Truyện ngắn

Đi qua chiến trường K

NGUYỄN TAM MỸ 22/12/2024 10:38

Ngồi trước hiên nhà, hai cha con Mạc trò chuyện với nhau. Bé Hà nghe Mạc bảo ba đi làm ăn xa nên cô bé thôi hờn dỗi. Mạc vào nhà lấy mớ đồ chơi mới mua cho bé Hà. Đây là gấu bông. Đây là thỏ ngọc. Đây là con lật đật. Đây là con vịt bầu vừa lạch bạch bước đi vừa kêu tạch tạch… Mạc bày cho con gái vặn dây cót con vịt bầu, cô bé thích thú ngồi chơi một mình.

Mạc đứng dậy đi vào trong nhà nói với Yên - vợ anh rằng: “Hai cha con qua nhà chú Ba Hoàng chơi, khi nào ăn cơm tối, em ới nhé!”. Ba Hoàng vừa là hàng xóm, vừa là chỗ bà con họ hàng gần gũi với Mạc. Nhác thấy có bóng người nơi đầu ngõ, Ba Hoàng nhận ra là chỗ quen thân, cười nói thay cho lời chào: “Vừa mới pha ấm trà ngon, vào đây! Bé Hà có ba về dắt đi dung dăng dung dẻ vui quá ha…”.

MH Truyen (22-12)

Mạc ngồi xuống trước hiên nhà, hỏi: “Chú Ba này, ngày trước chú làm lính tình nguyện Việt Nam ở đơn vị nào, địa bàn hoạt động chủ yếu nơi đâu?”. Mạc nhắc lại khiến Ba Hoàng phấn chấn hẳn lên. Ông vốn là lính Trung đoàn 733, Sư đoàn 315. Những năm tháng ấy, đơn vị ông hoạt động ở tam giác Siêm Păng, khu vực Bầu Diều và vùng rừng núi giáp biên giữa hai nước Campuchia - Thái Lan.

“Sau khi Cứ điểm 547 bị đối phương triệt hạ, lính Pốt dạt về khu vực ngã ba biên để lập chiến khu ở vùng đông bắc Campuchia. Vì vậy, tình hình chiến sự nơi ấy ngày càng căng thẳng. Địch và ta ở trong thế da beo. Người tìm kẻ trốn. Mùa khô, hai bên cứ chơi trò ú tim mãi” - Ba Hoàng nói.

Ngồi uống trà với nhau, vui chuyện, Ba Hoàng kể cho Mạc nghe “kỷ niệm nhớ đời” thời chinh chiến nơi miền đất lạ. Mùa mưa 1986. Đơn vị Ba Hoàng nhận lệnh hành quân truy quét khu vực Mường Mun, nơi thượng nguồn sông Kompông Salau.

Trời mưa tầm tã cả ngày lẫn đêm. Sông Kompông Salau cuồn cuộn chảy, nước duềnh lên ngập cả đôi bờ. Đơn vị Ba Hoàng cố thoát khỏi cánh rừng thưa nhưng nơi nào cũng bằng phẳng như nhau. Nước lút mắt cá chân. Nước dâng lên đến đầu gối. Rồi nước ngập ngang thắt lưng.

Xế chiều hôm ấy, đơn vị Ba Hoàng đến rừng cây săng lẻ có nhiều cành nhánh chìa ra. Chỉ huy đơn vị quyết định nghỉ qua đêm ở rừng cây săng lẻ. Lính tráng chọn cây săng lẻ nào có chạc ba, giá ba lô lên đấy, trèo lên trùm tấm tăng đi mưa ngủ ngồi. Rét lạnh tái tê. Và đói cồn cào ruột gan.

Bộ phận nuôi quân không thể nấu ăn được. Mọi người trệu trạo nhai gạo sấy cầm hơi. Ai thèm vị cơm thì mở bao gạo sấy hứng nước mưa cho nó nở bung ra thành những hạt cơm rời nhạt thếch.

Trời sập tối rất nhanh. Thằng Sanh trinh sát sợ ngủ quên thả tay rớt xuống nước, lấy dây võng buộc người vào thân cây. Ba Hoàng thấy vậy, bảo: “Mày chơi kiểu đó lỡ có rắn rết bò lên thì biết làm thế nào?”. Hắn ngớ ra và cười. Cánh rừng thưa chìm trong màn mưa trắng bạc. Tiếng chim bìm bịp kêu đâu đó nghe buồn khôn tả.

