua Trung Quốc và sông Plata của Nam Mỹ chứng kiến lượng nước chảy qua giảm mỗi năm, nhiều con sông thượng nguồn nhỏ và chủ yếu ở các vùng núi lại là câu chuyện khác: 17% chứng kiến lưu lượng dòng chảy tăng.
Các nhà khoa học giải thích, lượng nước giảm đáng kể ở các sông hạ lưu đồng nghĩa với việc nguồn cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của con người đang bị thu hẹp nghiêm trọng.
Dòng chảy ở các con sông lớn chậm hơn cũng có nghĩa các con sông có ít năng lượng hơn để di chuyển trầm tích bao gồm đất đá hạt mịn vốn rất quan trọng để hình thành đồng bằng châu thổ sông, cung cấp khả năng bảo vệ tự nhiên chống lại mực nước biển dâng cao.
Đối với những con sông ở thượng nguồn với lưu lượng dòng chảy tăng, một mặt mang lại yếu tố tích cực như cung cấp chất dinh dưỡng và hỗ trợ quá trình di cư các loài cá, mặt khác có thể làm cho tình trạng lũ lụt tồi tệ hơn.
Giáo sư Hannah Cloke chuyên ngành thủy văn tại Đại học Reading (Vương quốc Anh) cho biết nghiên cứu trên tập trung vào cả những con sông nhỏ nhất cũng rất quan trọng.
Thực tế, một số trận lũ chết người nhất không chỉ xảy ra trên những con sông lớn mà cũng liên quan đến những con sông nhỏ ở đồi núi, thậm chí thường khô cạn đột nhiên đầy nước và cuốn trôi người, xe cộ, các tòa nhà và công trình khác...
Giáo sư Hannah Cloke cho rằng có một mối liên hệ trực tiếp giữa hoạt động của con người, biến đổi khí hậu và những thay đổi trong chu trình nước mang lại sự sống của chúng ta.
Do đó, để bảo vệ các con sông có nghĩa là đốt ít nhiên liệu hóa thạch hơn, thích ứng với những thay đổi tồn tại và ứng phó với những tác động dây chuyền của hành động của con người.
"Các con sông là những sinh vật năng động, xinh đẹp và con người không bao giờ nên coi chúng là điều hiển nhiên hoặc lãng phí các nguồn tài nguyên mà chúng cung cấp cho chúng ta" - Giáo sư Hannah Cloke nói.