Văn học - Nghệ thuật

Dấu ấn biên đạo múa xứ Quảng

ĐẶNG TRƯƠNG 22/12/2024 08:57

Trong những năm gần đây, sân khấu văn nghệ quần chúng Quảng Nam đã phác họa bức tranh quê hương đầy màu sắc qua ngôn ngữ múa, được dàn dựng bởi các biên đạo trẻ nhiều tâm huyết…

Múa và điện ảnh
Các biên đạo múa không chuyên của Quảng Nam kết hợp nghệ thuật múa và hiệu ứng hình ảnh trong dàn dựng tác phẩm.

Phát triển theo hướng chuyên nghiệp

Nhìn từ Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã xây dựng nông thôn mới và Liên hoan nghệ thuật quần chúng thôn, khối phố văn hóa tỉnh Quảng Nam tổ chức 2 năm một lần, có thể khẳng định rằng, khu vườn nghệ thuật múa xứ Quảng đang đóng một vai trò quan trọng, mang đến cho người xem một cái nhìn trực cảm về quê xứ qua ngôn ngữ múa.

Người xem có thể cảm nhận về những làng nghề truyền thống đã từng tồn tại hàng trăm năm từ khi cha ông mở đất lập làng… qua ngôn ngữ hình thể.

Mới đây, trong Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã nông thôn mới tỉnh Quảng Nam năm 2024, người xem đã phải ngạc nhiên, thích thú khi được thưởng thức trên sân khấu những tiết mục múa độc lập thể hiện ý tưởng mới lạ, sáng tạo, giàu chất liệu được các biên đạo múa nhiều năm gắn bó với văn nghệ quần chúng dàn dựng.

Đó là những “Hương lúa” - biên đạo Xuân Lan của đơn vị Hội An; “Sắc cói”, “ Làng chài” - biên đạo Giao Hưởng dàn dựng cho đơn vị Tam Kỳ và Núi Thành; “Làng gốm”, “Vũ khúc quê hương” - biên đạo Kim Vi - Minh Hoàng dàn dựng cho Thăng Bình và Duy Xuyên; “Thanh âm giữa đại ngàn” - biên đạo Zơrâm Thông dựng cho Đông Giang hay “Sắc rừng” - biên đạo Trà My dựng cho huyện Nam Trà My…

Làng chài
Tác phẩm múa "Làng chài".

Biên đạo múa Giao Hưởng cho biết, để thực hiện được tác phẩm múa “Sắc cói” (giải B tiết mục múa độc lập), chị phải nhiều lần thực tế làng chiếu Thạch Tân, Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) để quan sát từng công đoạn của nghề làm chiếu.

Qua đó cảm nhận tâm tình của nghệ nhân trước nguy cơ mai một nghề truyền thống nhưng vẫn ánh lên niềm tin yêu công việc mà cha ông đã tạo dựng. Từ đó lên ý tưởng, hoàn chỉnh tác phẩm múa “Sắc cói”.

“Tôi muốn góp phần gìn giữ những giá trị đặc sắc của nghề chiếu truyền thống thông qua ngôn ngữ múa. Chính vì thế, tôi đã phải tốn rất nhiều thời gian để đi thực tế rồi tư duy làm sao nâng những hình ảnh đời thường đó trở thành hình tượng nghệ thuật, khắc họa trọn vẹn làng nghề này qua ngôn ngữ múa…” - biên đạo Giao Hưởng cho hay.

Còn biên đạo múa trẻ Xuân Lan - Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An khi thực hiện tác phẩm “Hương lúa” (giải A múa độc lập) tiết lộ rằng, vẻ đẹp của cánh đồng lúa Cẩm Thanh vào mùa gặt luôn cuốn hút chị.

“Hương lúa” xuất phát từ tình yêu làng quê, yêu nét đẹp bình dị của lao động mà tôi đã quyết tâm dàn dựng thành tác phẩm múa độc lập. May mắn là các bạn diễn viên múa đã làm tốt vai trò của mình để “Hương lúa” đạt hiệu quả nghệ thuật cao…”.

Đổi mới trong cách thể hiện

Múa là một yếu tố không thể thiếu ở bất cứ hoạt động nghệ thuật biểu diễn nào. Riêng ở sân khấu nghệ thuật quần chúng xứ Quảng, múa vai trò minh họa cho ca khúc, đã làm tốt sứ mệnh của mình khi góp phần tạo nên hiệu quả nghệ thuật cho tiết mục.

Chính điều này dần hình thành nên đội ngũ biên đạo đảm trách phần múa cho các chương trình nghệ thuật quần chúng ở các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, Quảng Nam hiện có một đội ngũ biên đạo múa chuyên nghiệp, sinh hoạt trong Chi Hội múa, Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam...

Một tiết mục múa
Một tiết mục múa kết hợp điện ảnh - truyền hình.

Điều đặc biệt, không chỉ sử dụng ngôn ngữ múa và âm nhạc cho tác phẩm của mình, các biên đạo múa không chuyên ở Quảng Nam đang tiếp cận cách làm mới phù hợp với thị hiếu người xem đồng thời tạo hiệu quả mỹ cảm tốt.

Đó là việc kết hợp giữa ngôn ngữ múa với điện ảnh - truyền hình, thông qua những thước phim về bối cảnh, nét đặc trưng, vẻ đẹp chân thực… của từng đề tài trên màn hình led, giúp người xem như được dạo chơi trong không gian của bối cảnh, ngắm nhìn sự việc, hình ảnh đa chiều và hiệu quả nghệ thuật cao.

Nghệ sĩ múa Minh Tâm, người nhiều năm tham gia ban giám khảo các chương trình nghệ thuật không chuyên của Quảng Nam cho rằng: “Ở nhiều liên hoan, hội diễn không chuyên của Quảng Nam, chúng tôi khá bất ngờ vì được xem nhiều tiết mục múa độc lập được dàn dựng có nghề. Các biên đạo múa trẻ ở đây đã không ngừng nỗ lực tìm tòi, học hỏi để sáng tạo nên những động tác múa giàu hình ảnh và mang tính khái quát cao…”.

Nghệ sĩ múa ưu tú Hồng Hà (TP.Đà Nẵng) nhiều năm tham gia Ban giám khảo Liên hoan nghệ thuật không chuyên Quảng Nam cho rằng: “Các biên đạo không chuyên ở Quảng Nam đã mạnh dạn tiếp cận ngôn ngữ múa đương đại.

Họ có cái nhìn mới lạ về đề tài trong ý tưởng và cùng với đó là việc kể câu chuyện thực tế mình đang dàn dựng bằng hình ảnh sống động của điện ảnh và truyền hình. Cách làm này vừa tạo được sự hấp dẫn cho tác phẩm múa vừa góp phần lan tỏa giá trị riêng có của đề tài. Đây là cách tiếp cận mà nghệ thuật múa ở Việt Nam đang hướng tới…”.

ĐẶNG TRƯƠNG