Qua sáng hôm sau, trời tạnh mưa, hửng nắng. Đơn vị Ba Hoàng tiếp tục hành quân truy quét. Thằng Sanh trinh sát bất ngờ phát hiện toán lính Pốt khi đêm cũng ngủ ngồi trên chạc ba cây săng lẻ, cách đơn vị Ba Hoàng chừng vài ba trăm mét. Bọn chúng cũng đang chuẩn bị di chuyển. Đơn vị Ba Hoàng lặng lẽ bám theo.

Nước vẫn còn ngập tới đùi, khó áp sát mà không bị lộ. Đơn vị Ba Hoàng dàn đội hình chữ V tiếp cận. Bọn chúng đi trước, đơn vị Ba Hoàng âm thầm theo sau. Rừng thưa đầy cỏ lát cỏ trúc xanh tốt bời bời. Mực nước hạ thấp dần. Chỉ còn lấp xấp trên nền đất.

Đến khu vực cao ráo. Chỉ huy đơn vị Ba Hoàng nhận định, thế nào toán lính Pốt cũng tìm chỗ nấu ăn, nghỉ ngơi. Đó là thời điểm thích hợp để nổ súng tiêu diệt gọn bọn giặc áo đen.

Khoảng cách thu hẹp dần. Nào ngờ, khi đến khu vực cao ráo, bọn chúng cởi ba lô, tháo súng ra khỏi người để bên, bất chợt có tên lính Pốt tình cờ nhìn thấy đối phương, vội hét lên: “Duôn! Duôn! Duôn…”(1).

Đơn vị Ba Hoàng lập tức nổ súng. Bọn chúng bỏ chạy tán loạn. Tất cả mất hút giữa rừng cỏ lát cỏ trúc mênh mang. Chiến lợi phẩm thu được gồm một khẩu B40, một khẩu M79, ba khẩu AK và bốn chiếc ba lô. Trong bốn chiếc ba lô ấy, có cả mớ thuốc rê và chỉ ngũ sắc...

*
* *

Bóng tà dương rơi xuống phía sau vườn nhà.

Ngày đã tàn. Đứng bên kia hàng rào chè xanh, Yên gọi với qua bảo Mạc dẫn con gái về ăn cơm. “Rảnh rỗi, cháu qua hầu chuyện chú Ba, chừ cháu phải về, bà xã đã ới…”. Mạc nói và đứng dậy. Bé Hà cũng thôi chạy lon ton đuổi theo mấy con chuồn chuồn kim bé xíu bay chập chờn nơi bờ tóc tiên trồng quanh vuông sân rộng. Cô bé lễ phép chào Ba Hoàng rồi nắm tay Mạc kéo về nhà.

Chuyện chú Ba Hoàng gợi cho Mạc nhớ lại chuyện cha anh hay kể cho anh nghe, khiến anh nhớ lại cứ tủm tỉm cười. Khi đi ngủ, Yên căn vặn: “Cơn cớ gì anh cứ tủm tỉm cười một mình?”.

Qua ánh đèn ngủ màu vàng nhạt sáng soi mờ ảo, anh nhận thấy ánh mắt vợ đầy nghi ngờ, vội vã phân bua: “Đâu có! Anh nhớ chuyện ba anh kể về người đồng đội tên Phong, có biệt danh là Phong “giao hưởng”. Ông ấy được bạn bè đặt cho biệt danh ấy là do ngủ ngáy tạo ra chuỗi âm thanh với nhiều cung bậc khác nhau nghe như nhạc giao hưởng”.

Yên xê dịch bé Hà ra phía ngoài chiếc giường rộng rênh, lấy chiếc gối ôm kê sát tường. Năm tháng chinh chiến của ba chồng và đồng đội cuốn Yên vào miền đất lạ qua lời kể của Mạc...

*
* *

Phong to khỏe, nhanh nhẹn, tháo vác. Hai Trận mừng thầm khi anh chàng “lính mới bóc tem” được bổ sung về đơn vị. Với tạng người như Phong, làm xạ thủ 12 ly 7, hay xạ thủ B41 đều ngon lành.

Nào ngờ Phong lại có cố tật không sao khắc phục được, đó là bạ đâu ngủ đó, khi ngủ lại ngáy vang tạo nên chuỗi âm thanh lên bổng xuống trầm y hệt nhạc giao hưởng. Bộ phận nào cũng chê. Đơn vị Hai Trận đành chuyển Phong về tổ nuôi quân.

