Danh y lỗi lạc trong nền y học dân tộc - Bài 1: Tấm gương sáng ngời, mẫu mực về y đức
(QNO) - Tháng 12 này vừa tròn kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một danh y lỗi lạc trong lịch sử y học dân tộc Việt Nam. Ông là người dựng "ngọn cờ đỏ thắm" trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng ngời về y đức, y đạo, y thuật cho muôn đời noi theo.
Tháng 12 này vừa tròn kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một danh y lỗi lạc trong lịch sử y học dân tộc Việt Nam. Ông là người dựng "ngọn cờ đỏ thắm" trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng ngời về y đức, y đạo, y thuật cho muôn đời noi theo.
BÀI 1: TẤM GƯƠNG SÁNG NGỜI, MẪU MỰC VỀ Y ĐỨC
Trong cuộc đời hành y của mình, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác luôn đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên hết. Ông xem việc cứu người là sứ mệnh cao cả chứ không phải là một nghề nghiệp chỉ để kiếm sống.
Lấy việc cứu người làm phận sự
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người đầu tiên đưa ra những quan điểm mới về y đức trong lịch sử y học Việt Nam và y đức cũng là một trong những tư tưởng lớn nhất được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm của ông (trong bài “Y huấn cách ngôn” và các tập “Dương án, Âm án”, “Y lý thâu nhàn”, “Thượng Kinh ký sự”).
Lê Hữu Trác luôn coi nghề y là một nhân thuật - một nghệ thuật của lòng thương người và trách nhiệm đối với bệnh nhân. Theo ông, một thầy thuốc giỏi không chỉ cần có kiến thức y học sâu rộng mà cần phải có tấm lòng từ bi, biết cảm thông và chia sẻ với nỗi đau của người bệnh.
Đây là một tư tưởng hết sức tiến bộ và nhân văn, nhấn mạnh việc người thầy thuốc phải luôn đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên hết, phải xem việc cứu người là sứ mệnh cao cả chứ không phải là một nghề nghiệp chỉ để vụ lợi, kiếm sống. Tư tưởng này đã góp phần quan trọng xây dựng nên nền tảng y đức của y học Việt Nam.
Ngay trong bài giảng đầu tiên về phương pháp làm nghề y (Y nghiệp thần chương), Lê Hữu Trác đã viết: "Nghề làm thuốc tức là một nghề cầm cái sinh mệnh của con người ở trong tay mình. Nhưng đối với các y giả ở đời, phần nhiều coi là một nghề rất dễ, riêng ta đây thời lại coi là một nghề rất khó…
Vả chăng, ta tuy chuyên theo về nghề làm thuốc nhưng thực ra thời cũng không ham đi chữa bệnh. Vì chỉ e rằng đi chữa cho nhiều người, thời sẽ bị nhầm nhiều, bị nhầm nhiều thời sẽ bị âm báo nhiều. Như thế thời chẳng có khác gì cầu lấy phúc mà lại rước lấy tội. Bởi thế nên không bày tủ thuốc, không sắm dao cầu, không mong ai mời, chẳng cầu ai tạ" (Nguyễn An Nhân, Sách thuốc Hải Thượng Lãn Ông toàn thư, Nam dược Thư quán, Hà Nội, 1942, tr.11).
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (còn có tên là Lê Hữu Huân) sinh năm Giáp Thìn 1724 tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông chủ yếu gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Phiên họp lần thứ 42 ngày 21/11/2023 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024”, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Đại danh y với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người” và tinh thần “học tập suốt đời”.
Ông cho rằng người thầy thuốc là người bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người dân do vậy cần phải siêng năng, chịu khó học tập, bồi đắp kiến thức thường xuyên liên tục mới có thể hành nghề mà không dẫn đến sai sót trong chuyên môn.
Trong “Y huấn cách ngôn”, Hải Thượng Lãn Ông bày tỏ: “Khi học nghề y, phải nên thấu suốt cả nho lý. Một khi đã thông lý đạo nho rồi, thì học y sẽ được dễ dàng hơn. Khi nhàn rỗi, đem sách của các bậc minh y cổ kim ra đọc luôn không rời tay, tìm hiểu cặn kẽ từng nét cho sáng tỏ rõ ràng, cho nhuần nhuyễn nhạy bén. Lượm được vào lòng, sáng hiểu ở mặt nhận xét, tự nhiên [Khi làm sẽ] cảm ứng ra tay, mà không có sự sai lệch” (Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, Nxb Y học, Hà Nội, 1991, tr.25).
