Binh nhất lái xe chiến lợi phẩm
Ngày 26/3/1975, khi các đoàn quân đang tiến về Sài Gòn thì tại khu căn cứ Chu Lai có những hình ảnh lạ. Đó là những cậu lính trẻ quân Giải phóng thi nhau thử lái xe ô tô chiến lợi phẩm có gắn chữ US. Đó là GMC, Jeep (M 151 A2), Reo (Ramsom E).
Trong số đó, có “cậu lính” Trần Văn Thụ chạy xe được vài vòng thì chiếc GMC lùi, va vào cột nhà. Mấy chục năm sau, ông chiêm nghiệm lại câu chuyện và nói về số phận con người của một dân tộc.
Chuẩn bị vào Nam
Đầu năm 1968, tại thôn Hữu Cước, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, Hà Nội, cậu thanh niên Trần Văn Thụ nghe bố là ông Trần Văn Thuận nói: “Con cưới vợ rồi tranh thủ để lại cháu đích tôn cho ông bà nuôi dạy…”. Tin tức từ cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 khiến tình hình chiến trường rất căng thẳng. Người con trai của ông đã nhận lệnh gọi nhập ngũ và tổ chức đám cưới gấp vào mùng 6 tết. Bà Lưu Thị Lý - vợ ông, biết rằng trong bối cảnh này thanh niên đều phải lên đường, kể cả sinh viên đang học đại học.
Thời đó, lương thực dùng hàng ngày đều khó. Phần lớn gạo, mì để tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Ông Thụ hồi tưởng, bữa cơm lúc đó phần nhiều là củ và ngô. Cứ hầm ngô cho nhừ ra, sau đó bỏ vôi vào, đổ ra rổ chà cho sạch vỏ, tiếp tục nấu lần 2, âm ỉ suốt đêm và sáng hôm sau có bữa ăn cho cả nhà.
Cậu Thụ và vợ là Nguyễn Thị Đưỡng luôn được ông bố hối thúc: “Các con mau có cháu đích tôn cho bố mẹ”. Cậu Thụ lờ mờ hiểu, bố mình lo xa, vì guồng quay của cuộc chiến tranh thì cậu chắc chắn cũng sẽ phải lên đường. Đàn ông ở miền Bắc khi ấy vắng hẳn. Đàn bà gánh vác mọi việc, kể cả chức xã đội trưởng, trưởng công an.
Cậu Thụ cưới vợ khi đã nhận lệnh gọi nhập ngũ. Tính hết thời gian thì Thụ chỉ được ở với người vợ 21 ngày, sau đó vào trường huấn luyện.
Ông Thụ hồi tưởng: “Những năm tháng đó, thanh niên miền Bắc ai cũng biết tới tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga. Vì vậy khi có giấy gọi nhập ngũ thì chúng tôi xác định phải vào chiến trường, dù trong lòng tự nhủ rằng, khó có thể trở ra”.
Vượt Trường Sơn
Chiều ngày 18/4/1968, tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, 800 quân nhân thuộc 4 đại đội của Tiểu đoàn 434 tổ chức bế giảng khóa huấn luyện và hành quân vào chiến trường miền Nam.
Tiểu đoàn trưởng Bùi Anh Dũng, người gốc Nam Bộ hô dõng dạc: Tốc độ hành quân 5 km/giờ, hướng hành quân vào chiến trường miền Nam!
Cậu binh nhì nhìn quanh và ước gì lại được thấy bố và người vợ thân yêu của mình. Cậu không thể quên, khi vào trường huấn luyện được một thời gian thì bố chở vợ vào thăm.
Lần đó, ông bố 53 tuổi đã đạp xe chở con dâu 21 tuổi vượt chặng đường hơn 100km từ nhà tới trường huấn luyện và xin phép chỉ huy đơn vị: “Xin cho vợ chồng nó gặp gỡ để có cháu và giữ giống nòi”. Người bố với nét mặt khổ đau nhìn 2 đứa con và trào nước mắt. Ngày hôm sau thì ông lại chở con dâu trở về quê nhà. Vì kiệt sức và đường xấu nên mấy lần 2 cha con bị ngã xe.
Sau khẩu lệnh “hướng hành quân”, những người lính trẻ, già bắt đầu lên đường ròng rã vượt Trường Sơn. Có lần vừa đến trạm dừng chân tại một trạm nằm về phía đất của Lào, lính gác trạm nghe tiếng Thụ và hỏi: - Này, đồng chí quê ở đâu? Ông Thụ đáp: Tớ ở Đan Phượng, Hà Tây. Hành quân từ ngoài đó vô đây đã gần 2 tháng rồi.
Người gác trạm lập tức ồ lên và cho biết, có một người cùng quê Đan Phượng mới hy sinh và chôn ở bìa núi. Vậy là cậu Thụ được đưa ra nấm mộ có tên “Nguyễn Văn Duy, quê Đan Phượng…”. Bia mộ là một lon sữa bò được đục lỗ thành họ, tên.