Ba anh bảo, tuy là lính nấu ăn nhưng Phong lập thành tích đặc biệt xuất sắc, được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 2.

Đó là vào mùa khô 1987. Lính Pốt vây đánh chốt do một trung đội của đơn vị Hai Trận đóng giữ ở khu vực ngã ba biên giới Campuchia - Lào - Thái Lan. Phong gùi cõng cơm vắt, gạo sấy và nước uống lên chốt.

Lính Pốt nện cối 60 tứ bề. Không thể về đơn vị, Phong ở chốt với anh em. Thương vong xảy ra. Thiếu người cầm súng, Phong xung phong ra chiến hào.

Biết cố tật của anh, mọi người giao anh trấn giữ phía bờ dốc cao. Ôm khẩu M79 với cả mớ đạn và lựu đạn ra chiến hào, Phong nằm úp thìa làm nhiệm vụ. Đêm hôm đó yên tĩnh. Anh em đi lại canh chừng, thấy Phong đang “chơi nhạc giao hưởng” ngon lành quá, không nỡ đánh thức dậy.

Đêm dần chuyển sang ngày. Lính Pốt bất ngờ tập kích. Súng B40 nổ ùng… oàng. Súng M79 nổ tróc… bùm. Và súng AK rộ lên từng tràng, từng tràng… Anh em trên chốt chống trả quyết liệt.

Trời sáng hẳn. Lính Pốt rút lui. Kiểm tra trận địa, anh em phát hiện xác một tên lính Pốt ở bờ dốc cao, ngay phía trước chỗ Phong nằm “chơi nhạc giao hưởng” chừng mười mét. Thì ra, Phong nằm úp thìa ngủ, tay đặt lên cò súng M79 để trước mặt. Giật mình bởi tiếng B40 pùng… poàng, Phong ngoéo tay theo bản năng, không ngờ quả đạn M79 trúng ngay tên lính Pốt…

Đánh nhau để giành sự tồn tại là chuyện bình thường ở nơi chiến trận. Phong may mắn. Còn tên lính Pốt kia bất hạnh. Điều đáng nói là cuốn sổ tay trong túi áo ngực hắn ghi dày đặc thứ chữ ngoằn ngoèo. Không ai biết hắn viết gì trong đó.

Khi đơn vị Hai Trận tăng quân tiếp viện lên chốt, tải thương binh tử sĩ về tuyến sau, Phong đem cuốn sổ ấy giao nộp cho đơn vị. Hóa ra, tên lính Pốt ấy là “Lục Thum”(2) và cuốn sổ chứa đựng những thông tin cực kỳ quan trọng: Danh sách những kẻ “bắt cá hai tay”, những cơ sở Pôn Pốt cài cắm ẩn mình ở các sóc phum trên địa bàn Prết Vihia và Stung Treng. Nhờ có cuốn sổ ấy, ta và bạn đã kịp thời phối hợp bóc gỡ mạng lưới ngầm trong “chính quyền hai mặt”. Phong lập công lớn và được cấp trên khen thưởng xứng đáng.

Nghe Mạc kể xong, Yên nói: “Đúng là thời thế tạo anh hùng”. Chợt có tiếng động cựa. Yên và Mạc ngoảnh mặt sang thấy bé Hà lồm cồm ngồi dậy dụi mắt, nói: “Ủa, khi tối con nằm ngủ ở giữa ba và mẹ, sao bây giờ lại dạt ra ngoài?”. Yên vừa nựng con vừa nói: “Tại con ngủ hay trở mình lăn qua lăn lại nên mới đổi bên. Cũng may có bức tường và chiếc gối ôm chắn lại, nếu không con rớt xuống đất rồi”.

Rồi bé Hà bò qua người mẹ, nằm giữa Mạc và Yên. Lát sau, cô bé lại ngủ say. Mạc nắm lấy tay vợ, thầm mong giấc mơ con lấp lánh vì sao bình yên. Nơi ấy, ông nội ngồi trên chiếc chõng tre kể cho bé Hà nghe về vùng đất lạ xa xôi, những cánh rừng chỉ có tiếng chim hót…

-----------------
(1) Tiếng Kh’mer gọi người Việt Nam một cách miệt thị.
(2) Lục Thum: Tiếng Kh’mer có nghĩa là “Ông Lớn”.

NGUYỄN TAM MỸ