Khẳng định vai trò của người thầy thuốc trước người bệnh rất quan trọng, đặc biệt trong những tình huống nguy cấp, người bệnh cần sự giúp đỡ của người thầy thuốc thì phải luôn sẵn sàng có mặt; không nên chỉ vì những thú vui tầm thường của người thầy thuốc mà gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Đạo y là một nhân thuật, chuyên lo cho tính mệnh con người, phải biết lo lắng cái lo của người, cùng vui với cái vui của người, chỉ lấy việc làm sống người làm phận sự của mình, không được mưu lợi, kể công.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
NHÂN - đức tính cơ bản của nghề y
Hải Thượng Lãn Ông nêu rõ và yêu cầu những phẩm chất cần có của người thầy thuốc:“Nhân là một đức tính cơ bản của người làm nghề y. Đức tính cơ bản ấy là điều kiện tiên quyết để vào nghề y; nếu không có lòng nhân, không biết quan tâm đến người khác thì nên đi kiếm sống bằng nghề khác”.
Ông quyết liệt phê phán việc “đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán”; vì vậy, “người thầy thuốc luôn phải trau dồi y đức” và yêu cầu người thầy thuốc cần có 8 đức tính, được gói gọn trong 8 chữ: “Nhân” (nhân từ), Minh (sáng suốt), Đức (đức độ), Trí (trí tuệ), Lượng (sự bao dung), Thành (thành thật), Khiêm (khiêm tốn), Cần (siêng năng); 8 tội cần phải tránh: Lười biếng, Keo kiệt, Tham lam, Dối trá, Bất nhân, Hẹp hòi, Thất đức, Dốt nát.
Với Lê Hữu Trác, nói đi đôi với làm. Đối với bệnh nhân, ông không nề hà khó nhọc, vất vả đến thăm khám trực tiếp, chu đáo rồi mới kê đơn. Ông xem "cái bệnh" là đối tượng số một, bệnh nguy cấp cần chữa trước, tùy trường hợp mà giải quyết kịp thời và chu đáo, bệnh cần dùng thuốc gì dùng thuốc đó dù là thứ đắt tiền.
Có trường hợp bệnh nhân khỏe rồi, nhưng nghèo khổ, Lê Hữu Trác còn chu cấp thêm cho tiền gạo. Ông nói: “Phần mình phải hết sức suy nghĩ, đem hết khả năng để làm kế tìm cái sống trong cái chết cho người ta” (Âm án).
Theo Lê Hữu Trác “Nếu cùng một lúc có nhiều người nhà của bệnh nhân mời đi thăm bệnh, nên tùy mức bệnh nào gấp thì tới trước, bệnh nào hoãn thì tới sau, không nên coi trọng kẻ giàu sang mà tới trước, xem nhẹ kẻ nghèo hèn lại đến sau; hoặc trong việc dùng thuốc lại còn phân biệt kẻ hơn người kém. Nếu lòng không thành thực, thì khó công hiệu của sự cảm ứng" (Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, Nxb Y học, Hà Nội, 1991, tr.25).
Đạo làm thuốc là một học thuật cao quý để giữ gìn mạng sống, cũng là đầu mối lớn lao về đạo đức chân chính. Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu sống người; không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Quan điểm y đức của Lê Hữu Trác không chỉ được thể hiện rõ trong “Y huấn cách ngôn” mà còn được thể hiện qua những hoạt động, ứng xử trong thực tiễn hành nghề của ông. Trong chuyên luận “Những lời dạy của các tôn y Việt Nam về Y đức” của Giáo sư Ngô Gia Hy đã thống kê được 94 điều, trong đó có 72 điều rút ra từ tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông (38 điều từ Y huấn cách ngôn, 24 điều từ Dương án, Âm án, 10 điều từ tập thơ Y lý thâu nhàn và tập Thượng Kinh ký sự). Những quan điểm y đức của Lê Hữu Trác có sự tương đồng lớn với “Lời thề Hippocrate” (460 - 377 trước CN) - người được coi là cha đẻ của y học phương Tây.
Nội dung: TRƯỜNG ĐỒNG - Trình bày: MINH TẠO