Thụ bắt đầu thấm được, vì sao bố mình liên tục hối thúc “sinh cháu đích tôn”. Cậu lính cầm bút viết thư gởi về quê cho vợ. Câu chuyện từ chiến trường sau này được ông ghi vào nhật ký những ngày tháng ở Quảng Đà, Quân khu 5.
Ngày 20/7/1968, cậu lính trẻ cùng đoàn quân đã vào đến vùng rừng núi Quảng Đà và nghỉ chân, sau đó tiếp tục hành quân vào Quảng Ngãi rồi đi tiếp vào đồng bằng Sông Cửu Long. Ngày 24/7 thì bất ngờ có lệnh mới - một bộ phận ở lại thành lập Đại đội hậu cần Quân khu 5 (H2), có sự tham gia của lực lượng thanh niên xung phong tại địa phương.
Những người lính trẻ bắt đầu giao lưu và ồn ào về chuyện “ở ngoài miền Bắc sợ máy bay phản lực, ngại nhất là thằng F-105, F-4, F-111, B 52, còn ở chiến trường miền Nam thì lại sợ nhất là máy bay trực thăng OV 10, UH - 1A”.
Ngày tiếp quản
Từ ngày 20/3/1975, khi tình hình chiến sự đảo chiều và thắng lợi như chẻ tre, chàng trai Trần Văn Thụ, 27 tuổi có mặt trong Đại đội công binh di chuyển nhanh áp sát tỉnh lỵ Quảng Đà, 6 ngày sau đó, Quảng Đà được giải phóng.
Đại đội công binh được giao tiếp quản căn cứ Chu Lai. Khi đi dọc đường và nhìn những cụ già, lòng cậu nhớ đến bố ở quê. Cậu ngậm ngùi vì khi hành quân vào đến Quảng Đà, mấy tháng sau thì bố qua đời. Trước khi mất, ông bố vẫn đau đáu về việc đã chở cả con dâu đến đơn vị gặp con trai để kiếm cháu đích tôn, nhưng tới lúc qua đời vẫn chưa có cháu.
Căn cứ Chu Lai có đủ các loại xe ô tô bỏ lại, cùng với phù hiệu, quần áo rằn ri, giày dép lính. Thụ và những người lính trong đơn vị khám phá, thống kê từng kho sữa, đường, thịt hộp.
Ngồi giữa nhà kho chất ngất thức ăn có chữ US, cậu nhớ lại suốt gần 7 năm ở rừng, bữa cơm hàng ngày là đi dọc suối và chặt củ có hình giống móng ngựa; lính trẻ cứ thỉnh thoảng lại khoe “tớ nhìn thấy con nai nó ăn cây này nên người ăn được”. Vậy là bữa ăn củ móng ngựa lại có thêm món rau xanh gọi là rau nai.
Những cậu lính hậu cần chia sẻ nhau chút ít kiến thức lái xe, sau đó thi nhau lên xe ô tô GMC, Jeep, Reo và chạy ra đường băng. Hai cậu lính tên Trường và Sâm rất kiên nhẫn, suốt ngày ôm vô lăng xe và nói: “Nay mai về miền Bắc tớ sẽ đi lái xe để kiếm tiền nuôi vợ, con”. Riêng Thụ thì rời vô lăng sớm, vì khi lái chiếc xe GMC cậu đi lùi, húc vào cột nhà nên bỏ cuộc.
Gần 50 năm trôi qua, ông Trần Văn Thụ bây giờ đã là một cựu chiến binh ở tuổi 78, trở về sống tại quê nhà Đan Phượng (Hà Nội). Ông trải qua những năm tháng khổ sở như người bố của mình, bởi trong gia đình có đến 3 người bị ảnh hưởng chất độc da cam, một đứa cháu mất khi mới 8 tuổi; đứa cháu đích tôn hiện nay còn sống thì bị dị tật câm, điếc. Cậu con trai út khi mới sinh ra đã được bác sĩ kết luận, thị giác tương đương ông cụ 70 tuổi. Ông Thụ tâm sự, mấy chục năm đi gõ cửa để làm chế độ cho 3 người thân trong gia đình bị chất độc da cam, nhưng rồi vẫn không làm được gì cả!
Ngồi kể về hồi ức những ngày ở rừng, ông thường suy ngẫm về lịch sử và nói: ‘‘Giá trị nhất là bây giờ mình vẫn còn sống trên đời. Đất nước giống như con người, cũng có thời vận, số phận, vì năm 1968 tổng tấn công dữ dội nhưng rồi phần lớn đã hy sinh, nhưng đến tháng 3 năm 1975 thì ở Quảng Đà và nhiều nơi khác, gần như không đánh vẫn thắng và phía bên kia cứ quăng súng mà chạy”.